• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ: Con số tinh giản biên chế phần lớn vừa rồi giảm chủ yếu là do nghỉ hưu

Thời sự 25/09/2017 17:37

(Tổ Quốc) - Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng báo cáo về tinh giản biên chế chưa phản ánh đúng bản chất sự thật mà chủ yếu là những con số để làm đẹp. Chỉ đến khi liên quan đến ngân sách, tài chính thì mới bộc lộ hết.

Xử lý 161 phó chủ tịch xã, phường dôi dư  thế nào?

Ông Thang Văn Phúc: "Bộ phận cần giảm thì không giảm. Phần lớn vừa rồi giảm chủ yếu là do nghỉ hưu".  Ảnh: Nam Nguyễn

 

Kết quả cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 của đoàn giám sát Quốc hội cho thấy, hết năm 2016, tổng số lượng người làm việc vượt biên chế tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 3.137 người (vượt 3,5%), còn tại các cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 1.234 người (vượt 8,6%).

Theo thông tin từ Chính phủ thì nhiều địa phương cũng không hề kém cạnh, khi có tới 31/63 tỉnh, thành sử dụng vượt tổng số 6.376 biên chế tại các đơn vị hành chính thuộc cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Cũng liên quan đến câu chuyện này, ngày 13/6/2016, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết, thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới, qua rà soát toàn tỉnh có 161 phó Chủ tịch xã, phường bị dôi dư. 

Ông Đầu Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa từng lý giải, trước đây theo quy định những xã phường, thị trấn ở miền xuôi có dân số trên 9.000, còn miền núi trên 5.000 dân sẽ được bố trí 2 Phó chủ tịch. Tuy nhiên, theo luật mới chỉ có xã, phường, thị trấn loại 1 mới được bố trí 2 Phó chủ tịch, còn xã, phường, thị trấn loại 2,3 chỉ có 1 Phó chủ tịch.

Đối chiếu theo Luật mới, tất cả 27 huyện, thị, thành phố tại Thanh Hóa đều thừa Phó chủ tịch cấp xã, phường.

Trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc ngày 20/9, ông Đầu Thanh Tùng cho biết, con số 161 Phó Chủ tịch xã, phường đã được bố trí, sắp xếp lại.

“Số Phó Chủ tịch xã thừa ra được sắp xếp các vị trí khác. Đương nhiên là việc bố trí sắp xếp phải phù hợp với yêu cầu trình độ, điều kiện thực tế của địa phương. Và bao giờ cũng vậy, xử lý những cái dôi dư bao giờ cũng có khó khăn nhất định nhưng đây là quy định “cứng” thì phải làm ngay, đồng thời phải nghiên cứu quan tâm đến việc bố trí cho phù hợp. Bây giờ việc dôi dư Phó Chủ tịch không còn nữa”, ông Tùng khẳng định.

Tương tự, với trường hợp Sở Nội vụ Hà Nội, theo quy định của Chính phủ chỉ có 4 Phó Giám đốc, tuy nhiên số lượng Phó giám đốc tại đây đã tăng lên thành 8 từ sau đại hội các cấp (từ tháng 7/2015)

Giải thích về con số 8 Phó Giám đốc, ông Vũ Đức Bảo - Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội - cho rằng đây là vấn đề tồn tại cũ, phải giải quyết từng bước.

“Có hai Phó Giám đốc hiện đang kiêm nhiệm Trưởng Ban Tôn giáo, trưởng Ban Thi đua khen thưởng. Còn hai Phó Giám đốc tới đây sẽ về hưu. Đây là vấn đề cũ, phải giải quyết từng bước”, ông Bảo cho hay.

Sau một thời gian, đến nay, trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc, ông Bảo cho biết, trong số 8 Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội hiện có 4 người đã đồng loạt nghỉ hưu. Một số trường hợp khác xin nghỉ hẳn.

“Hiện tại, Sở Nội vụ Hà Nội chỉ còn 2 Phó Giám đốc. Sắp tới nếu có bổ nhiệm cũng phải theo quy định”, ông Bảo nói.

Trước đây, dư luận từng gay gắt khi báo chí đề cập đến việc tỉnh Hải Dương có tới 44/46 biên chế là lãnh đạo từ phó phòng trở lên. Ngay sau đó, Thanh tra Bộ Nội vụ cũng có Kết luận số 798/KL-TTBNV ngày 23/1/2016 về việc này và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã thành lập đoàn thanh tra tiến hành thẩm tra, xác minh toàn bộ các nội dung đã nêu trong kết luận.

