(Tổ Quốc) - Quản lý 12 rạp hát nhưng chỉ có 2 rạp là biểu diễn được, các rạp phải cùng chia sẻ tài nguyên, cơ sở vật chất nhằm đảm bảo địa điểm tổ chức các chương trình nghệ thuật phục vụ chính trị và phục vụ nhu cầu giải trí của người dân, là thực trạng được Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM thông tin tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố chiều ngày 21/11.
- 21.11.2024 Mở ra cơ hội hợp tác giữa Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Viện Pháp
- 17.11.2024 Hàng vạn khán giả choáng ngợp với phố nghệ thuật Art Ave và Đại nhạc hội SOHO FEST
- 12.11.2024 Tài năng trẻ - nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật
- 18.10.2024 Triển lãm ảnh thú vị nhất tại TP.HCM lúc này: Sự giao thoa giữa nghệ thuật và giá trị đầu tư
- 08.10.2024 Mang "Hồn của Đất" vào trong tác phẩm nghệ thuật
Thông tin tới báo chí tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM chiều 21/11, Chánh Văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Võ Hồ Hoàng Vũ cho biết, hiện nay, phần lớn cơ sở vật chất thuộc Khối Nghệ thuật được giao tiếp nhận và quản lý sử dụng từ 1975 đến nay nên đã xuống cấp dù vẫn được cải tạo sửa chữa hàng năm, chỉ đáp ứng tạm thời làm trụ sở làm việc, làm cơ sở để tập luyện, kho để đạo cụ, phục trang, cảnh trí. Các đơn vị thường xuyên biểu diễn có Nhà hát Thành phố, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang và Rạp xiếc tại Công viên Gia Định của Nhà hát kịch Phương Nam.
Từ thực trạng cơ sở vật chất nêu trên, Sở Văn hóa và Thể thao đã có chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở trên tinh thần hỗ trợ, chia sẻ tài nguyên, phối hợp sắp xếp lại cơ sở vật chất nhằm đảm bảo địa điểm tổ chức các chương trình nghệ thuật phục vụ chính trị và phục vụ nhu cầu giải trí của người dân, cũng như giải quyết các khó khăn chung của ngành.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao cũng đã phối hợp, đề xuất Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) đối với các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa và thể thao.
Tháng 10 vừa qua Sở cũng đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực văn hóa thể thao kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân Thành phố, Chánh Văn phòng Sở cho hay.
Trước đó, báo chí cũng đặt vấn đề với Sở Văn hóa và Thể thao về một số địa điểm biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn TP.HCM như: Kịch Sài Gòn, Nhà hát nghệ thuật hát bội, Nhà hát kịch Thành phố (Rạp Công Nhân) không còn tổ chức hoạt động biểu diễn, đóng cửa lâu năm. Từ đó, câu hỏi đặt ra với Sở là nguyên nhân của tình trạng này và hiện còn bao nhiêu Rạp, Nhà hát (thuộc Sở quản lý) đang đóng cửa, làm sao để khai thác hiệu quả những mặt bằng có vị trí "đắc địa" ở TP.HCM.
Trả lời báo chí, Sở VHTT TP.HCM cho biết, địa điểm Kịch Sài Gòn (địa chỉ 130 Cao Thắng, Quận 3) là sân khấu tư nhân do Nghệ sĩ Phước Sang đầu tư, khai thác; mặt bằng nhà đất này không phải cơ sở vật chất do Sở Văn hóa và Thể thao quản lý, sử dụng. Hiện nay, sân khấu Kịch Sài Gòn không còn hoạt động và đã giải thể.
Địa chỉ số 243 Lý Tự Trọng, Quận 1 trước đây được giao cho Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội quản lý, sử dụng; đến năm 2017, Sở VHTT đã thực hiện bàn giao địa chỉ số 243 Lý Tự Trọng, Quận 1 cho Trung tâm Phát triển quỹ đất theo chỉ đạo (Công văn số 1608/UBND-TM ngày 13/3/2008 về phê duyệt Phương án xử lý tổng thể nhà, đất của Sở Văn hóa, Thông tin (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).
Đối với Rạp Công Nhân địa chỉ số 30 Trần Hưng Đạo, Quận 1 do Nhà hát kịch Thành phố quản lý, sử dụng hiện không đảm bảo đủ điều kiện biểu diễn và đang tạm ngưng các hoạt động biểu diễn sân khấu do thực hiện sửa chữa sau sự cố cháy nổ xảy ra; tuy nhiên, Nhà hát Kịch vẫn duy trì các hoạt động hành chính tại đây.
Nhằm đảm bảo đủ điều kiện phục vụ cho các hoạt động biểu diễn, Sở VHTT đang nghiên cứu, đề xuất Sở Kế hoạch Đầu tư bố trí vốn đầu tư công trung hạn 2026-2030 dự án "Sửa chữa, cải tạo Rạp Công Nhân giai đoạn 2".
Sở cũng cho biết, hiện nay, cơ sở vật chất phục vụ cho ngành văn hóa, thể thao do Sở VHTT quản lý có 12 mặt bằng là rạp hát được tiếp quản từ những năm 1975 đến nay, Sở đã tăng cường hiệu suất sử dụng theo mặt bằng hiện có nhưng hầu như chưa được phát triển, mở rộng; hiện chỉ có 02/12 rạp đủ điều kiện biểu diễn phục vụ cho nhu cầu giải trí của người dân là: Nhà hát Thành phố, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang; ngoài ra, trên địa bàn TP.HCM có Nhà hát Hòa Bình và Nhà hát Bến Thành là những công trình, thiết chế văn hóa đang hoạt động mang điểm nhấn của TP.HCM.