• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Để củng cố đạo đức, giữ đạo đức đừng dừng lại ở vấn đề tuyên truyền

Văn hoá 11/04/2019 13:52

(Tổ Quốc) - Đạo đức xã hội xuống cấp là vấn đề nhức nhối. Từ nhiều năm nay, trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước, trong các kỳ họp Quốc hội, các diễn đàn xã hội khác đã đề cập, bàn luận khá nhiều về sự suy thoái đạo đức từ trong gia đình, nhà trường, xã hội, trong một bộ phận nhân dân, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả những người có chức, có quyền.

Đạo đức xã hội xuống cấp là vấn đề nhức nhối. Từ nhiều năm nay, trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước, trong các kỳ họp Quốc hội, các diễn đàn xã hội khác đã đề cập, bàn luận khá nhiều về sự suy thoái đạo đức từ trong gia đình, nhà trường, xã hội, trong một bộ phận nhân dân, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả những người có chức, có quyền.

Một cựu viện phó viện kiểm sát dâm ô trẻ em, một cảnh sát đứng nhìn người khác bị đâm chết, học sinh đánh hội đồng bạn… Phải chăng, sự tha hóa, sự vô cảm của con người đang tràn lan? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với GS.TS. NGND Trần Văn Bính, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh để có cái nhìn tổng quát về vấn đề này.

Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Để củng cố đạo đức, giữ đạo đức đừng dừng lại ở vấn đề tuyên truyền - Ảnh 1.

GS.TS, NGND Trần Văn Bính: Để củng cố đạo đức, giữ đạo đức đừng dừng lại ở vấn đề tuyên truyền

+ Thưa GS.TS, NGND Trần Văn Bính, những câu chuyện hàng ngày trên báo chí, trên mạng về người cán bộ đảng viên dâm ô trẻ em, về người cảnh sát thờ ơ khi nhìn người khác bị đâm chết… Theo ông những biểu hiện đó có phải là sự xuống cấp đạo đức trong xã hội, đặc biệt là với những cán bộ đảng viên?

- Đó là những biểu hiện của sự xuống cấp của đạo đức và trước hết là sự vô cảm, vô trách nhiệm với xã hội. Một con người mà vô cảm, vô trách nhiệm với đồng loại với xã hội thì sống rất vô nghĩa. Con người khác con vật ở chỗ sống có trách nhiệm đối với người khác, đối với cộng đồng chứ không phải lúc nào cũng chỉ nghĩ đến bản thân mình. Còn con vật, nó chỉ biết đến bản thân nó, còn đồng loại sống chết nó không quan tâm.

Cho nên, tôi nhớ một câu của Các Mác. Trước khi hình thành lý luận của chủ nghĩa Mác thì ông có một luận án tiến sĩ quan trọng xung quanh vấn đề con người. Trong luận án đó có một câu nói cực kỳ quan trọng mà tôi nghĩ, không chỉ quan trọng đối với trước đây mà ngay bây giờ, đối với đội ngũ cán bộ Đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp phải nghe cho bằng được và phải làm cho bằng được. Câu đó là: "Tôi báng bổ những vị có đầu óc thực tế, chỉ chăm lo tỉa tót cho cá nhân mình, cho đời sống gia đình mình và nỡ quay lưng lại với nỗi đau của đồng loại. Nếu các vị muốn làm con thú thì các vị cứ làm như vậy. Chứ các vị muốn làm con người thì các vị cấm được làm như vậy".

Tôi muốn nhắc lại, các cán bộ Đảng viên, từ người có chức vụ cao nhất đến những Đảng viên bình thường cần nhận thức được như vậy. Để làm gì, để trước hết phải làm con người trước khi trở thành người Đảng viên, người cán bộ.

