• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nguyễn Huy Thiệp – Hiện tượng độc đáo của văn học Việt Nam thời kì đổi mới

22/01/2015 07:48

(Cinet)- Nói về văn học Việt Nam, không thể không nhắc tới “ông vua truyện ngắn” Nguyễn Huy Thiệp – một hiện tượng độc đáo của văn học Việt Nam thời kì đổi mới.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (nguồn: internet)

(Cinet)- Nói về văn học Việt Nam, không thể không nhắc tới “ông vua truyện ngắn” Nguyễn Huy Thiệp – một hiện tượng độc đáo của văn học Việt Nam thời kì đổi mới.

Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 29 tháng 4 năm 1950 tại huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông xuất hiện khá muộn trên văn đàn Việt Nam với vài truyện ngắn đăng trên báo Văn nghệ năm 1986. Các sáng tác của ông hội tụ rõ nét tính liên tục và tính đứt đoạn của lịch sử văn học dân tộc. Nhiều nhà nghiên cứu văn học đã nhận định rằng, một mình Nguyễn Huy Thiệp không làm nên được diện mạo của nền văn học Việt Nam sau 1975 đến nay, nhưng một mình ông lại có thể đào xới lên nhiều vấn đề thuộc về bản chất văn học, tạo nên sức bật khỏi ảnh hưởng văn học trước 1975, từ đó đưa văn học Việt Nam sau 1975 đi xa hơn, vững vàng hơn trên hành trình đổi mới văn học dân tộc, hòa nhập vào biển cả văn học hiện đại của thế giới.

Thấm đượm trên ngòi bút sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp là tư tưởng triết học tự nhiên, một thứ triết học nguyên sơ, bắt nguồn từ tín ngưỡng phồn thực sâu xa của nền văn hóa cổ Đông Nam Á. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp một mặt là sự tiếp nối, bảo lưu nguồn mạch văn học dân gian, mặt khác lại tiếp thu tính hiện đại, đánh dấu bước ngoặt của văn học Việt Nam thời đổi mới, khai phá những chủ đề như cái phi lý, sự cô đơn, tha hóa của xã hội,…,hòa vào dòng chảy của Chủ nghĩa hiện đại trong văn học thế giới thế kỉ XX. Bằng ngòi bút đầy bản lĩnh và tài năng sáng tạo, Nguyễn Huy Thiệp đã làm một cuộc cách mạng trong tư duy nghệ thuật so với truyền thống. Những tác phẩm của ông mang lại cho độc giả một cảm giác vừa thân quen, vừa lạ lẫm, vừa truyền thống, vừa hiện đại. Nét cá tính và phóng khoáng, không bị gò bó bởi khuôn mẫu đã khiến cho văn chương của ông có sức hút một cách kỳ lạ khó có thể diễn tả.

Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp từ những người nghèo khổ, hay những người mang hình dạng kì dị,..tuy mang dáng dấp cổ tích, nhưng lại chất chứa những cảm giác thời hiện đại. Họ luôn luôn dấn thân trên con đường đi tìm hạnh phúc, đi tìm cái Chân, Thiện, Mỹ tuyệt đối, để rồi nhận được những bài học cay đắng, xót xa. Với tuyên ngôn “Tôi căm ghét sâu sắc những kết thúc có hậu”, những truyện ngắn “giả cổ tích”, “giả truyền kì” của Nguyễn Huy Thiệp hầu hết đều kết thúc không có hậu. Nó mở ra những dự cảm, những cảm xúc tái tê đằng sau khối cô văn lạnh lùng của một cây bút tỉnh táo, sắc nhạy, khiến cho người đọc cứ thế ngấm dần, ngấm dần và xoáy theo luồng xúc cảm cùng những nhân vật.

Một điểm đặc biệt nữa ở Nguyễn Huy Thiệp, đó là hầu hết những truyện ngắn của ông đều chứa đựng một hoặc vài lời triết lý cá nhân về văn chương. Điều đó chứng tỏ, Nguyễn Huy Thiệp là người hay trăn trở về văn chương và ý nghĩa của nó. Những triết lý đó, được phát biểu gián tiếp qua các nhân vật, qua tình huống truyện hoặc đôi khi phát biểu một cách trực tiếp. Trước đây, Nam Cao cũng thường thể hiện những quan niệm của mình trên trang viết của mình. Nhưng với Nguyễn Huy Thiệp, văn chương không đơn giản và rành mạch như Nam Cao. Cái nhìn của ông về văn chương có gì đó rất phức tạp - phức tạp như chính cuộc đời, khi thì “văn chương là thứ bỉ ổi nhất” (Chút thoáng Xuân Hương), khi thì “văn chương có cái gì từa tựa lẽ phải” (Giọt máu), khi thì: “văn chương có nhiều thứ lắm. Có thứ văn chương hành nghề kiếm sống, có thứ văn chương sửa mình, có thứ văn chương trốn đời, trốn việc. Lại có thứ văn chương làm loạn” (Giọt máu). Những triết lý đó đã phá vỡ cái khuôn mẫu, từ đó chính ông đã dùng ngòi bút và con mắt tinh tường của mình khiến huyền thoại hóa giải huyền thoại, dùng cổ tích để hóa giải cổ tích. Tinh thần “tự phê”, “tự nghiệm”, ý thức phản tỉnh và tra vấn đã làm nên sức mạnh và giá trị của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Cái Tâm của nhà văn, không gì khác hơn, chính là sự thức nhận về sứ mệnh “khơi gợi chân lý”, tra vấn nhân tâm của người nghệ sĩ. Đồng thời, tinh thần nghệ thuật hiện đại cũng không cho phép một sự ban phát chân lý cuối cùng, một tư thế độc thoại giữa nhà văn và bạn đọc. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mang màu sắc dân chủ và hiện đại bởi đó là những tác phẩm “mở”, ở đó, cả người viết và người đọc đều được đẩy vào một cuộc đối thoại lớn và nhà văn “để ngỏ cuộc đối thoại đó mà không đánh dấu chấm hết”.

Ông thể hiện những quan niệm văn chương qua con mắt của những nhà chính trị, Nguyễn Huy Thiệp không hề có ý muốn đối lập chính trị với văn chương. Thật ra, Nguyễn Huy Thiệp luôn ý thức văn học phục vụ chính trị. Nhưng phục vụ chính trị không đơn thuần là là truyền bá những tư tưởng chính trị. Với Nguyễn Huy Thiệp, ý nghĩa cao nhất của văn học đối với chính trị là ở chỗ: Văn học giữ gìn lương tri cho chính trị. Văn chương mà Nguyễn Huy Thiệp đã lựa chọn là thứ văn chương dấn thân. Dấn thân cả hai chiều – nhà văn dấn thân và chính người đọc cũng phải dấn thân.

CN

NỔI BẬT TRANG CHỦ