(Tổ Quốc) - Nhật Thảo không phải một gương mặt quen của giới giải trí, dù không còn trẻ. Về độ nổi tiếng có thể nói cô là một con số 0 nhưng lại không phải tay ngang trong nghề. 6 tuổi đã lên sân khấu, cả quãng đời niên thiếu tham gia vào đội văn nghệ thành phố, làm nghề báo nhưng chưa bao giờ từ bỏ âm nhạc- cuộc chơi mà cô dành cả tình yêu và đam mê.
Có lẽ, vì tuổi thơ nhiều sóng gió nên Nhật Thảo chỉ mong bình yên, sợ đi con đường gập ghềnh, sợ những trái ngang mà đời nghệ sĩ có thể đem đến. Với cá tính mạnh và thích viết lách, nên từ nhỏ, Nhật Thảo đã mơ ước sau thành 1 nhà báo. Khi thi Đại học, cô đăng ký thi báo chí nhưng… không đỗ, để rồi sự lựa chọn cuối là Nhạc viện Hà Nội lại là nơi cô dừng chân 8 năm. Người thầy đầu tiên, người dìu dắt cô là ca sĩ Anh Thơ.
Năm 2011 ra trường, Nhật Thảo về Đài Tiếng nói Việt Nam, kênh VOV TV. Lúc đó mọi người đề nghị cô vào nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam làm ca sĩ, nhưng cô khăng khăng chỉ thích làm phóng viên. Sau đó Nhật Thảo thi đậu biên chế, tập trung làm báo, chuyển sang Truyền hình Quốc hội và từ đó, các tụ điểm ca nhạc không còn thấy cô xuất hiện.
Âm nhạc luôn ở trong máu, là đam mê cả một đời, nuôi dưỡng trái tim, tâm hồn Nhật Thảo. Nhật Thảo chưa bao giờ xa nó mà chỉ là chọn cách yêu nó rất khác. Cách yêu của một kẻ lãng du, rong chơi, làm âm nhạc vì thích, vì mê, làm những gì mình thích chứ không sống chết với nó, bó buộc vào nó bởi sự nghiệp. Cô nàng lãng du ấy khi sắp bước vào tuổi 40 lại gom góp tiền bạc làm một đĩa nhạc kỷ niệm có tên "Kỳ Diệu" ra mắt cuối năm 2021. Với tâm tưởng làm cho mình, cho thỏa tình yêu âm nhạc của mình nhưng thật bất ngờ khi "Kỳ diệu" đã mang rất nhiều điều kỳ diệu đến với Nhật Thảo.
Điều kỳ diệu nhất là cô tình cờ gặp lại ca sĩ Tuấn Anh sau mười mấy năm, qua trò chuyện về âm nhạc, anh đề nghị Nhật Thảo gửi cho nghe một bản thu. Nghe bản thu "Kỳ diệu" (nhạc sĩ Anh Bằng- thơ Nguyên Sa) qua tiếng hát Nhật Thảo, Tuấn Anh- một người ca sĩ say mê dòng nhạc xưa với một tâm hồn nhạy cảm với âm nhạc đã thực sự bất ngờ và bị chinh phục. Anh vội post lên facebook bày tỏ cảm xúc, mọi người vào nghe đều tò mò không biết ca sĩ là ai. Thông qua giới thiệu này của ca sĩ Tuấn Anh, tin tức về Nhật Thảo và một giọng hát lạ, mộc, phiêu diêu tự tại nhưng chất chứa ngàn vạn nỗi niềm đời sống, sầu nhưng không bi, mà đẹp, tựa như tiếng xưa vọng về râm ran trong giới Audiophile. Người ta hỏi nhau album của cô, các shop bán đĩa gọi hỏi lấy để bán. Nhật Thảo bất ngờ với niềm hạnh phúc ấy, nhưng cô cũng kỳ lạ lắm, kỳ lạ như chính cô: nhất định không bán với suy nghĩ "Không ai bán kỷ niệm của mình cả". Cô chọn cách dành tặng những người thực sự yêu thích giọng hát của mình. 500 đĩa "Kỳ diệu" của cô vì thế mà hết veo.
Nhưng đó chỉ là sự khởi đầu của một hành trình kỳ diệu của một nghệ sĩ nhiều kỳ lạ. Thông qua ca sĩ Tuấn Anh, Nhật Thảo đã đến với nhiều điều kỳ diệu hơn thế đối với cuộc sống của cô, chỉ trong 9 tháng cô đã thay đổi rất nhiều, trưởng thành trong cả cách hát và cảm xúc.
