(Tổ Quốc) - Dù đến với thế giới thơ văn khá muộn nhưng kể từ ngày gieo những câu chữ đầu tiên đến nay, nhà thơ Phạm Anh Xuân đã gặt hái nhiều thành công với thơ thiếu nhi, anh đã "bỏ túi" trên 900 bài thơ viết cho trẻ. Thông qua những sáng tác của anh, đã giúp mảng văn học thiếu nhi như được thêm nhiều sắc màu tươi sáng, vừa gần gũi mộc mạc vừa lung linh huyền diệu và đầy tính thiện.
Phạm Anh Xuân không phải nhà thơ chuyên nghiệp, anh từng là phóng viên báo Lao Động, nhà báo viết về mảng kinh tế, sau về làm truyền thông ở ngân hàng… Rồi bất chợt anh có thêm một con đường song hành khác đầy thơ mộng - những vần thơ trong trẻo cho trẻ con. Hiện anh là một tác giả được nhiều bạn đọc nhỏ tuổi và cả phụ huynh đón nhận nồng nhiệt qua các buổi nói chuyện văn chương, hoặc những buổi giới thiệu sách.
Vậy sáng tác cho thiếu nhi như thế nào để hấp dẫn và thu hút các em, là chủ đề chính trong cuộc trò chuyện giữa phóng viên Báo Điện tử Tổ quốc và nhà thơ Phạm Anh Xuân.
+Nguồn cảm hứng nào đưa anh đến vào thế giới thơ văn dành cho thiếu nhi?
- Để có thể bắt đầu sáng thơ văn dành cho thiếu nhi, tôi phải rất cảm ơn tuổi thơ của mình khi đã có một giai đoạn rất đẹp cả về gia đình, bạn bè và môi trường thiên nhiên. Đấy là một nguồn tư liệu rất tốt cho phép tôi tương tác với thế giới xung quanh mình. Và tôi đến với sáng tác thơ ca dành cho thiếu nhi như một cái duyên, năm tôi 40 tuổi, những ký ức thời thơ ấu ấy đã khơi dậy mạch nguồn cảm xúc trong tôi. Những kỷ niệm và ký ức ùa về, hình ảnh, chi tiết cùng những câu chuyện cứ tự nhiên hiện ra, những tứ thơ cùng câu chữ, vần điệu cứ như đầy ắp, dồn nén và được sắp xếp sẵn trong đầu, tôi chỉ cần viết ra.
Nguồn cảm hứng thứ hai chính là các con của tôi, tôi nhớ trong những lần đưa các con về quê, các bé thường hay ngắm nhìn những đám mây qua ô cửa kính xe rồi reo lên, đám mây kia giống hình con vịt, đám mây khác giống hình con rồng! Nhớ lại tuổi thơ mình cũng thường hay nhìn theo những đám mây trên bầu trời rồi tưởng tượng ra con vật này, con vật như vậy nên tôi đã viết nên bài thơ Vườn thú trên bầu trời". Có thể nói, tất cả những sáng tác của tôi đều hướng về những đứa trẻ, và những đứa trẻ ấy có tôi trong đó. Tôi thường chia sẻ với bè bạn rằng trong tôi luôn có một đứa trẻ. Đứa trẻ ấy nhìn thế giới bằng con mắt đầy sắc màu và mỗi ngày sẽ viết ra điều gì đó về thế giới của chính mình và của bè bạn ấu thơ. Đến nay, sau gần 7 năm gắn bó với thơ văn dành cho thiếu nhi, tôi đã sáng tác được gần 900 bài thơ dành cho các bé.
+ Viết cho trẻ em không hề dễ dàng, anh nghĩ sao về điều này?
- Theo tôi viết cho trẻ em vừa có cái dễ, cũng có cái khó. Cái dễ khi sáng tác cho trẻ em là cần sự đơn giản, ngôn ngữ không cần quá văn vẻ, không đòi hỏi kĩ thuật, kĩ xảo cao và chất liệu về trẻ em thì có rất nhiều, thế giới trẻ thơ cực kỳ rộng lớn, bởi cùng với thế giới thực vốn đã rất sống động, trẻ thơ còn có thế giới của mộng mơ và sự tưởng tượng đến vô cùng. Đây là một nguồn dữ liệu rất tốt để cho các tác giả sáng tác. Còn về cái khó tôi cho rằng, chúng ta đã mất một khoảng thời gian dài để cho văn học thiếu nhi nước ngoài du nhập vào nhiều nên hiện nay ít người quan tâm đến sáng tác dành cho thiếu nhi của Việt Nam. Tuy bây giờ cũng đã có sự chuyển hóa nhưng tôi cho rằng sự chuyển hóa đó là khá chậm.