Qua kiểm điểm, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã xác định tập thể lãnh đạo Sở LĐTB&XH Hải Dương, gồm cả cá nhân có những sai sót, khuyết điểm trong bổ nhiệm nhiều cán bộ giữ chức vụ Phó trưởng phòng và tương đương, thậm chí bổ nhiệm 2 công chức làm Phó trưởng phòng khi chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn ngạch công chức hành chính…

“Đừng trông chờ vào số người về hưu”

Chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, vấn đề tinh giản biên chế vốn đã “nói đi nói lại” nhiều lần, tuy nhiên, đến  năm 2001 thì mới có chủ trương  và  đưa ra chỉ tiêu đạt 15%.  Sau đó thì phấn đấu 6 -7 năm cũng chỉ đạt vài phần trăm.  Thậm chí có những bộ phận còn bị tăng biên chế như sự nghiệp dịch vụ công (y tế, giáo dục).

“Bộ phận cần giảm thì không giảm. Phần lớn vừa rồi giảm chủ yếu là do nghỉ hưu. Ngoài ra, một số người nghỉ về lý do a,b,c… nào đó, họ nghỉ sớm để hưởng chính sách chế độ. Cái chúng ta cần là chất lượng đội ngũ cán bộ công chức đáp ứng được yêu cầu theo nhiệm vụ mới chứ không phải trông chờ vào số người về hưu, số người chuẩn bị hưu… Đến nay đã gần 20 năm,  nếu chúng ta không thay đổi cách làm, không đổi mới tư duy, không có quyết tâm chính trị cao thì sẽ khó đạt được mục tiêu”, ông Phúc nói.

Về giải pháp, ông Phúc cũng nhấn mạnh, muốn tinh giản biên chế có hiệu quả thì phải tái cơ cấu và phải tiến hành đồng bộ. Cụ thể, phải cải cách từ tổ chức bộ máy, làm rõ chức năng nhiệm vụ của từng bộ ngành, cơ quan, địa phương, từ đó thực hiện Luật cán bộ công chức theo vị trí việc làm, làm rõ chức năng trên cơ sở Luật, các nghị định của Chính phủ, từ đó xác định Luật công chức tại vị trí việc làm.

“Phải xác định cơ quan có bao nhiêu vị trí việc làm, chuyên viên, chuyên viên chính? Bao nhiêu chuyên viên cao cấp? Phải tiến hành cơ cấu công chức hợp lý, đáp ứng yêu cầu để hoàn thành chức năng nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của từng tổ chức một. Từ đó rà lại số lượng hiện có, từng vị trí một để xác định được ai đáp ứng được công việc và ai không đáp ứng được để từ đó có kế hoạch xử lý: sắp xếp lại, cho đi học hoặc ra khỏi biên chế. Những việc như vậy phải làm rất cẩn trọng bởi vì rất tỉ mỉ và quyết liệt, chứ nếu giao cho chính họ để tự họ làm thì sẽ rất khó để thực hiện”, ông Thang Văn Phúc nêu quan điểm.

Chia sẻ kinh nghiệm trước đây, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết: “Năm 2006, tôi tham gia thực hiện điều tra cán bộ công chức cả nước thì cho thấy “con số rất buồn”. Vài năm gần đây, căn cứ  theo báo cáo từ các địa phương thì đều đưa ra con số đẹp, đến 99% là tốt thì tuyệt vời quá!”.

Vì thế, để làm tốt vấn đề này, cơ quan quản lý phải tăng cường giám sát. Hệ thống thống kê báo cáo phải chuẩn mực. Những người báo cáo sai phải chịu trách nhiệm về báo cáo đó. Còn hiện tại, chúng ta đang báo cáo để làm đẹp là chính.

“Thực ra chúng ta chưa phản ánh đúng bản chất sự thật mà đây chủ yếu là những con số được làm đẹp. Chỉ đến khi liên quan đến ngân sách, tài chính thì mới bộc lộ, mà lúc nào bộc lộ ra thì kết quả lại khác. Theo tôi, việc gì cũng có cách xử  lý của nó, chủ yếu những người có trách nhiệm có thực sự muốn làm hay không chứ tinh giản biên chế không khó!”, ông Phúc tiếp tục nhấn mạnh./.

Hà Giang

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