Đêm diễn “Nam Nhi” của Ngô Hồng Quang ở Trung tâm văn hóa Pháp là một cuộc dạo chơi cho lần trở về không sắp đặt, “có gì chơi đấy”. Một “Nam Nhi” trên sân khấu với các cung bậc, rỉ rả cho đến bạo liệt. Đa thể loại nhưng không gồng mình, những câu chuyện Quang kể tự nhiên, thu hút. Người nghệ sĩ thực sự vì mình, vì tác phẩm, vì khán giả sẽ luôn được lắng nghe.
Đêm diễn “Nam Nhi” của Ngô Hồng Quang ở Trung tâm văn hóa Pháp là một cuộc dạo chơi cho lần trở về không sắp đặt, “có gì chơi đấy”. Một “Nam Nhi” trên sân khấu với các cung bậc, rỉ rả cho đến bạo liệt. Đa thể loại nhưng không gồng mình, những câu chuyện Quang kể tự nhiên, thu hút. Người nghệ sĩ thực sự vì mình, vì tác phẩm, vì khán giả sẽ luôn được lắng nghe.
- Con đường nào dẫn Quang đến với hành trình tìm tòi và khám phá thú vị trong sự kết nối âm nhạc truyền thống với đương đại?
+ Tôi vốn xuất thân từ âm nhạc dân tộc nhưng tôi không muốn mình dừng chân là một nghệ sĩ biểu diễn và chỉ làm công việc bảo tồn. Tôi muốn đi xa hơn, ra nước ngoài, học thêm cái mới, đó là tư duy âm nhạc đương đại.
Đến thời điểm này, tôi đã tốt nghiệp khóa học cao học bên Hà Lan và có điều kiện đi biểu diễn ở nhiều nước. Tôi hiểu thêm về âm nhạc đương đại thế giới. Tôi có chất dân gian vốn ngấm trong máu mình rồi, bây giờ kết hợp với tư duy âm nhạc đương đại sẽ dễ tạo ra sự phát triển tự nhiên của âm nhạc dân tộc.
Tôi đã có một số sản phẩm như “Hanoi Duo” kết hợp cùng nhạc sĩ Nguyên Lê và album “Nam Nhi”, kết hợp quan họ Bắc Ninh với dàn nhạc dây Phương Tây. Ngoài ra, tôi sáng tác một số bài hát mới dựa trên chất liệu âm nhạc của người Mông, người Tày.
Với “Nam Nhi”, tôi muốn tạo ra một cầu nối âm nhạc, trong đó có quan họ Bắc Ninh kết hợp với những cái hoa mỹ, âm sắc của bộ dây phương Tây, làm sao hòa quyện được hai thứ đó vào nhau. Đấy là một câu hỏi và rất khó để làm. Tôi đã mạnh dạn thu âm album “Nam Nhi” và đến thời điểm này ít nhiều nó đã mang lại dấu ấn.
- Phản hồi của khán giả và giới chuyên môn thế nào về sự phá cách này. Có ai nói rằng, Quang đã phá quan họ không?
+ Những người quan tâm và theo dõi sự nghiệp âm nhạc của tôi họ rất thích. Tôi làm việc trên cơ sở nghiên cứu rất kỹ âm nhạc ngũ cung của quan họ, từng luyến láy hoa mỹ của quan họ để áp dụng kỹ thuật của bộ dây, có thể vuốt, rung, nhấn, luyến.
Ngoài ra, có những hòa âm đương đại để tạo ra kết nối giữa truyền thống và đương đại. Gần đây tôi diễn ở Pháp, có nhiều Việt kiều không biết nói tiếng Việt, họ nghe rất thích. Có những bài hơi trừu tượng nhưng tổng thể họ thích sự kết hợp này. Tôi sử dụng yếu tố đương đại để kết nối với truyền thống nên họ cảm ngay được.
- Còn từ phía các nhà chuyên môn, hẳn sự kết hợp độc đáo này có gây ra nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn?