Ngoài ta, dưới góc độ của tôi, tôi nhận thấy rằng, nội dung sáng tác của các tác giả hiện nay còn khá thô mộc, xa rời với trẻ em, đặc biệt về mặt ngôn ngữ và hình ảnh, ngôn ngữ nói, cách hành văn của thời hiện đại đưa vào văn, thơ nhiều quá. Với tôi, điều đó không tốt cho trẻ em khi đọc sách. Và tôi nghĩ, chúng ta cần phải có sự chắt lọc, thẩm định của các bên thứ ba như thông qua các nhà xuất bản,… Qua đó, sẽ giúp cho các tác phẩm dành cho thiếu nhi được trọn vẹn, trong sáng và đáp ứng được nhu cầu của trẻ.
+ Vậy thì sách/thơ cho thiếu nhi cần chứa những yếu tố gì để chinh phục độc giả nhỏ tuổi?
- Sau thời gian sáng tác cho thiếu nhi, tôi nhận ra rằng, các em thích đọc những bài thơ mà trong đó luôn mang đến những phát hiện lạ lẫm nhưng rất trong sáng, dễ thương, vừa gần gũi vừa kỳ diệu như chính thế giới đầy trí tưởng tượng phong phú của các em. Chính vì thế, khi đọc các tác phẩm của tôi, bạn sẽ thấy thiên nhiên trong thơ và truyện của tôi hiền hòa, gần gũi nhưng cũng không kém phần lung linh nhờ ngôn ngữ giàu tính tượng hình, giàu cảm xúc. Đây cũng là một trong những tiêu chí hàng đầu và rất quan trọng mỗi khi tôi viết cho các em. Và tôi đảm bảo, Tiếng Việt của chúng ta có đầy đủ năng lực thể hiện sự gần gũi, giản dị, trong sáng để dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và lay động cảm xúc. Có đủ những yếu tố này thì bạn đọc - đặc biệt là trẻ con - mới thích thú, muốn đọc và có thể tương tác nhóm cũng như lan tỏa.
Dù vậy, có một tầng tiêu chí cao hơn tôi muốn hướng đến: niềm vui và nguồn năng lượng tích cực. Trong bất kỳ bài thơ, câu chuyện nào tôi viết, "thân bài" có thể hàm chứa chuyện đứa trẻ khóc vì nhớ mẹ, nũng nịu dỗi hờn vì điều này điều kia nhưng đến khi kết bài thì những điều ấy luôn được hóa giải để tạo sự tươi mới, vui vẻ.
+Anh đánh giá thế nào về tầm quan trọng của văn học thiếu nhi, đặc biệt là thơ ca, trong việc giáo dục, nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn và hoàn thiện nhân cách, cảm xúc của các bé?
- Trong thực tế, thơ ca là những "hạt giống" đầu tiên cho tâm hồn trẻ. Thơ ca đã gieo hạt giống trong tâm hồn tôi - đứa trẻ của mấy chục năm về trước, để hôm nay hạt giống ấy nảy mầm và cất lên thành lời.
Những làn điệu hát ru, những bài đồng dao chính là dạng thức của thơ ca đã truyền đời biết bao thế hệ. Chỉ trong câu hát: "Con cò bay lả bay la/ Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng" hay "Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"… đã có biết bao nhiêu cái hay, cái đẹp được hàm chứa. Câu hát của bà, lời ru của mẹ, bài đồng dao của đứa trẻ này truyền miệng cho đứa trẻ khác đã trở thành mạch nguồn dồi dào đến vô tận. Những đứa trẻ còn chưa biết đọc, chưa biết viết nhưng đã có thể nghe - hiểu - thuộc - nhớ những ngôn ngữ, hình ảnh, câu chuyện.
