(Tổ Quốc) - Báo cáo của Google-Temasek cho thấy năm 2018, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kép 35% trong giai đoạn 2015-2018 và có giá trị 2,8 tỷ USD (chỉ tính giá trị của kênh Doanh nghiệp tới người tiêu dùng-B2C). Dự báo đến năm 2020, thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD.
Tiềm năng để phát triển trong lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam là rất lớn, tuy nhiên đi kèm với là không ít những thách thức đặt ra như: Cơ chế chính sách, quy định của pháp luật và đặc biệt là thực trạng nguồn nhân lực thương mại điện tử hiện nay. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong, hiện nay nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam vừa thiếu hụt về số lượng, vừa yếu về chất lượng, chưa thực sự đáp ứng cho nhu cầu phát triển hiện tại và trong tương lai.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Phó trưởng khoa Kinh tế - Trường đại học Mở Hà Nội.
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Phó trưởng khoa Kinh tế - Trường đại học Mở Hà Nội.
Bà có đánh giá gì về sự phát triển thương mại điện tử của Việt Nam?
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong đó có các nội dung của kinh tế số đã có những tác động rất sâu sắc đến Việt Nam, tác động trực tiếp đến hiệu quả phát triển và cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động.
Trong một vài năm trở lại đây, chúng ta đều thấy được sự phát triển nhanh, mạnh của thương mại điện tử tại Việt Nam. Điều này được thể hiện qua những con số ấn tượng về doanh thu mà thương mại điện tử mang lại. Với một quốc gia có đến 53% dân số sử dụng internet và gần 50 triệu thuê bao sử dụng smartphone, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam được dự đoán rất tiềm năng và sẽ bùng nổ trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam cũng có thể phải đối mặt với sự tụt hậu về công nghệ. Cùng với những thay đổi rất lớn từ công nghiệp 4.0 đã đạt được, thì Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức đối với thị trường lao động.
Bà vừa đề cập đến yếu tố nhiều thách thức đối với thị trường lao động. Vậy cụ thể những thách thức đó là gì?
Cách mạng công nghiệp 4.0 và thương mại điện tử đòi hỏi người lao động phải có trình độ và trình độ cao (chuyên sâu), trong khi đó, chất lượng nhân lực ở nước ta còn thấp, cơ cấu lao động bất hợp lý, điều này dẫn đến việc Việt Nam đang dần mất sức cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế và đòi hỏi cần sớm có những giải pháp tháo gỡ.
Riêng với lĩnh vực thương mại điện tử, chúng ta đang rất thiếu nguồn lao động có trình độ về công nghệ thông tin và TMĐT. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp đang thiếu những lao động có trình độ chuyên môn về TMĐT. Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), căn cứ kết quả khảo sát hàng năm đối với một bộ phận ứng dụng thường xuyên TMĐT, có hơn 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát (tương đương hơn 1.000 doanh nghiệp) cho thấy, nhu cầu nhân lực TMĐT được đào tạo là rất cần thiết đối với doanh nghiệp.
Nhu cầu này sẽ còn tiếp tục lớn hơn rất nhiều khi mà thời gian tới Việt Nam trở thành quốc gia có hàm lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh lớn, do đó việc tiến hành trao đổi thương mại qua mạng sẽ ngày càng phổ biến hơn.
Việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành TMĐT tại Việt Nam hiện nay thế nào thưa bà?
Tốc độ phát triển nhanh của ngành TMĐT tại Việt Nam đã kéo theo nhu cầu nguồn nhân lực ngày càng cao. Ở các nước trên thế giới, nguồn nhân lực cho ngành TMĐT đều được đào tạo chính quy tại các trường đại học hay cao đẳng hay có các khóa học về TMĐT.
