• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người trẻ góp phần lan tỏa tinh thần Trường Sa

Văn hoá 24/01/2020 09:09

(Tổ Quốc) - Họ là những thanh niên đầy nhiệt huyết, dẫu chỉ một lần đến Trường Sa, được sống giữa sóng gió biển trời, được gặp gỡ những người lính Trường Sa và với những hành động thiết thực, họ đã truyền cảm hứng sống đẹp, tinh thần Trường Sa đến cộng đồng.

Là người cầm bút, nhà thơ, nhà báo Lữ Mai (Báo Nhân dân) chia sẻ: "Nếu không đi Trường Sa, tình yêu và tự hào Tổ quốc của tôi vẫn thế. Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận rằng, từ Trường Sa trở về, tôi đã thay đổi nhiều điều trong nhận thức và hành động".

Ngoài viết báo, viết văn, ra mắt tập sách "Nơi đầu sóng" cùng kỹ sư Trần Thành, Lữ Mai tham gia vào những hoạt động hướng về biển đảo như: Quyên góp trà tặng các nhà giàn DK1 và tàu trực trên vùng Tư Chính vào tháng 8/2019; Góp sức vào chương trình Tết Trung thu cho con em chiến sĩ Hải quân "Bố ở đảo xa, con ở nhà có bạn" tại Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân. Tháng 12/2019, nữ nhà văn cùng kỹ sư Trần Thành tiếp tục ra mắt sách "Nơi đầu sóng" tập 2 và bộ bưu thiếp với hình ảnh về chủ quyền, vẻ đẹp đầy tự hào của biển đảo Việt Nam.

Người trẻ góp phần lan tỏa tinh thần Trường Sa - Ảnh 1.

Nhà thơ, nhà báo Lữ Mai

Không phải ai muốn, ai yêu cũng có điều kiện đến được với Trường Sa. Nhưng cũng không ít người đã từ Trường Sa trở về và lan tỏa tình yêu, niềm tự hào với biển đảo quê hương tới những người khác. Riêng Lữ Mai và Trần Thành, họ nỗ lực làm thêm các việc nhỏ bé khác như mang triển lãm ảnh biển đảo tới các trường học, công sở, lan tỏa tình yêu và trách nhiệm.

Lữ Mai chia sẻ: "Có rất nhiều cách để thể hiện tình yêu biển đảo thật gần gũi, thiết thực. Mỗi người hãy cứ sống tốt, làm tốt công việc của mình để là hậu phương vững chắc và chia sẻ những điều tốt đẹp với hậu phương của những người lính đảo. Có em học sinh lớp 4 ở Hà Nội tên là Chấn Long, sau khi xem triển lãm ảnh "Nơi đầu sóng" đã viết thư, gửi hạt giống tới các chú bộ đội ngoài đảo xa, gửi 50.000 đồng cho chương trình Tết Trung thu "Bố ở đảo xa, con ở nhà có bạn". Cháu còn chia sẻ với kỹ sư Trần Thành về hoài bão học tập tốt để sau này đóng góp hữu ích cho Trường Sa và biển đảo quê hương. Tết Trung thu, khi bạn bè trang lứa đang rộn ràng vui chơi thì Chấn Long nhờ người nhà đưa tới, trao cho chú Thành 64 con hạc giấy được gấp vô cùng cầu kỳ, nhờ chuyển ra đảo, trong lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Gạc Ma thì giúp em thả xuống biển tưởng nhớ 64 con người bất khuất, kiên trung. Những bạn trẻ có suy nghĩ và hành động như Chấn Long chắc không hiếm. Họ khiến chúng tôi thấy mình nhỏ bé và cần cố gắng hơn để xứng đáng với những hy sinh thầm lặng của bao thế hệ cha ông".

Những bức ảnh của kỹ sư Trần Thành trong cuốn sách Mắt trùng khơi

Kỹ sư Trần Thành - người đã 8 lần đến với Trường Sa; là chủ nhiệm các công trình ý nghĩa hướng về Trường Sa như: Máy lọc nước biển thành nước ngọt, máy ép rác C-Sea, công nghệ vi sinh xử lý môi trường… và nhiều công trình đang ấp ủ. Các công trình khoa học công nghệ ứng dụng vào cuộc sống của anh đã giành nhiều giải thưởng cao quý như: Giải thưởng sáng tạo Khoa học – Công nghệ Việt Nam Vifotec 2017, Bằng lao động sáng tạo năm 2018, cùng nhiều bằng khen của Bộ Tư lệnh Hải quân, Trung ương Đoàn, Liên hiệp các hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam, Tổ chức tình nguyện Liên hiệp quốc… Ngoài ra, Trần Thành còn là nhiếp ảnh gia có tác phẩm liên tục được triển lãm trong nước và quốc tế. Anh hiện là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, Chủ tịch Câu lạc bộ Trí thức trẻ Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp các hội KH-KT Hà Nội. Những việc làm của anh không chỉ truyền cảm hứng về tình yêu biển đảo mà còn khiến giới trẻ thấy mình cần phải có những đóng góp cho biển đảo quê hương.