Mà điều này cũng liên quan đến tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong lần về thăm Trường Đảng Trung ương năm 1949, trong sổ còn lưu lại trong trường Học viện Chính trị Quốc gia, người viết: học để làm việc, học để làm người, học để làm cán bộ, học để phụng sự tổ quốc, nhân dân. Bác rất đề cao học để làm người. Nếu chưa làm người, đừng có học làm cán bộ. Đó là sự gặp gỡ của Bác với Các Mác.

Từ xa xưa, tư tưởng cổ đại cũng đã nêu: Con người được dạy dỗ, khác với con vật. "Ai không học không trở thành con người được"- từ cách đây hơn 2000 năm, Khổng Tử đã nói được như vậy. Đó là chân lý.

Cho nên nói đến đạo đức hôm nay, phải khẳng định, đạo đức là vấn đề được nhân loại quan tâm từ nghìn xưa rồi. Cha ông mình cũng đã quan tâm rồi.

+ Nhiều Nghị quyết của Đảng qua các thời kỳ cũng đã chỉ ra vấn đề suy thoái trong đạo đức cán bộ. Trong bối cảnh hiện nay, phải chăng, vấn đề này càng là vấn đề cấp bách, thưa ông?

- Đây là vấn đề cực kỳ phức tạp. Tôi nhớ tháng 11/2018, Quốc hội họp và đã có cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề suy thoái đạo đức giữa nhiều bộ ban ngành. Tại sao xuống cấp về đạo đức? Tại kinh tế, tại giáo dục, hay tại điều gì? Theo tôi, để cắt nghĩa về xuống cấp đạo đức hiện nay liên quan đến rất nhiều hoạt động xã hội, không chỉ kinh tế, mà còn là văn hóa, giáo dục, luật pháp, phong tục, chế độ chính sách... Chủ nghĩa Mác nói: Bản chất con người là sự tổng hòa của các quan hệ xã hội. Mà trong quan hệ giữa con người với con người là quan hệ về kinh tế, quan hệ về luật pháp, quan hệ về văn hóa, giáo dục... Có bao nhiêu mối quan hệ thì có bấy nhiêu thành tố tạo nên con người. Cho nên, lỗi về đạo đức xã hội không phải là của riêng bộ ngành nào. Đó là trách nhiệm chung của mọi ngành, của Đảng, Nhà nước, nhân dân, các đoàn thể xã hội, của các hoạt động kinh tế, văn hóa, giáo dục...

Tôi chỉ lấy ví dụ trong truyền thông. Báo chí toàn nói chuyện xấu xa. Cuộc sống có chuyện tốt không? Có chứ. Nhưng truyền thông cứ lờ đi. Vì họ muốn giật gân, có người đọc. Đó là xu hướng tha hóa. Anh không làm tốt chức năng của anh, anh trở thành công cụ làm tiền, bẩn thỉu đó là hiện tượng tha hóa.

Tại hội thảo do Học viện Chính trị quốc gia tổ chức bàn về vấn đề: Báo chí trong cuộc đấu tranh chống tư tưởng sai trái hiện nay, trong đó có suy thoái đạo đức. Tôi có tham luận nói về năm 1998, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng có tổ chức một tọa đàm nhỏ trên Tam Đảo về sự xuống cấp đạo đức, mời chúng tôi, một số nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục. Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng lo lắng lắm, nói sự xuống cấp đạo đức, rồi sự xuống cấp này nếu không khắc phục được thì Đảng chúng ta sẽ đi về đâu? Lúc đó ông đã 94 tuổi rồi. Ông lo lắng đúng thôi. Vì chính Lê Nin người sáng lập ra đảng kiểu mới nói "Sự tan rã về tư tưởng nếu không được khắc phục thì sẽ dẫn đến sự tan ra về tổ chức". Có nghĩa là nếu tư tưởng, đạo đức của đảng không được củng cố thì tổ chức đảng không còn nữa. Tư tưởng là linh hồn. Tổ chức chỉ là xác. Nếu không có tư tưởng, đạo đức thì chỉ là xác không hồn.

Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Để củng cố đạo đức, giữ đạo đức đừng dừng lại ở vấn đề tuyên truyền - Ảnh 2.