Cách hát của Nhật Thảo mộc mạc, đơn giản, trở về bản nguyên nhạc xưa, không trưng trổ cầu kỳ kỹ thuật. Nhật Thảo bảo, cô nghe các danh ca hát và thấy các bậc tiền bối hát thản nhiên như không, hát như từ trong ruột chứ không có chút toan tính trong đầu là phải xử lý chỗ này, láy chỗ kia để nó đẹp và hoa mỹ.
Giai đoạn đầu Nhật Thảo hát, mọi người liên tưởng sang Lệ Thu, Khánh Ly nhưng cho đến thời điểm này khi "Những ngày thơ mộng" ra mắt, Nhật Thảo bảo, cô mừng vì được là cô. "Mình ảnh hưởng cách hát của các tiền bối không có gì sai bởi mình là hậu thế, mình biết chắt lọc nhưng nên biến nó thành cái của mình. Nếu người nghe có thấy Nhật Thảo giống ai hay không thì đó không nằm trong chủ ý của tôi" - Nhật Thảo thẳng thắn.
"Những ngày thơ mộng" ngoài Kiếp nào có yêu nhau (nhạc Phạm Duy, thơ Minh Đức Hoài Trinh), còn có 10 tác phẩm không nhiều người biết hay quen tai : Phố chiều (Hoàng Thi Thơ), Thung lũng hồng (Phạm Mạnh Cương), Trong miệt mài em quên (Trường Sa), Bão tình (nhạc Hoàng Trọng, lời Duy Viêm), Mộng sầu (Trầm Tử Thiêng), Bước chân dĩ vãng (tác giả Nguyễn Hiền – Lam Đài, ca sĩ Tuấn Anh), Một ngày không có em (nhạc Y Vân, lời Nguyễn Long, song ca với Tuấn Anh), Nước mắt mùa thu (Phạm Duy), Những ngày thơ mộng (Hoàng Thi Thơ), Chờ (Lam Phương).
Album là sự hỗ trợ của nhiều người, để giọng hát đẹp Nhật Thảo được tái sinh, để những ca khúc bất hủ được khán giả tiếp tục yêu mến. Cho đến tận khi ra mắt album này, Nhật Thảo mới chỉ phải bỏ ra duy nhất tài nguyên sẵn có của mình là giọng hát, 1 phần được Audiospace- nhà phát hành ứng trước chi phí cũng như 1 phần sự động viên của ekip với câu nói "Em chỉ việc chuyên tâm vào thu, mọi thứ để sau hãy nghĩ tới".
Từng ở trong vỏ ốc nhưng Nhật Thảo đã được ca sĩ Tuấn Anh lôi ra ánh sáng. Từ ngày đi hát lại, những người xung quanh thấy Nhật Thảo với một tâm thế khác, vui tươi hơn, bớt khó tính, tự cởi trói cho bản thân để được rộng mở tâm hồn với cuộc đời. Album "Những ngày thơ mộng" đã tái sinh Nhật Thảo về tất cả, từ giọng hát đến cuộc sống. Tuy nhiên khi được hỏi có ân hận vì quãng thời gian hơn mười năm vì lựa chọn báo chí mà để con đường nghệ thuật dang dở, Nhật Thảo bảo, cô không nuối tiếc vì vẫn được sống với âm nhạc theo cách riêng của chính mình- một kẻ lãng du, rong chơi bằng cảm xúc.
"Tôi chưa từng rời bỏ âm nhạc. Âm nhạc là máu thịt của tôi nhưng cho chính cuộc đời tôi thôi, không nhất thiết phải được ai nhìn nhận ca tụng. Với tôi, báo chí và âm nhạc không thể tách rời, sự cộng hưởng của công việc báo chí cho tôi nhiều vốn sống để nhập tâm hơn vào bài hát. Ngược lại tâm hồn nghệ sĩ giúp tôi viết báo tình hơn, mềm mại hơn" – cô gái xinh đẹp trải lòng.
"Tôi là một người may mắn khi số phận đã cho tôi quá nhiều dư vị và sắc màu đa dạng trong cuộc sống này. Tôi biết ơn quá khứ, biết ơn những mất mát, những tổn thương và biết ơn cả những nỗi buồn thật đẹp của mình... Tất cả điều đó đã cộng hưởng để tạo nên một Nhật Thảo của ngày hôm nay, thật an nhiên, thong dong với nụ cười trong hành trình cùng âm nhạc nhìn lại "Những ngày thơ mộng"..."- Nhật Thảo tâm tình./.