Người trẻ góp phần lan tỏa tinh thần Trường Sa - Ảnh 2.

Cẩm Lai và Lê Hồng Quân gặp nhau trên chuyến thăm Trường Sa

Cặp vợ chồng nhà báo Nguyễn Cẩm Lai (Truyền hình VTC) và chàng Việt kiều Lê Hồng Quân nên duyên sau 1 năm kể từ lần gặp nhau trong chuyến đi Trường Sa. Không chỉ cùng nhau trên đường đời, họ còn cùng nhau trên những hành trình lan tỏa tinh thần Trường Sa.

Bằng nhiệt huyết của mình, anh Lê Hồng Quân làm Phó chủ nhiệm dự án Ứng dụng lịch Trường Sa. Ngoài những chức năng cơ bản thông báo ngày tháng năm, lễ, tết, sự kiện, ứng dụng lịch Trường Sa được thể hiện bằng những hình ảnh của biển, đảo, thềm lục địa của Việt Nam do được các cá nhân trong nước, bà con kiều bào chụp lại trong các chuyến công tác ra thăm Trường Sa, Nhà giàn DK1 qua các năm; những dữ liệu thông tin (được phép đăng tải từ nguồn của Cục Chính trị Quân chủng Hải quân) về các đảo, các ngày lễ kỉ niệm, khu vực thềm lục địa, các lực lượng thi hành pháp luật trên biển, các khái niệm theo Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982...

Bên cạnh đó, những câu chuyện, tác phẩm thơ, ca khúc viết về biển, đảo, những lực lượng thực thi pháp luật trên biển, những người lính Hải quân đã được cấp phép xuất bản, lưu hành theo qui định cũng được cập nhật trên ứng dụng, nhằm mang đến cho người dùng những trải nghiệm mới mẻ, những hiểu biết về biển, đảo, thềm lục địa, chủ quyền của Tổ quốc. Thông qua đó, những hình ảnh đẹp về biển, đảo, thềm lụa địa thuộc chủ quyền của Việt Nam sẽ được lan toả. Ngoài việc là một ứng dụng thông thường, App lịch Trường Sa sẽ trở thành cầu nối những người đã từng đến Trường Sa, Nhà giàn DK1 (thuộc thềm lục địa phía Nam), kết nối những người yêu mến biển, đảo, từ đó, xây dựng được mối đoàn kết, thống nhất cùng nhau hướng về biển đảo thân yêu thông qua những việc làm ý nghĩa.

Người trẻ góp phần lan tỏa tinh thần Trường Sa - Ảnh 3.

Anh Lê Hồng Quân giới thiệu ứng dụng lịch Trường Sa

Anh Lê Hồng Quân chia sẻ: "Điều đặc biệt trong phần mềm ứng dụng Lịch Trường Sa không chỉ có những hình ảnh về Trường Sa, nhà giàn DK1 hoặc biển đảo của Việt Nam mà sẽ có cả những bài thơ ca hò vè, những bài hát do chính kiều bào, những người chiến sĩ và những người đã từng ra Trường Sa sáng tác. Tôi nghĩ rằng điều này sẽ góp phần lan tỏa tình yêu biển đảo trong cộng đồng, đồng thời sẽ tiếp tục góp phần khẳng định chủ quyền đối với Trường Sa".

Dự án đã cấp 32 học bổng cho con của các chiến sĩ Trường Sa với mỗi học bổng trị giá 3 triệu đồng. Món quà không lớn nhưng đây là một dự án vừa mang tính xã hội, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, và qua đó khơi dậy lòng yêu nước cũng như tinh thần tự hào tự tôn dân tộc, đặc biệt đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ứng dụng "Lịch Trường Sa" góp phần lan tỏa những hình ảnh đó một cách nhanh hơn, chính xác và rộng rãi đối với người dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