Muốn giữ đạo đức đừng quên vấn đề Luật pháp. Xã hội tồn tại không chỉ có đạo đức phải có luật pháp nữa

+ Nhưng để củng cố đạo đức, chống suy thoái đạo đức thì cần làm gì, thưa ông?

- Tôi muốn nói thêm một điều, để củng cố đạo đức, giữ đạo đức đừng dừng lại ở vấn đề tuyên truyền. Nói nhiều không thấm đâu. Phải bằng hành động thiết thực, với từng đối tượng cụ thể. Phải quy định cán bộ làm gì, Đảng viên làm gì, với từng tầng lớp nhân dân phải làm gì, thế hệ trẻ làm gì.

Hàng triệu thanh niên Việt Nam hôm nay, sức dài vai rộng, ngoài việc học tập ra, chúng ta đã huy động họ vào các hoạt động công ích cho xã hội chưa, đã tạo điều kiện để họ có ý thức trách nhiệm với đất nước chưa?

Cho nên, phải bằng những thiết chế, những tổ chức, quy chế luật pháp để bắt buộc mọi người đi vào quỹ đạo đó. Là người đang tuổi lao động phải lao động để kiếm sống. Tránh tư tưởng lười biếng, ỉ lại, ăn sẵn trong giới trẻ. Tôi rất tiếc, Đoàn thanh niên ở cơ sở hiện hầu như không hoạt động gì cả. Cho nên, tôi nghĩ, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở là vô cùng quan trọng...

Mặt thứ hai, nói đạo đức đừng quên vấn đề Luật pháp. Xã hội tồn tại không chỉ có đạo đức phải có luật pháp nữa. Bất kỳ một đất nước, dân tộc nào muốn đứng vững phải trên hai chân là Luật pháp và Đạo đức. Đó là hai cột trụ vĩnh hằng để làm nên quốc gia, dân tộc. Thiếu đạo đức không xong, không có pháp luật cũng không được. Đạo đức là khuyên răn, pháp luật là bắt buộc. Vừa khuyên răn, vừa bắt buộc. Khuyên răn không được thì phải bắt buộc. Phải đi bằng hai chân như vậy.

Giờ pháp luật của chúng ta, xử phạt một kẻ bạo lực tình dục 200 nghìn đồng. Pháp luật đâu như thế! Bao nhiêu người phản đối, các cơ quan luật pháp đã lắng nghe chưa? Ở một số nước như Mỹ, những tội này nặng lắm, đặc biệt, tội ấu dâm có thể tử hình.

Nhân đạo để làm gì? Nhân đạo với kẻ hư hỏng là vô nhân đạo với những người là nạn nhân hay sao! Đó là nghịch lý không chấp nhận được. Cho nên các cơ quan luật pháp phải thay đổi cách nhìn nhận của mình. Học tập kinh nghiệm các nước phát triển, học tập ngay với cha ông mình cũng vậy. Cụ Hồ cũng dạy phải học tiền nhân. Chúng ta hôm nay học tập được gì từ kinh nghiệm của người xưa.

Trong lịch sử chúng ta, vua Lê Thánh Tông, trị vì năm 18 tuổi. Vua xây dựng luật ban hành Luật Hồng Đức 24 điều, vua sai tất cả các làng đều phải khắc 24 điều đó ở chỗ rộng nhất, tất cả mọi người đều đọc được. Hàng tuần, các làng tập hợp tất cả người dân và người già làng có uy tín nhất đọc lại 24 điều đó cho tất cả người dân trong làng nghe. Đấy, cách phổ biến luật pháp như vậy. Cho nên, thời Lê Thánh Tông là thời thái bình thịnh trị. Có văn hóa con người như vậy!

+ Vâng, xin cảm ơn GS.TS, NGND Trần Văn Bính!

Kỳ II: Nâng cao vai trò nêu gương của Đảng viên

Hoàng Nguyên (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