(Cinet) - Không nên để âm nhạc truyền thống vào lồng kính và lưu giữ ở bảo tàng.
- 02.03.2017 Lưu Hồng Quang biểu diễn tại chương trình hòa nhạc đặt vé trước số 98
- 23.10.2017 Tài năng piano trẻ tuổi của Việt Nam Lưu Hồng Quang trình diễn cùng Dàn nhạc nổi tiếng thế giới
- 09.10.2010 Nghệ sĩ Piano trẻ Lưu Hồng Quang: Muốn được cống hiến ở chính quê hương
- 09.05.2018 Pianist Lưu Hồng Quang lại lập thành tích tại Italia
(Cinet) - Không nên để âm nhạc truyền thống vào lồng kính và lưu giữ ở bảo tàng.
Người ta thường nói Ngô Hồng Quang là chàng “ngây thơ” mang hồn cốt Việt ra thế giới. Thông qua các chuyến lưu diễn, anh đưa đưa âm nhạc truyền thống của dân tộc đến với nhiều quốc gia, với nhiều vùng đất và lan tỏa vẻ đẹp âm nhạc Việt qua một góc nhìn mới mẻ, qua những bản nhạc mang âm hưởng dân gian được hòa âm theo phong cách âm nhạc đương đại. Bởi với Quang, cùng với sự vận động của xã hội không thể để âm nhạc truyền thống vào lồng kính và lưu giữ ở bảo tàng mà cần sự lan tỏa và tiếp nối.
Sự kết hợp xuất sắc của nghệ sĩ hai thế hệ Nguyên Lê và Ngô Hồng Quang. Nguồn: NVCC |
Mới đây, cùng với nhạc sĩ Nguyên Lê, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang vừa có tên trong đề cử ở giải thưởng âm nhạc uy tín Tiếng vọng Jazz (ECHO Jazz 2018) của Đức qua màn kết hợp xuất sắc của nghệ sĩ hai thế hệ qua album Hanoi Duo.
Trong ngày 30/6 sắp tới, Quang sẽ cùng kết hợp với beat boxer Trung Bảo và ngũ tấu đàn dây trong đêm nhạc “Nam Nhi” tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội để tiếp tục mang đến góc nhìn mới về âm nhạc truyền thống tới công chúng thủ đô.
Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Ngô Hồng Quang về hành trình kết nối âm nhạc truyền thống với đương đại và đưa những tinh hoa đó vươn tầm quốc tế.
Người ta thường nói Ngô Hồng Quang là chàng “ngây thơ” mang hồn cốt Việt ra thế giới. Vậy động lực nào khiến anh gắn bó với âm nhạc truyền thống? Và đặc biệt là mang nghệ thuật truyền thống đến với năm châu?
Từ bé tôi đã có cơ duyên tiếp cận với âm nhạc truyền thống, động lực đầu tiên tôi nghĩ là do ông nội tôi, người đã đặt xuất phát điểm cho sự nghiệp âm nhạc của tôi. Tình yêu âm nhạc truyền thống được ông truyền cho bố tôi và bố tôi lại tiếp tục truyền tình yêu đó cho tôi.
Thứ hai, tôi thấy âm nhạc truyền thống của Việt Nam rất đẹp, rất hay nhưng lại không có nhiều người trẻ tham gia học tập và truyền bá vẻ đẹp đó tới quốc tế. Tôi cho đó là việc rất cần thiết, rất đáng làm. Quan trọng nhất là tôi tìm thấy được niềm hạnh phúc khi được sống trong không khí âm nhạc truyền thống, được chơi và lan tỏa tình yêu đó tới mọi người.