+ Trong giới chuyên môn chắc chắn cũng có nhiều tranh cãi. Nhưng tôi chọn hướng đi này từ lâu rồi, thích hay không thích là chuyện bình thường. Tôi biết mình muốn gì, sự nghiệp của tôi, con đường của tôi là đưa âm nhạc truyền thống ra thế giới bằng cách nhập tư duy đương đại, mix hai thứ vào, tôi lựa chọn nó và không có gì thay đổi.
- Đêm “Nam nhi” của Ngô Hồng Quang ở Hà Nội đã tạo ra sự kết nối rất tự nhiên với khán giả. Trong đó, có sự kết nối của Quang và các bạn trẻ, như nghệ sĩ beatbox Trung Bảo, nghệ sĩ violin Nguyễn Thiện Minh. Tôi đang nhìn thấy một thế hệ trẻ tài năng của nhạc Việt dù đi xa vẫn luôn muốn trở về đóng góp và cống hiến?
+ Tôi gặp Trung Bảo trong dự án “Over Sea” của nhạc sĩ Nguyên Lê. Đó là một nghệ sĩ beatbox hàng đầu của Việt Nam, bạn đang theo học ngành đồ họa tại Mỹ nhưng Trung Bảo đã có vị trí trong làng beatbox thế giới.
Tôi và Bảo gần nhau về tư duy âm nhạc nên việc hòa với nhau không khó khăn. Bảo khá hào hứng với âm nhạc dân tộc theo cách tôi làm và rõ ràng đã có những hiệu ứng rất tốt. Còn Nguyễn Thiện Minh là nghệ sĩ violin trẻ của Học viện Âm nhạc Quốc gia. Màn hòa tấu chữ Đ khá đặc biệt đúng không, đó cũng là cách mà Trung Bảo định vị mình đến từ Việt Nam trong cộng đồng beatbox thế giới.
- Tại sao lại là quan họ chứ không phải một loại hình khác như xẩm, chèo?
+ Vì tôi nghe quan họ từ nhỏ và đối với tôi, quan họ dễ nghe nhất, một dạng pop của truyền thống, tôi chọn quan họ vì muốn đưa chất đương đại đó vào những thứ dễ nghe và đẩy nó lên một chiều kích khác. Nếu chọn chèo còn khó nghe nữa.
- Sau Quan họ sẽ là gì?
+ Tôi học âm nhạc truyền thống nhưng tôi có một tình yêu khác với âm nhạc thiểu số của miền núi, tôi bị hút hồn và mê mẩn bởi chất liệu âm nhạc ấy. Sau “Nam nhi” sẽ là chất liệu khác của miền núi, Tây Nguyên.
Tôi chuẩn bị hoàn thành dự án những sáng tác mới dựa trên thơ của giáo sư Phan Lê Hà. Dựa trên chất liệu dân gian nhưng phần hòa âm rất hiện đại, kết hợp với nhạc điện tử. Chị Hà rất thích âm nhạc của tôi nên hai người chia sẻ và muốn làm một dự án chung, tôn vinh âm nhạc dân tộc theo một hướng khác. Chất thơ đương đại, âm nhạc đương đại nhưng màu Việt Nam rất mạnh, có 12 bài tôi hát một nửa, còn một nửa ca sĩ Hà Linh hát.
Trong album “Nhìn lại” này, khán giả có thể khám phá những vẻ đẹp mới của âm nhạc, cũng là tiếng sáo nhưng không phải câu sáo tôi đã học trong nhạc viện, nó văng vẳng chất Việt Nam nhưng chất đương đại rất mạnh. Về lâu dài, tôi muốn có một chương trình tôn vinh âm nhạc dân tộc bằng khí nhạc, chỉ chơi bằng nhạc cụ dân tộc, không kết hợp điện tử nhưng theo một tư duy mới.
Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang và nghệ sĩ beatbox Trung Bảo. |
-“Nhìn lại” sẽ kết nối với âm nhạc Việt Nam như thế nào?