Tác động tích cực của thơ ca đến trẻ sẽ còn rộng lớn và sâu sắc hơn thế. Chẳng phải vô tình mà bao nhiêu thế hệ ông cha đã sáng tạo ra những trò chơi dân gian; hầu như trò chơi nào cũng có những bài đồng dao để trẻ con học nhau và cùng đọc mỗi khi tham gia.
Trẻ con dạy nhau những câu thơ, lời hát; chúng truyền cho nhau những kỹ năng khi tham gia các trò chơi có trong đồng dao rồi chúng mở mang cho nhau kiến thức về thiên nhiên, cuộc sống có trong thơ ca mà chúng nhớ, chúng thuộc. Chính trong sự kết nối và tương tác này, trẻ con đã phát triển trí lực và thể lực - thậm chí còn có thể giúp phát hiện sớm những đứa trẻ có dấu hiệu tự kỷ, bị câm, điếc hay các khuyết tật khác…
Và tôi mong muốn thông qua thơ và truyện của mình sẽ góp phần kiến tạo nên những cung bậc cảm xúc cho trẻ. Đầu tiên là các bạn nhỏ có thơ để đọc cho vui; tiếp đó là tìm hiểu, hấp thụ và thẩm thấu những câu chuyện, chi tiết, hình ảnh, ngôn ngữ; sau nữa là kích thích trí tò mò, óc tưởng tượng và năng lực sáng tạo. Đích đến cuối cùng là góp phần bồi đắp tâm hồn, tình yêu thương, lòng nhân ái, bao dung cùng kỹ năng, bản lĩnh cá nhân để hoàn thiện 2 yếu tố quan trọng của một đứa trẻ: trí tuệ và thể lực.
+Theo anh, với đời sống xã hội hiện đại ngày nay, cha mẹ nên làm thế nào để các bé có hứng thú, yêu thích thơ, văn, đọc sách với một niềm vui thích tự nhiên nhất?
- Vai trò dẫn dắt của người lớn rất quan trọng đối với trẻ trong việc đọc sách, tiếp xúc với thơ văn nhưng ý nghĩa hơn thế là sự tương tác, kết nối, thấu hiểu và đồng cảm của người lớn với trẻ nhỏ. Có 3 câu chuyện mà tôi tích lũy, trải nghiệm và tham khảo để khuyến khích trẻ em đọc sách:
Câu chuyện thứ nhất là một bà mẹ mang theo những tập thơ của tôi trong hành trang định cư tại Áo. Hằng đêm trước khi đi ngủ, bà mẹ này thường đọc thơ cho các con nghe. Việc đó được thực hiện thường xuyên. Cho đến một ngày, gia đình họ đi du lịch châu Âu. 2 bạn nhỏ đã mang theo 2 tập thơ của tôi đi cùng và nói với mẹ rằng các bé sẽ mang 2 tập thơ đi khắp thế giới. Tương tự, một bà mẹ khác ở Nhật cũng hằng đêm đọc thơ cho 2 con nghe. Đồng thời mỗi ngày, bà mẹ này giao cho các con tập đọc thu video và tập chép. 2 bạn nhỏ đã xây dựng khá nhiều video giới thiệu các tập thơ và những bài thơ của tôi trên kênh Youtube.
Câu chuyện thứ hai mà nhiều bà mẹ khác áp dụng là nếu các con muốn được chơi điện tử hay muốn có những món đồ chơi yêu thích thì cần tập đọc, tập chép và học thuộc những bài thơ; sau đó giới thiệu lại nội dung… Cùng với những phần thưởng thì mỗi khi trẻ phạm lỗi; hình phạt cũng là đọc sách.
Câu chuyện thứ ba là một số ông bố, bà mẹ đã chọn những bài thơ về những trò chơi dân gian, về làm thủ công như làm diều, làm chong chóng… đọc và cùng tham gia trải nghiệm với con trong chính những trò chơi, việc làm đó.
Bằng sự dẫn dắt này, không chỉ gắn kết và làm bạn với trẻ, cha mẹ còn tạo cho trẻ thói quen đọc sách, rèn các kỹ năng liên quan như tìm hiểu, cảm nhận, thực hành kỹ năng viết, kỹ năng diễn giải… Thậm chí, nhiều bạn nhỏ đã tập làm thơ.
Cảm ơn nhà thơ Phạm Anh Xuân đã chia sẻ!