(Tổ Quốc) - Từ khi còn nhỏ, tôi đã được ông bà và bố mẹ căn dặn rằng, sau này dù có đi đâu hay làm bất cứ công việc gì cũng không được đánh mất tiếng nói và phong tục tập quán của dân tộc mình - dân tộc Tày. Vì thế, khi xây dựng Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, tôi không có ý định sẽ khai thác làm du lịch mà chỉ để gìn giữ, bảo tồn những ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày vùng ATK Định Hóa.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải
Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thanh Hải (55 tuổi), người sáng lập lên Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải - điểm du lịch đang thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Sinh ra và lớn lên ở xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, nhưng hiện đang sinh sống ở Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, thuộc xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên. Nơi đây là ốc đảo nằm giữa thành phố Thái Nguyên và thành phố Sông Công, cách thủ đô Hà Nội khoảng 70km.
Theo lời kể của bà Thanh, gia đình bà đến đây sinh sống từ năm 2003. Hồi đó, gia đình bà nghèo lắm, nên chỉ đủ tiền mua khu đất cằn nhất, thuộc xóm nghèo nhất của xã Thịnh Đức.
Những ngày đầu, nơi đây là khu đất trống đồi trọc, bà cùng các thành viên trong gia đình bắt tay vào cải tạo đất, rồi tìm mua một số loại cây, rau cỏ và bắt đầu gieo trồng. Giống như tập quán sinh sống của người Tày, gia đình bà Thanh dựng một nhà sàn để ở và kết hợp để chăn nuôi lợn, gà ở ngay phía dưới.
Sau đó, gia đình bà bắt đầu dịch chuyển chăn nuôi ra phía ngoài và bắt đầu dành nhiều khoảnh đất để trồng các loại rau xanh và trồng thêm rất nhiều loại cây khác có tác dụng chữa bệnh, tốt cho sức khỏe…
Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải
"Từ khi còn nhỏ, tôi đã được ông bà và bố mẹ căn dặn rằng, sau này dù có đi đâu hay làm bất cứ công việc gì cũng không được đánh mất tiếng nói và phong tục tập quán dân tộc mình - dân tộc Tày. Vì thế, khi xây dựng Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, tôi không có ý định sẽ khai thác làm du lịch mà chỉ để gìn giữ, bảo tồn những ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày vùng ATK Định Hóa".
Để xây dựng Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, bà Thanh đã cho bạt đồi, đào hồ, phủ xanh 10ha rừng và chuyển 30 ngôi nhà sàn nguyên gốc từ vùng ATK Định Hóa có tuổi đời ít nhất nửa thế kỷ về đây. Những ngôi nhà sàn được phục dựng nguyên bản về kiến trúc và cấu trúc truyền thống của đồng bào dân tộc Tày nói chung và đồng bào dân tộc Tày vùng ATK Định Hóa nói riêng. Đây là các nếp nhà cũ của đồng bào dân tộc. Nhà gỗ mộc, không sơn và đục đẽo tỉ mỉ như nhà gỗ người kinh dưới xuôi.
Nhà sàn có cấu trúc khung xuyên toang, lợp mái lá cọ. Có bàn thờ thổ tiên ở gian trang trọng nhất và bếp lửa ngay lối cửa vào nhà. Sàn nhà bằng dát thân cây mai thoáng mát. Các gian phòng được bố trí theo đúng vai trò, lứa tuổi trong gia đình truyền thống dân tộc Tày.
"Khi đưa những ngôi nhà sàn về Thái Hải, mục đích của tôi không chỉ là giữ lại phần xác mà phải giữ được phần hồn của những ngôi nhà sàn, đó chính là cuộc sống sinh hoạt, là truyền thống văn hóa, là đời sống lao động thực sự của người dân bên trong và xung quanh những ngôi nhà sàn", bà Thanh chia sẻ.