+ Trong album tôi nhấn mạnh chất đương đại nhưng vẫn trên nền của truyền thống. Có một bài “Đi tìm”, lấy chất liệu âm nhạc Mông, kể về một người bỏ phố lên núi đi tìm sự bình yên, tôi dùng sáo Mèo làm nhạc. Ngoài ra có một bài đương đại “Đi qua sợ hãi, đi qua ngập ngừng”, phối cho dàn dây kết hợp nhạc điện tử, rất thú vị. Tôi chia sẻ với cách nhìn về con người, nhân sinh quan, thế giới quan của giáo sư Phan Lê Hà. Và nó có sợi dây liên kết mạnh mẽ với âm nhạc của tôi.
- Hành trình từ “Quang”, “Song hành” đến “Hà Nội Duo” và bây giờ là “Nam Nhi”, sắp tới là “Nhìn lại”? Anh có nghĩ mình sẽ đi tới đâu trên hành trình đó?
+ Tôi muốn tạo ra một không gian âm nhạc kết nối truyền thống và hiện đại, phương Đông và phương Tây. Vừa qua, tôi cùng nhạc sĩ Nguyên Lê thực hiện một dự án khác kết hợp nhiều nghệ sĩ Việt Nam sống ở nước ngoài, kết hợp nhạc và xiếc với nhau, phần âm nhạc có Quang, Nguyên Lê, Trung Bảo, Alex Trần và đạo diễn Tuấn Lê của “À Ố Show” lo phần xiếc.
Một dự án rất thú vị quy tụ được những người Việt trẻ tài năng. Rõ ràng, chúng ta có rất nhiều cơ hội để phát triển, mảnh đất truyền thống rất màu mỡ. Những cây đàn của Việt Nam, đàn bầu, đàn tính, đàn môi rất độc đáo, nếu được trình diễn trong một không gian mới sẽ tạo ra những hiệu ứng thú vị hơn, hấp dẫn hơn.
- Có nhiều người đang đi con đường của Quang hay không?
+ Chúng ta có nhiều tài năng nhưng có vẻ như hướng đi của họ thiếu yếu tố đương đại. Chúng ta không chỉ làm công tác bảo tồn, vì không gian sống của các loại hình nghệ thuật đã thay đổi, không còn như xưa nữa. Bảo tồn chỉ phục vụ cho mục đích nghiên cứu. Còn để khán giả ngày nay và khán giả quốc tế thẩm thấu và hiểu được truyền thống thì cần sự thay đổi.
Chúng ta không thiếu người giỏi nhưng hướng đi và cách lựa chọn đưa âm nhạc dân tộc thế nào thì cần thời gian. Nhìn vào sự phát triển ở Việt Nam, hiện nay không có nhiều nghệ sĩ theo đuổi con đường này, họ nắm vững âm nhạc dân tộc nhưng thiếu tư duy âm nhạc đương đại. Nhưng chắc chắn, trong tương lai, mọi thứ sẽ thay đổi. Muốn kết nối với âm nhạc phương Tây không hề đơn giản, mình phải hiểu sâu về văn hóa Việt Nam, âm nhạc Việt Nam để không bị lai căng.
- Còn Quang, điều gì khiến anh kiên định với con đường của mình đến thế?
+ Tôi sang Hà Lan để học tư duy và cách tiếp cận âm nhạc. Khi ra nước ngoài, tôi càng hiểu hơn và yêu quý hơn âm nhạc dân tộc. Tôi luôn tự hỏi, chúng ta sẽ bảo tồn nó như thế nào? Hiện tại, tôi vẫn làm công việc bảo tồn, song song với việc sáng tạo và biểu diễn. Tôi vẫn có những work shop dài 1 tiếng, giới thiệu về âm nhạc dân tộc, chơi những bài cổ nhất, khán giả chủ yếu là những người làm công tác nghiên cứu và hiểu về văn hóa Việt Nam.
- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!
Theo vnca.cand.com.vn