• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nguyễn Tiến Chung - Họa sĩ của đồng quê Việt Nam

10/08/2014 13:24

(Cinet)- Họa sĩ Nguyễn Tiến Chung thường sáng tác về người nông dân, nông thôn, thiếu nữ, bộ đội, công nhân Việt Nam bằng phong cách Á Đông sâu đậm. Ông thuộc làu những khuôn mặt bà già, em bé, thôn nữ tới cảnh đồng quê, góc sân, vựa lúa, cảnh chăn trâu, cấy cày, gặt hái...

Họa sĩ Nguyễn Tiến Chung (1914-1976).

(Cinet)- Họa sĩ Nguyễn Tiến Chung thường sáng tác về người nông dân, nông thôn, thiếu nữ, bộ đội, công nhân Việt Nam bằng phong cách Á Đông sâu đậm. Ông thuộc làu những khuôn mặt bà già, em bé, thôn nữ tới cảnh đồng quê, góc sân, vựa lúa, cảnh chăn trâu, cấy cày, gặt hái...

Họa sĩ Nguyễn Tiến Chung sinh ngày 8/8/1914, trong một gia đình công chức nhỏ ở thôn Ước Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội. Theo như tự thuật của chính ông, vẽ tranh là đam mê của ông từ thuở nhỏ. Ở trường tiểu học, ông nhận vẽ tranh cây, cỏ để minh hoạ cho bài giảng. Về nhà, tâm hồn cậu bé Nguyễn Tiến Chung suốt ngày mơ tưởng tới những giá vẽ, bút vẽ, đến những tuýp sơn dầu đặc quánh. Không có tiền mua đồ vẽ, cậu đã dùng một thứ bột quét vôi trộn lẫn với bột nếp để làm màu, dùng những mẩu tre đập dập làm bút. Thế nhưng chính những bức tranh thuở ban đầu mộc mạc ấy lại nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt của bè bạn thầy cô và từ đó đã khuyến khích cậu thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1936.

Say mê nghiên cứu và tái hiện bằng hội hoạ các di tích đình chùa, trang trí, điêu khắc dân gian, Nguyễn Tiến Chung đã từ rất sớm hình thành ý niệm về một nền nghệ thuật dân tộc. Bài thi tốt nghiệp - bức tranh Mùa gặt (1939) - và tiếp đó là hai tác phẩm đoạt giải cao nhất tại Triển lãm mỹ thuật tháng Tám (1946): Dưới gốc bồ đề và Chải đầu bên hồ, tất cả đều trên chất liệu lụa, là những thành công đầu tiên đã hướng ông đi sâu vào loạt đề tài phản ánh đời sống thực phong phú. Bức sơn dầu “Chăn trâu” năm 1975 vẽ cảnh em bé chơi diều bên con trâu hiền lành dưới ánh chiều nhuộm đỏ, gam màu nguyên sắc, rực rỡ như tranh dân gian. Bức khắc gỗ đặc sắc “Chợ Nhông” năm 1956 vẽ ở Phú Thọ diễn tả sinh động cảnh chợ quê có váy áo, khăn vuông, nón lá, có cảm giác bồi hồi gặp lại cây đa, quán đình, lối diễn tả xa gần hiện đại. Đường nét, màu sắc không ồn ào, náo nhiệt mà ý nhị duyên dáng như bài thơ lục bát. Hồn quê lãng đãng bay trên mặt giấy dó, nền ngà đằm thắm. Người nông dân là những vũ công vui tươi, thu hoạch mùa màng. Hòa sắc vàng nâu trù phú, no ấm. Chất lụa vàng tơ óng ả, mịn màng trong trẻo đến ngỡ ngàng…

Tác phẩm “Được mùa” - 1958, lụa.



