(Tổ Quốc) - "Nếu cơ quan quản lý cương quyết thì sẽ không xảy ra tình trạng các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm chây ì di dời khỏi nội đô. Ở đây có sự tương tác lẫn nhau về quyền lợi chứ không chỉ có một nguyên nhân nào là trọng tâm", ông Đặng Hùng Võ nói.
- 12.09.2019 Công ty Rạng Đông sẽ di dời sang Bắc Ninh
- 12.09.2019 Cháy nhà máy Rạng Đông: Chưa quyết liệt di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm
- 11.09.2019 Hà Nội buộc Công ty Rạng Đông di dời đến cơ sở mới
- 10.09.2019 PGS. TS Bùi Thị An: “Công ty Rạng Đông vô trách nhiệm với sức khỏe của người dân và cần phải xử lý những người có liên quan”
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ (Nguồn: giaoducvietnam)
Chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho biết, từ năm 2003, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định di dời các cơ sở có nguy cơ cháy nổ, gây ô nhiễm ra khỏi thành phố từ năm 2003. Đây là chủ trương lớn nhưng trên thực tế lại triển khai rất chậm.
Hồi đó, theo ông Đặng Hùng Võ, có nhiều các cơ sở gây ô nhiễm nhưng ưu tiên thực hiện di dời trước đối với các cơ sở trực tiếp gây ô nhiễm, các cơ sở có chất thải độc hại, hoặc chất thải gây ô nhiễm... Tuy nhiên, nếu xảy ra các sự cố thì những cơ sở không trực tiếp gây ô nhiễm cũng sẽ gây nguy hiểm, gây nên tình trạng "tai biến" môi trường rất nghiêm trọng, như vụ việc Công ty Rạng Đông vừa qua...
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường thành phố Hà Nội, trên địa bàn 12 quận nội thành hiện có 186 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm có nguy cơ cháy nổ cần phải di dời. Trong số các cơ sở trên, nhiều nhà máy có quy mô đất đai lớn, nằm tại các khu đất vàng của Thủ đô.
Cụ thể, tại địa bàn quận Hai Bà Trưng có 14 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, gồm: Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông xuân, Công ty Bánh kẹo Hải Hà, Nhà máy dệt Minh Khai... Quận Thanh Xuân có các cơ sở gây ô nhiễm gồm: Công ty Sao Vàng, Nhà máy Thuốc lá Thăng Long...
Đến nay, TP Hà Nội đã hoàn thành việc đánh giá, phân tích và phân loại được 117 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, đồng thời xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 đơn vị sản xuất công nghiệp này ra khỏi nội thành.
Về vấn đề này, ông Đặng Hùng Võ cho rằng chỉ còn hơn một năm nữa mà thực hiện di dời cả trăm cơ sở sản xuất ra ngoại thành là rất khó khả thi. Thực tế phải mất tới vài năm bởi vướng rất nhiều thủ tục. Ngoài ra, còn do những mâu thuẫn về lợi ích.
"Tôi cho rằng, có ba lý do khiến các doanh nghiệp chây ì, trễ nải trong việc di dời khỏi nội đô. Đầu tiên, đó là các cơ sở phải di dời, kể các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm cũng như các cơ sở không phù hợp với quy hoạch đô thị thì đều chưa muốn di dời ngay, vẫn muốn bám trụ lại đô thị.
Thứ hai là đất sau khi di dời để làm gì? Việc chia sẻ lợi ích còn chưa thống nhất được do những vị trí này đều là đất "vàng".
Thứ ba là do sự đôn đốc của các cơ quan quản lý quá yếu kém. Nếu cơ quan quản lý cương quyết thì sẽ không xảy ra tình trạng này. Ở đây có sự tương tác lẫn nhau về quyền lợi chứ không chỉ có một nguyên nhân nào là trọng tâm", ông Đặng Hùng Võ nói.
Ông cũng nêu trách nhiệm ở đây không chỉ có UBND của thành phố mà còn có cả trách nhiệm của các bộ. Bởi việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đã có quyết định của Thủ tướng và cũng đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có thông tư hướng dẫn, tuy nhiên, việc đôn đốc thực hiện một chủ trương rất đúng đắn và quan trọng lại vô cùng trễ nải.
Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông nằm trong danh sách di dời nhưng đến nay vẫn còn tồn tại giữa nội đô. Ngày 28/8 vừa qua, Công ty xảy ra vụ cháy, mang lại hậu quả nặng nề và gây bất bình trong dư luận.
"Để đến khi xảy ra vụ cháy của Công ty Rạng Đông thì chúng ta mới thấy nó nghiêm trọng đến thế nào. Như các cụ nói "Mất bò mới lo làm chuồng". Việt Nam chúng ta hay rơi vào tình trạng như thế này, biết là quan trọng nhưng chưa làm ngay vì nhiều vướng mắc, trong đó có vướng mắc lợi ích công – tư.
Tôi cứ thắc mắc là tại sao các cơ quan nhà nước từ bấy tới nay không chịu tích cực đôn đốc? Cần phải xem xét có yếu tố tham nhũng nào ở đây hay không?", nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ bày tỏ quan điểm.
Chia sẻ với người dân, ông cũng cho biết cá nhân vô cùng bức xúc nếu phải sống cạnh một cơ sở gây ô nhiễm, có nguy cơ hoả hoạn cao... Vấn đề nằm ở các cơ quan quản lý. Trong thành phố hiện nay không chỉ còn tồn tại những cơ sở gây ô nhiễm mà còn có rất nhiều cửa hàng tư nhân buôn bán hoá chất mà nếu chẳng may xảy ra cháy nổ thì cũng sẽ gây ô nhiễm rất lớn, tai hại là không thể lường được.
"Hiện nay các cửa hàng này vẫn hiên ngang tồn tại trên các con phố. Cách nhà tôi ba nhà cũng tồn tại một cửa hàng bán hoá chất mà nhiều khi mùi hoá chất bốc lên rất khó chịu. Đôi khi tôi nghĩ đeo khẩu trang là xong, nhưng nếu chẳng may cháy nổ thì sự việc sẽ như thế nào? Người dân bức xúc không chỉ do sự ô nhiễm của các nhà máy, các cơ sở sản xuất mà còn cả sự thiếu chặt chẽ của cơ quan chức năng trong quản lý thương mại tại nội thành Hà Nội. Không có gì đảm bảo là chúng ta đang an toàn", ông bức xúc nói.
Trước những vấn đề đặt ra, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, vai trò của lãnh đạo thành phố Hà Nội là vô cùng quan trọng. Ngay từ bây giờ, phải cương quyết trong chỉ đạo kiểm tra đôn đốc. Trách nhiệm thuộc về lãnh đạo thành phố, trong đó có cả trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với việc sắp xếp đất đai, vấn đề ô nhiễm môi trường.
"Cần phải đặt ra kế hoạch chung của cả nước thế nào? Đôn đốc các tỉnh thế nào. Phải sốc lại mọi việc thì mới giải quyết được tình trạng chây ì di dời hiện nay", ông Đặng Hùng Võ nêu quan điểm.