Ở Việt Nam hiên nay tại một số trường đại học cũng đã và đang đào tạo cử nhân chuyên ngành TMĐT. Tuy nhiên, nếu so với tốc độ phát triển và nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực cho ngành này thì hiện tại cung chưa đáp ứng được cho cầu. Vì theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - VECOM, trong năm 2017 có đến 31% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động liên quan đến công nghệ thông tin và TMĐT.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế trên, trong năm nay (2019), khoa Kinh tế - Trường đại học Mở Hà Nội đã bổ sung thêm ngành học mới – Thương mại điện tử (E – Commerce) mã ngành: 7340122 và chính thức tuyển sinh khóa đầu tiên. Chúng tôi mong muốn và kỳ vọng sẽ trở thành một địa chỉ cung ứng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn về ngành TMĐT. Để chuẩn bị cho điều này, chúng tôi đã liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử để lắng nghe các chia sẻ, mong muốn, nguyện vọng của những con người đang "thực hành" TMĐT hàng ngày, hàng giờ.
Các tân sinh viên khóa 28 vủa khoa Kinh tế - Trường đại học Mở Hà Nội
Có một thực tế là tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp rất nhiều. Điều này xuất phát từ việc họ không đáp ứng được yêu cầu thực tế của công việc, tức là nhà trường đang trang bị quá nhiều kiến thức "trên giấy"?
Quả thực đó là một thực tế đáng buồn. Điều này khiến những người làm giáo dục như chúng tôi cũng cảm thấy rất xót xa và không khỏi trăn trở, suy nghĩ để làm sao có được cách làm hay những bước đi phù hợp với thời đại. Cần làm sao để trong khung thời lượng đào tạo của mình trang bị cho sinh viên không chỉ những kiến thức chuyên môn sâu mà quan trọng hơn là kỹ năng và thực hành kỹ năng nghề nghiệp.
Năm 2019, khoa Kinh tế - Trường đại học Mở Hà Nội chính thức tuyển sinh khóa đầu tiên của ngành TMĐT với chỉ tiêu được giao là 50 sinh viên. Hiện nay số lượng trúng tuyển là 70 sinh viên. Vượt kế hoạch so với chỉ tiêu. Điểm trúng tuyển của ngành TMĐT là 20,75.
Đối với TMĐT thì điều này lại càng cần thiết. Bởi công nghệ và những ứng dụng của nó phát triển từng ngày, từng giờ. Với chúng tôi, là một đơn vị đi sau trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành TMĐT, đây vừa là khó khăn, nhưng đồng thời cũng là lợi thế. Khó khăn đối với chúng tôi chính là làm sao thu hút, hấp dẫn được người học, còn thuận lợi vì chúng tôi có cơ hội tiếp thu, điều chỉnh trên cơ sở những cái mà các đơn vị trước đã làm.
Như đã nói ở trên, chúng tôi đã bắt tay, hợp tác cùng các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử để mong muốn đem các kiến thức thực tế từ công việc vào trong nhà trường. Tạo điều kiện thuận lợi nhất để sinh viên có thế tiếp cận và thực hành song song với lý luận. Trong chương trình đào tạo của mình, chúng tôi đã xây dựng những học phần gắn với kiến thức thực tế cao như: phân tích dữ liệu kinh doanh, phát triển kỹ năng nghề nghiệp và đặc biệt là khởi sự doanh nghiệp TMĐT.
Với việc hợp tác với các doanh nghiệp như vậy, chúng tôi sẽ có những khóa học thực tế tại các doanh nghiệp để sinh viên cọ sát với công việc. Đồng thời, các CEO của những doanh nghiệp này cũng sẽ dành thời gian đến để chia sẻ kinh nghiệm hay nói chuyện với sinh viên về một học phần nào đó, giúp sinh viên biết cách hình thành và hoàn thiện ý tưởng khởi nghiệp với TMĐT...Chúng tôi hy vọng rằng nguồn nhân lực TMĐT của Việt Nam tới đây sẽ được cải thiện theo hướng tích cực, để không còn tình trạng "đốt đuốc tìm người" nữa. Hoặc nếu có đốt đuốc thì cũng tìm được những người xứng đáng./.