“Đề tài nông thôn đã cuốn hút tôi” - Sinh thời ông tự sự - “Hằng năm, cùng với học sinh vào những dịp hè chúng tôi về nông thôn cả ngày ở ngoài trời, giữa cánh đồng, tôi đứng bên giá vẽ da rám nắng mặt trời để ghi chép những con người cần cù, một nắng hai sương, phong cảnh thanh bình, dân dã. Mỗi một động tác, tư thế của người nông dân trong sản xuất, mỗi dáng con trâu con bò kéo cày những thửa ruộng phủ đầy mạ non giống những tấm thảm nhung, những bóng tre phản chiếu ánh mặt trời, những mái cong ngôi đình, sự thay đổi nhiều hình nhiều vẻ đó tôi đã ghi lại...”.

Người ta bảo họa sĩ Nguyễn Tiến Chung vẽ nông dân như vẽ người thân trong nhà, ông thuộc làu những khuôn mặt bà già, em bé, thôn nữ tới cảnh đồng quê, góc sân, vựa lúa, cảnh chăn trâu, cấy cày, gặt hái… Tình yêu thương làng quê lấp lánh trong ngọn bút thần tình của ông.

Là họa sĩ đa tài, Nguyễn Tiến Chung vẽ nhiều chất liệu từ bột màu, mực nho tới sơn dầu, sơn mài, lụa, khắc gỗ, tranh cổ động chính trị, minh họa sách báo, thể loại nào cũng thành công. Màu sắc từ tinh vi, tinh tế tới những va đập dữ dằn, táo bạo những màu nguyên sắc lại cứ hài hòa, dịu ngọt. Thân hình đậm chắc, lực lưỡng của người nông dân trong tác phẩm của ông phơi phới lạc quan, hồn hậu yêu đời. Từ bức sơn mài đầu tiên thiếu nữ thị thành mảnh mai, đài các tới bức sơn mài vẽ người dân quê mộc mạc, bình dị, ông tiến xa về tạo hình hiện đại. Hội họa của ông thấm đẫm cốt cách dân tộc từ chủ đề lớn lao, toàn thể tới thủ pháp biểu hiện có mạch ngầm kết nối nghìn năm với tranh dân gian Đông Hồ - Hàng Trống, có biến hình lập thể, dã thú, siêu thực của chủ nghĩa hiện đại châu Âu. Đấy chính là đóng góp quý báu cho mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Tác phẩm “Nữ dân quân trao đổi kinh nghiệm bắn máy bay” - 1971, sơn dầu.



Họa sĩ Nguyễn Tiến Chung mất năm 1976 do bệnh hiểm nghèo. Ông đã sống trong những năm tháng gian khổ thiếu thốn nhưng vui tươi và hạnh phúc. Ông sống hết mình với người dân cần lao, hơi thở của sự sống cứ phập phồng trong những tác phẩm của ông. Nguyễn Tiến Chung tới được điều mà bất kỳ họa sĩ nào cũng ao ước: dân tộc và hiện đại, sự nhuần nhuyễn giữa truyền thống và cái mới. Bằng tài năng và trí thông minh ông còn cao siêu đạt tới sự giản dị, sâu sắc, dấu ấn của một danh họa.

Ngày 1/8 vừa qua, tại Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh hoạ sĩ Nguyễn Tiến Chung (1914 - 2004) với sự tham dự của gia đình họa sĩ, bạn bè thân thiết và nhiều họa sĩ nước nhà. Tại Lễ kỉ niệm, các đại biểu đã ôn lại cuộc đời và sự nghiệp của danh họa. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương cho biết: “Tranh của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung đã góp phần phản ánh vẻ đẹp đất nước, cuộc sống con người Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Để sáng tác tốt, trong những chuyến đi thực tế, Nguyễn Tiến Chung đã vẽ nhiều ký họa. Nhiều người còn nhớ ông ghi chép tài liệu của tranh ở một vùng quê của tỉnh Sơn Tây, thể hiện nhiều mẫu người, nhiều chi tiết áo quần, nón lá, nhiều cảnh sinh hoạt của một chợ điển hình vùng đồng bằng Bắc Bộ”.



T.H
 

NỔI BẬT TRANG CHỦ