Vượt qua rất nhiều thử thách, khó khăn, cuối cùng bà Thanh cùng các cộng sự đã thực hiện được mong muốn của mình. Đến nay, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải đã trở thành ngôi nhà chung của vài chục gia đình với hơn 200 người thuộc các dân tộc khác nhau như Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí… Tại đây, mọi hoạt động sản xuất đều mang tính tự cung tự cấp. "Chúng tôi còn sản xuất nước uống đóng chai, trồng và chế biến chè xanh, tự nấu rượu theo đúng quy trình đặc trưng của dân tộc Tày nhằm duy trì nguồn thực phẩm sạch và không gây tác động đến môi trường", bà Thanh tự hào giới thiệu.
Từ năm 2011, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải chính thức được đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch. Thái Hải được chia thành nhiều khu vực như: khu bảo tồn, khu ẩm thực, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí - tổ chức sự kiện… nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu tham quan, khám phá, trải nghiệm và vui chơi - giải trí của du khách. Đến đây, du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động lý thú cùng người dân như: tìm hiểu văn hóa truyền thống dân tộc Tày; tự chế biến và thưởng thức ẩm thực mang hương vị núi rừng; nghỉ qua đêm tại nhà sàn giữa không gian thiên nhiên tươi xanh trải rộng trên diện tích 25ha; trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cùng bản làng (làm thuốc Nam, hái và chế biến chè, nấu rượu, đánh cá, xay lúa, giã cốm, nghe đàn tính, hát then...); chơi các trò chơi dân gian và hiện đại (ném còn, đi cầu thăng bằng, đi cà kheo, bịt mắt bắt dê, đập niêu, kéo co, đi thiên nga trên hồ…); tham gia các chương trình biểu diễn nghệ thuật và giao lưu văn nghệ (nhảy sạp, ca hát, múa rồng - lân, đánh trống hội...); tham dự lễ đặt tên cho con… Không gian nơi đây có thể cùng lúc phục vụ ẩm thực cho 3.000 khách và 500 khách lưu trú, nghỉ dưỡng.
Theo lời bà Thanh, để có được những thành quả như ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực và học hỏi không ngừng nghỉ, "tôi không được đào tạo về ngành du lịch, vì thế những ngày đầu Thái Hải đi vào hoạt động gặp không ít khó khăn trong việc hướng dẫn và phục vụ du khách. Tôi đã huy động toàn bộ dân làng cùng tham gia làm du lịch. Sự nhiệt tình, thân thiện và chất phác của họ đã giúp du khách có những trải nghiệm khó quên".
Đến năm 2014, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải là khu du lịch tư nhân đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được công nhận là điểm du lịch địa phương, góp phần tạo sản phẩm du lịch mới của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh đã mở một số khóa đào tạo nghiệp vụ giúp chúng tôi có kỹ năng tốt hơn trong công việc đón tiếp, hướng dẫn và phục vụ khách du lịch.
Các em nhỏ được dạy hát then, chơi đàn tính để biểu diễn phục vụ du khách
Sau 15 năm phát triển, Thái Hải đã trở thành điểm đến thú vị đối với du khách, mỗi năm đón khoảng 10 ngàn lượt khách đến từ các vùng miền của Việt Nam và hơn 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Lợi ích thu về từ hoạt động du lịch tại đây đã không chỉ giúp thay đổi cuộc sống gia đình tôi so với trước mà còn tạo việc làm ổn định cho hàng trăm con người.
Cùng với hoạt động phát triển du lịch, bà Thanh cũng luôn quan tâm đến việc phát triển cộng đồng trong làng. Trường mầm non và trường tiểu học được xây dựng ở khu vực bên ngoài làng để dạy dỗ, đào tạo các em từ khi còn nhỏ. Hàng ngày, ngoài học kiến thức cơ bản dựa trên nền tảng văn hóa và phong tục Tày, các em còn được học tiếng Tày, tiếng Kinh và tiếng Anh. Khi lớn lên, những em có khả năng học đại học hay du học sẽ được cả làng động viên, cùng giúp đỡ để có thể thực hiện ước mơ của mình; những em còn lại được hướng dẫn trồng rau, nấu rượu, chăn nuôi… và cách đón tiếp, phục vụ khách du lịch./.