• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nguyên Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen trò chuyện Giải mã lịch sử qua văn học

Giáo dục 29/12/2018 14:22

(Tổ Quốc) - Sáng 29/12, tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP. Hồ Chí Minh, đã diễn ra buổi mạn đàm Giải mã lịch sử qua văn học - "Vai trò của tiểu thuyết lịch sử là dựng lại xã hội quá khứ vốn đã có và rút ra những bài học cho ngày nay".

Buổi mạn đàm diễn ra trong không khí sôi động của những ngày cuối tuần đã thu hút sự quan tâm của đông đảo độc giả yêu mến văn chương và lịch sử. Nằm trong chuỗi sự kiện giao lưu khuyến đọc của Nhà xuất bản Phụ nữ 2018, buổi mạn đàm do Nhà xuất bản Phụ nữ phối hợp với Ban tổ chức Đường sách Tp. Hồ Chí Minh tổ chức.

Nguyên Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen trò chuyện Giải mã lịch sử qua văn học - Ảnh 1.

Hình ảnh buổi mạn đàm Giải mã lịch sử qua văn học

Buổi trò chuyện với sự hiện diện của các thế hệ sáng tác về đề tài lịch sử và các nhà nghiên cứu sử học: nhà văn Hoàng Quốc Hải, TS. Bùi Trân Phượng, đại diện nhóm Việt sử kiêu hùng, nhóm Sử Talk, đem lại những góc nhìn, những quan điểm mới mẻ thú vị và đáng suy ngẫm về lịch sử nước nhà, phản ánh qua các tác phẩm văn học, điện ảnh.

Với mong muốn mang đến những giải mã lịch sử qua lăng kính văn học với những người viết sử, yêu sử và muốn nói về sử, qua buổi mạn đàm, những người tổ chức mong muốn lan tỏa niềm yêu sử Việt và cổ vũ đọc sách, từ đó góp phần cung cấp tri thức và định hình tâm thức, niềm tự hào về dân tộc Việt trong giới trẻ hiện nay.

Tham dự chương trình, nhà văn Hoàng Quốc Hải, tác giả của những tiểu thuyết văn học lịch sử được đông đảo độc giả biết đến (Tám triều vua Lý (4 tập), Bão táp triều Trần (6 tập)…) đã mang đến những thông tin bổ ích, cùng bạn đọc giải mã những ẩn số về lịch sử trong các tác phẩm văn học của mình. Nhà văn Nguyễn Bích Lan từng nhận định về tác phẩm văn học lịch sử của nhà văn Hoàng Quốc Hải, "Những con chữ trong tiểu thuyết lịch sử của Hoàng Quốc Hải không chỉ có nhiệm vụ phục dựng hình ảnh, không khí, sự kiện của quá khứ mà còn mang một sứ mạng quan trọng hơn. Đó là tôn vinh những tinh hoa của người Việt ta từ bao đời nay. Tinh hoa đó là truyền thống văn hóa, lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, ý chí quật cường trong dựng nước và giữ nước thể hiện qua những việc làm thiết thực, từ những chiếu dụ của một vị vua như chiếu dụ miễn thuế cho dân hai đợt, mỗi đợt ba năm của Lý Thái Tổ, đến những chính sách, những việc làm của bộ máy điều hành nhà nước ở thời Lý giúp hòa hợp được cả ba tôn giáo lớn trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới xảy ra chiến tranh tôn giáo tàn khốc. Đó là những lễ hội ở cấp làng xã, cấp quốc gia với áo mũ, cờ, trống, ca vũ, không lai căng, pha tạp mà thuần chất Việt, đặc trưng của người Việt. Đó là những gương mặt anh hùng như Lý Thường Kiệt, Phạm Ngũ Lão, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, các liệt nữ như Huyền Trân Công Chúa, An Tư Công Chúa, những nhà lãnh đạo có trí và tâm soi sáng cả đương thời và hậu thế như Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông… Đó là tinh thần hiếu học, trọng nghĩa, khuyến tài, là truyền thống con kính trọng và hiếu thuận với cha mẹ, dân đồng lòng phò vua, là không khí sục sôi tinh thần quyết tâm giữ nước trước họa xâm lăng".

Tiến sĩ sử học Bùi Trân Phượng nguyên là Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen. Bà cũng từng được trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh Hiệp sĩ của Cộng hòa Pháp năm 2013, và là tác giả của nhiều quan niệm, đúc rút quý "Nếu người ta biết cảm thụ cái đẹp, người ta sẽ nhận ra cái đẹp, sẽ sống tốt hơn. Học phát triển con người, theo tôi, mới là học"; "Càng biết rộng, hiểu sâu, người ta càng khoan dung và nhân hậu hơn với đời, với người"; "Biển học là vô hạn, nhân sinh nhiều khác biệt, tri thức bất biến là tri thức chết".

Võ Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