(Tổ Quốc) - Tập thơ thứ 3 - “Viễn ca” của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh được tác giả chia sẻ “Viễn ca là chặng đường con người phải đi qua trong hành trình số phận của mình. Trên hành trình đó bắt gặp nhiều phong cảnh, tôi chỉ ghi lại những cảnh đó bằng ngôn từ và cảm xúc”.
Sau 2 tập thơ “Loạn bút hành” và “Chiều không tên như vết mực giữa đời”, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Tiến Thanh, Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục, nguyên Tổng biên tập báo Đời sống và Pháp luật vừa ra mắt tập thơ thứ 3 - “Viễn ca”.
Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh nổi tiếng trong giới sinh viên Hà Nội khi ông là gương mặt thơ nổi bật của phong trào thơ sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội những năm 1980. Thơ của ông được sinh viên chép tay, chuyền nhau đọc.
Tập thơ mới này gồm 39 bài thơ, được Nguyễn Tiến Thanh viết khoảng 6 năm trở gần đây, thể hiện suy ngẫm, chiêm nghiệm của nhà thơ về cuộc sống, tình yêu khi vào tuổi trung niên.
Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh có hơn 30 năm làm báo, hiện tại ông là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh chia sẻ: “Tôi học Khoa Ngữ văn trường Đại học tổng hợp, ra trường được giữ lại giảng dạy trong một thời gian ngắn. Sau đó tôi đi làm báo, cái nghề liên quan tới chính nghĩa, vì thế tôi bị quăng quật với đời nhiều quá nên cũng không có thời gian sáng tạo thơ ca. ‘Viễn ca’ là chặng đường con người phải đi qua trong hành trình số phận của mình. Trên hành trình đó bắt gặp nhiều phong cảnh, tôi chỉ ghi lại những cảnh đó bằng ngôn từ và cảm xúc”.
Với nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh, trong hành trình cuộc sống, mỗi bước đi đều là sự đổi mới, thơ cũng vậy, mỗi bài thơ là sự tiếp nối của cảm xúc và liên tưởng khác nhau. Sau 30 năm làm báo, bước sang làm công việc khác, ông cho rằng con người ông cũng phải tự thay đổi.
Nhận xét về tập thơ “Viễn ca”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn cho biết, ông rất bất ngờ khi Nguyễn Tiến Thanh ra mắt tập thơ này: “Chúng tôi cùng sinh hoạt trong câu lạc bộ thơ từ khi Thanh còn là sinh viên. Những tưởng Tiến Thanh làm quản lý sẽ quên thơ ca, vậy mà một ngày mùa thu, anh lại xuất hiện trở lại trong một tinh thần khác, một giai đoạn và nhịp điệu khác”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận xét: “Viễn ca có nhiều bài thơ lục bát, khiến tôi nghĩ tới hình ảnh cây trầm, lá vẫn vậy, cây vẫn vậy nhưng trong ruột cây làm nên hương trầm tích lũy. Thơ Tiến Thanh giống như vậy, anh đi qua cuộc đời này, những buồn vui, cảm hứng, với con mắt mở rộng để nhìn đời sống này, mang lại cho anh những trải nghiệm, tích lũy. Vẫn là phong cách đấy, không thay đổi hình thức, vẫn rất truyền thống nhưng sự lãng mạn, sự phiêu lưu vẫn như tuổi thanh xuân, nhưng mỗi một ngày lại mang thông điệp lớn hơn, bởi nó chảy trong dòng chảy tư tưởng. Chính vì thế, nhiều bạn bè khi đọc thơ anh trước kia, đón nhận tập thơ này với sự bất ngờ, sự chiêm nghiệm. Thi ca có nhiều con đường, Tiến Thanh chọn con đường, đi ngầm trong đời sống, đến ngày hiển lộ ra. 'Viễn ca' vẫn chứa đựng sự run rẩy của thơ ca song đầy tính triết lý của đời sống này”.
Viết về tập thơ “Viễn ca”, nhà lý luận phê bình Nguyễn Hoài Nam, Báo Nhân Dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương nhận xét, Nguyễn Tiến Thanh khởi nghiệp thơ từ phong trào thơ sinh viên ở các trường đại học Hà Nội cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, những năm mà sự xám xịt của cuộc sống lập tức biến mất, chỉ còn lại những thăng hoa của thơ ca và cảm xúc ngất ngây bùng nổ mỗi khi các đêm thơ ký túc xá khai cuộc.
Những năm ấy tuổi trẻ yêu thơ, say thơ đến quên cả cái đói đang không ngừng cào cấu dạ dày. Nhiều bài thơ Nguyễn Tiến Thanh viết trong khoảng thời gian này hiện vẫn có những người thuộc nằm lòng. Và tinh thần của chúng – say đắm lãng mạn lẫn ngông cuồng phá cách – qua quãng cách thời gian mấy chục năm, chừng như vẫn còn hắt ánh hồi quang đến tận bây giờ.
Nhà lý luận phê bình Nguyễn Hoài Nam cho rằng, ở “Viễn ca” của Nguyễn Tiến Thanh, cái chất tinh nghịch, ào ạt, phóng khoáng đã bớt đi, nhưng bù lại, tập thơ mới của anh thêm sự giàu có về chiều sâu của những suy tưởng, cái khác lạ của ngôn ngữ và hệ thống thi ảnh.
Nguyễn Tiến Thanh không chủ trương cách tân thơ, thậm chí thơ anh còn nghiêng nhiều về phía cổ điển. Thế nhưng đọc thơ anh luôn cảm nhận được sự mới mẻ nào đó, sự mới mẻ trong thơ của một người thơ không ngừng đào sâu tìm kiếm chính mình. Và không ngừng suy tưởng về những phương trời viễn mộng.