(Cinet) - Là người được mời tham gia vai trò giám khảo nhiều gameshow, chương trình truyền hình thực tế âm nhạc, nhạc sĩ Lê Minh Sơn được xem là một trong những người khá hiểu về các quy trình tìm kiếm tài năng tại Việt Nam.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn trao đổi với phóng viên |
Nhiều gameshow, chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc đang bị bão hoà, thậm chí gây ra không ít tác dụng ngược bởi sự nhạt nhoà, chất lượng đi xuống của thí sinh, anh nghĩ sao về điều này?
Đó là điều tất yếu mà khán giả truyền hình phải chấp nhận. Cái gì mới cũng hấp dẫn và cái gì trở nên quen thuộc thì sẽ không còn thu hút, các gameshow, chương trình truyền hình thực tế cũng vậy. Ở đây, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề cả phần tích cực nữa. Trong một góc độ nào đó, nhiều chương trình trên truyền hình có góp phần tìm tòi, phát hiện những tài năng mới. Nhiều giọng hát thành danh bây giờ như Tùng Dương, Ngọc Khuê, Uyên Linh… đều được phát hiện nhờ những cuộc thi trên truyền hình. Bây giờ, có lẽ do nhiều chương trình quá nên khán giả bị bội thực và không còn mặn mà.
Liệu có phải một trong những lý do mà các chương trình tìm kiếm tài năng dần kém chất lượng vì đã… cạn tài năng thật sự?
Chấm thi nhiều chương trình tôi biết là hiện nay các thí sinh “chạy sô” ở các cuộc thi. Cô này thi trượt Sao Mai, nhảy sang thi Vietnam Idol, trượt Vietnam Idol thì nhảy sang thi The Voice… Thí sinh cứ chạy thi quẩn quanh như vậy thì làm sao không chán. Theo quan điểm của tôi, hiện nay vẫn có những chương trình có chất lượng chuyên môn, chẳng hạn như Sing My Song là cuộc chơi cho những người sáng tác nên chí ít cho thấy có sự đầu tư về trí tuệ bên cạnh việc thí sinh phải thể hiện khả năng biểu diễn, hay trước đây có sân chơi Bài hát Việt cũng là nơi để ra đời những sáng tác mới cho thị trường âm nhạc. Tôi không dám nói chương trình nào hay hay dở nhưng với con mắt của người làm nghề, tôi chỉ có thể nói chương trình nào có cái mới hơn. Những người cầm bút hát rõ ràng sẽ khác với người chỉ hát không.
Anh nghĩ sao khi hiện nay nhiều ca sĩ trẻ vì mải chạy theo thị trường, theo trào lưu mà bỏ quên các giá trị nghệ thuật đích thực?
Quan điểm của tôi là không có cái gọi là nhạc thị trường, chỉ có nhạc hay hoặc dở, thế thôi. Thực trạng hiện nay là có vẻ các nghệ sĩ trẻ đang thiếu đi thủ lĩnh dẫn dắt về tinh thần, chủ yếu tập trung vào làm thế nào để thu lời, nổi tiếng thật nhanh thành ra làm những thứ liên quan đến văn hoá nghệ thuật đích thực rất khổ.
Khi chúng ta đã tìm được những hạt giống tốt thì lại thiếu những người định hướng. Đời sống âm nhạc có cả phần nổi và chìm, ngoài sự hào nhoáng, lộng lẫy trên sân khấu, chúng ta vẫn cần để ý đến ở phần chìm, nơi còn có rất nhiều ca sĩ, nhạc sĩ trẻ đang âm thầm làm việc, âm thầm sáng tạo, và có cả những tài năng chưa được phát hiện. Tôi vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào những tài năng âm nhạc chưa được phát hiện và vẫn còn đang ẩn danh ở đâu đó.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn, Nguyễn Cường và nhiều nghệ sĩ khác tham gia vào dự án âm nhạc mới. |
Nhưng rõ ràng có hiện tượng những người làm sản phẩm âm nhạc tử tế lại ít người nghe, xem...?
Đúng là bây giờ nhiều ca sĩ chẳng thể nào sống được bằng việc làm đĩa, tổ chức show mà phải nhờ vào việc hát ở các sự kiện. Tôi nhìn cảnh nhiều ca sĩ vì mưu sinh, kiếm sống mà phải hát ở những bàn tiệc, phục vụ những khán giả không nghe hát mà tôi muốn khóc.
Thực tế là âm nhạc ở nước ta từ lâu quen nghe miễn phí, lúc nào cũng muốn người khác tặng vé mà không chịu bỏ tiền để mua. Tôi làm nhiều show và lần nào cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại hỏi xin vé. Nhiều người có thể bỏ tiền cho một bữa nhậu 50-70 triệu, hay sẵn sàng mua cho người yêu cái váy, túi 5-7 ngàn USD nhưng lại không chịu bỏ vài trăm ngàn mua cái vé đi xem ca nhạc. Chính tư tưởng đó góp phần giết chết nghệ thuật.
Cách đây 20 năm, nghệ sĩ làm đĩa ra có thể bán vài vạn. Bây giờ ca sĩ nào ra đĩa bán được 1 ngàn cái đã mừng ứa nước mắt. Lý do là giờ lên mạng cái gì cũng được tải “chùa” lên. Việc vi phạm bản quyền mà không có biện pháp nào xử lý khiến ca sĩ chỉ nghĩ đến làm những cái gì thời vụ để đỡ tốn kém và ngại phải đầu tư làm gì đó kỹ càng.
Vậy theo anh, có hướng đi nào trong thực trạng này?
Những trăn trở này khiến tôi và rất nhiều đồng nghiệp muốn làm điều gì đó để tạo một sân chơi âm nhạc mới, nơi mọi người chỉ cần thể hiện giọng hát và không cần bất cứ sự màu mè thể hiện nào. Tôi vẫn mong có thể tìm thấy những tài năng âm nhạc mới mà không phải nhờ các gameshow.
Vừa qua, tôi và một số nghệ sĩ tham gia vào dự án âm nhạc Alosong Star. Các bạn trẻ yêu thích ca hát, thay vì phải đến phòng trà, tiệc, quán bar - nơi có nhiều cám dỗ thì chỉ cần gửi cho chúng tôi đoạn tự quay hoặc livestream. Khi vượt qua các vòng loại là các thí sinh có thể nhận được mức tiền thưởng tương xứng để họ cảm thấy rằng, nếu họ có tài năng, cố gắng vì nghệ thuật thì sẽ nhận được sự đối xử xứng đáng. Chúng tôi sẽ nhận sản phẩm dự thi từ 15-5 đến hết ngày 20-7-2018. 10 thí sinh xuất sắc nhất sẽ tham gia đêm chung kết diễn ra trên sân khấu vào giữa tháng 9-2018.
Anh không sợ mọi người nói là chính anh cũng đang bắt chước các gameshow truyền hình?
Đây không phải gameshow và cách làm của nó cũng không giống với bất cứ chương trình nào trước đây. Như tôi đã nói, đó là dự án âm nhạc mở để bất cứ ai cũng có thể tham gia, kể cả với những người không tự tin về hình thức. Chúng tôi chỉ quan tâm đến giọng hát và cá tính của thí sinh.
Theo Hanoimoi