(Tổ Quốc) - Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam (1951 -2021) sẽ được trang trọng tổ chức vào ngày 25/12/2021 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội).
- 17.03.2019 Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam công diễn chương trình nghệ thuật "Lưỡng cực"
- 22.08.2017 Ra mắt Câu lạc bộ nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam
- 21.08.2017 Ra mắt Câu lạc bộ nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam
- 07.03.2017 Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam phối hợp tổ chức “Festival âm nhạc Hàn – Việt”
- 24.11.2016 Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam
Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập, Nhà hát sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt diễn ra sáng 25/12 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, với tên gọi Những cánh chim không mỏi.
Khán giả sẽ được thưởng thức các tác phẩm đã đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Đây cũng là sân khấu đặc biệt, quy tụ các thế hệ nghệ sĩ của Nhà hát, với các tiết mục: Hòa tấu dàn nhạc Cánh chim và ánh sáng Mặt Trời, ca khúc Chiến sĩ Sông Lô, Múa Hương Xuân, Tốp ca nữ Thập lục: Quê hương tôi đổi mới, ca khúc Bình Trị Thiên khói lửa, Người là niềm tin tất thắng, múa Hạt thóc vàng, Liên khúc Những ngôi sao sáng, hát múa Rạng rỡ Việt Nam.
Nhân dịp này, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam cũng tổ chức không gian trưng bày những thành tựu xây dựng và phát triển qua 70 năm; phim phóng sự tài liệu về Nhà hát...
Tháng 11/1951, Đoàn văn công Trung ương được thành lập tại chiến khu Việt Bắc, sau đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh đổi tên thành Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương. Năm 1964 tên gọi Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam chính thức ra đời.
Từ những ngày đầu thành lập, Đoàn đã mang lời ca điệu múa đến biểu diễn phục vụ trên các mặt trận Biên giới Tây Bắc, chiến dịch Thu Đông, chiến dịch Điện Biên Phủ… Các thế hệ nghệ sĩ đã nối tiếp nhau lên đường, bằng trái tim, tài năng và khối óc để cống hiến trên mặt trận văn nghệ, nghệ thuật cách mạng.
Trong công cuộc đổi mới và cho đến hôm nay, Nhà hát vẫn không ngừng lớn mạnh, luôn giữ vững vai trò "cánh chim đầu đàn", nơi quy tụ những tên tuổi lớn của nền nghệ thuật cách mạng Việt Nam. Bên cạnh nhiệm vụ phát huy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, Nhà hát luôn khẳng định thương hiệu của một đơn vị nghệ thuật luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân mọi vùng miền, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...
Nơi đây cũng là đơn vị nghệ thuật có nhiều nghệ sĩ được phong học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư, được trao tặng các danh hiệu cao quý NSND, NGND, NSƯT…. Có thể kể đến như: GS. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, GS. NSND Nguyễn Văn Thương; các NSND: Nguyễn Văn Thương, Quốc Hương, Thanh Huyền, Thương Huyền, Trần Hiếu, Thu Hiền, Trần Quý, Thái Ly, Phùng Nhạn, Thúy Quỳnh, Trọng Bằng, Mai Khanh, Trung Đức, Xuân Hoạch, Quang Vinh, Thái Bảo, Kim Chung, Ngọc Bích… và rất nhiều NSƯT.
Vượt qua nhiều thách thức, các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát tiếp tục phấn đấu, đổi mới không ngừng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Nhà hát cũng được tin cậy giao trọng trách xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ các lễ kỷ niệm cấp Quốc gia, các chương trình đối ngoại cấp Nhà nước, trong đó có rất nhiều chương trình đặc sắc, gây tiếng vang.
70 năm xây dựng và trưởng thành, những nỗ lực, cố gắng của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận với nhiều phần thưởng cao quý như: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; Danh hiệu Anh hùng Lao động Thời kỳ đổi mới; Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ. Ngoài ra, nhiều Huân, Huy chương quốc tế của các nước bạn đã được trao tặng cho Nhà hát như Huân chương Lao động của CHDCND Lào, Hoàng gia Campuchia, CHND Mông Cổ...; Bằng khen của các Bộ, Ban, ngành, địa phương; Giải thưởng, Cúp, Huy chương trong các cuộc thi, liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp trong nước và quốc tế.../.