(Tổ Quốc) - Sự ra đi của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - người đi đầu mở cửa kinh tế, người đặt dấu ấn mạnh mẽ với Luật Doanh nghiệp, cởi trói cho kinh tế tư nhân phát triển... đã khiến các chuyên gia vô cùng thương tiếc
Trên báo VnEconomy, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định: Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải không để lại những công trình hoành tráng, mà ông luôn đầu tư vào làm thể chế để tạo sự tăng trưởng ổn định cho nền kinh tế.
Bà Lan cũng chia sẻ những thông số đáng chú ý: 10 năm ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng, mặc dù có khủng hoảng tài chính khu vực nhưng tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt 7,2%, lạm phát được kiềm chế thấp, nợ công và bội chi ngân sách ở mức cho phép.
Thủ tướng Phan Văn Khải và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Sàn giao dịch chứng khoán New York, tháng 6/2005. (Nguồn: AFP) |
"Vị Thủ tướng kỹ trị" là cụm từ mà chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh dành cho nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Theo ông Lê Đăng Doanh, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người đặc biệt quan tâm quan tâm đến sự ổn định của nền kinh tế. Mọi quyết định ông đưa ra đều tính toán rất kỹ lưỡng.
Vị Thủ tướng thời mỏ cửa hội nhập đã có cống hiến lịch sử cho nền kinh tế Việt Nam thông qua ba quyết sách. Theo ông Lê Đăng Doanh, đó là việc trình Luật Doanh nghiệp năm 1999 ra trước Quốc hội, giải phóng cho kinh tế tư nhân; Thực hiện kinh tế thị trường, kiểm soát độc quyền; Thúc đẩy hội nhập quốc tế, thông qua việc trình và thực hiện ký kết Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ.
Sự quyết đoán của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong trí nhớ của chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đó là ông đã không do dự ký quyết định hủy 268 giấy phép con, bằng khoảng 50% tổng số giấy phép lúc bấy giờ để cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân, đánh mạnh vào nguồn thu của các Bộ.
Còn với chuyên gia tài chính- ngân hàng Lê Xuân Nghĩa lại ấn tượng với cống hiến của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ở việc đưa Việt Nam thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng này đã khiến kinh tế Việt Nam bị đình trệ vào năm 1999-2000, thị trường bất động sản đóng băng, toàn bộ hệ thống ngân hàng rơi vào tình trạng khủng hoảng. Nhờ sự sáng suốt của nguyên Thủ tướng mà hệ thống ngân hàng thời điểm đó được tái cơ cấu lại, lạm phát được kiểm soát, kinh tế Việt Nam dần ổn định và phát triển.
Trên báo Tuổi trẻ, nhận định về dấu ấn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Bàng khẳng định: "Anh Khải là người đi đầu trong công cuộc cải cách, mở cửa kinh tế với nước ngoài, đặc biệt là với nước Mỹ". Với ông Lê Bàng, điểm nhấn là chuyến thăm Mỹ. Trong chuyến thăm này, Mỹ đã cho Việt Nam hưởng quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn, là bước đà quan trọng cho ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) sau đó. Và Việt Nam cũng đã bán được trái phiếu Chính phủ cho các công ty ở New York để có tiền đầu tư trong nước.
Trên báo VietNamNet, chuyên gia Trần Đức Nguyên cũng bổ sung chi tiết rất đáng chú ý, đó là ông Phan Văn Khải rất quan tâm đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, đặc biệt là người nghèo.
“Trong khoảng thời gian ông Khải làm trong Chính phủ, nông nghiệp tăng trưởng rất mạnh, bình quân 4%/năm. Suy nghĩ, trăn trở của ông Khải với nông dân, vùng nghèo rất đậm nét”.
Cũng trên báo này, chuyên gia Nguyễn Mại đánh giá: Điểm ấn tượng nhất là anh Khải là người rất biết lắng nghe. Anh thành lập hẳn hai cơ quan tư vấn là Ban Nghiên cứu Kinh tế lo tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô trong nước và Tổ Nghiên cứu Kinh tế đối ngoại. Rồi thành lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp 1999.
“Nếu không có tổ này thì Luật doanh nghiệp khó có thể nhanh chóng đi vào cuộc sống hiệu quả như vậy”. Việc thúc đẩy kinh tế tư nhân là dấu ấn lớn nhất, “là cứu cánh” trong thời kỳ Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế khu vực.