Tại Việt Nam cũng nhiều người làm, nhiều người kết nối âm nhạc truyền thống nhưng việc đưa âm nhạc truyền thống ra quốc tế thì lại chưa có nhiều. Có hai khía cạnh, một là ít người làm quá, hai là cần phải cho nhiều người nước ngoài và thế giới biết nhiều hơn về âm nhạc Việt Nam. Đó cũng là nguyên nhân tôi đi khắp nơi biểu diễn âm nhạc truyền thống của Việt Nam với nhiều hình thức khác nhau như làm work shop, biểu diễn cùng nhiều nghệ sĩ quốc tế…
Với Ngô Hồng Quang, cùng với sự vận động của xã hội không thể cho âm nhạc truyền thống vào lồng kính cho vào bảo tàng mà cần sự tiếp nối. Nguồn: NVCC |
Đến nhiều nơi, biểu diễn tại nhiều quốc gia, vậy anh thấy khán giả quốc tế đón nhận âm nhạc truyền thống Việt Nam như thế nào?
Rất nhiều người khi tôi biểu diễn không biết đó là âm nhạc Việt Nam. Nhưng khi tôi biểu diễn, sự đón nhận của khán giả rất tốt, bởi tôi kết hợp được hai thứ, một là truyền thống, hai là đương đại vào cùng với nhau. Sự kết hợp theo gu riêng của tôi, và ở đó, khán giả tìm thấy được âm nhạc truyền thống Việt Nam nằm trong sự hiện đại và rất hứng thú.
Hành trình kết nối âm nhạc Việt tới thế giới của Quang đã đi được “quãng đường” bao xa? Có lúc nào anh muốn dừng lại?
Tôi sẽ không bao giờ dừng lại. Dù có mệt mỏi cũng không bao giờ dừng lại. Hành trình của tôi cũng đã đi được đến nhiều nơi, mang âm nhạc truyền thống Việt Nam đến nhiều khán giả nhưng mới chỉ là bắt đầu, con đường phía trước còn dài. Việc cốt lõi chính là âm nhạc là cuộc sống của tôi. Dù đến lúc mình chùn chân mỏi gối, không thể tiếp tục thì mình sẽ làm bằng cách khác.
Mới đây anh vừa cho ra mắt album “Nam Nhi”, một hình thức đối thoại Đông - Tây với những bài hát giao duyên quan họ Bắc Ninh trên nền ngũ tấu đàn dây, lý do nào anh lại lựa chọn quan họ Bắc Ninh cho dự án âm nhạc lần này?
Tôi sinh ra ở Hải Dương, cũng gần Bắc Ninh, Bắc Giang. Những làn điệu dân ca rất quen thuộc đã được nghe từ lúc thơ bé, nhưng mình chưa có điều kiện để đi sâu vào văn hóa âm nhạc này. Vì vậy, tôi đã quyết định chọn dân ca quan họ Bắc Ninh vì giai điệu rất dễ nghe, nó như một dạng “nhạc pop truyền thống”. Không đơn thuần chỉ là các bài hát dân ca quan họ, tôi còn đưa vào đó một không gian nhạc mới qua sự hòa âm phối khí, trên nền nhạc diễn tấu dây của phương Tây, để có sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông – Tây.
Bên cạnh đó, tôi cũng làm ở mức độ không quá trừu tượng, để đông đảo công chúng dễ dàng thẩm thấu và nghe được.
Anh có gặp khó khăn gì khi ngày ngày vẫn nói tiếng Anh, rồi có một ngày lại vào phòng thu và rung lên điệu quan họ giao duyên?
Thật ra thì cũng có vấn đề khi mình nói tiếng Anh suốt mà không gặp người Việt nào, nhiều lúc cũng bị bỡ ngỡ khi sử dụng ngôn từ Tiếng Việt để giao tiếp, nhưng việc hát, việc biểu diễn âm nhạc Việt Nam thì không có gì bỡ ngỡ cả. Đó là hơi thở và cuộc sống của tôi.
Nếu được chia sẻ ý kiến để bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống trong giai đoạn hiện nay, Quang sẽ nói gì?
Dựa theo con đường tôi đang đi, tôi nghĩ rằng nó rất hữu ích, nó có giá trị và tôi nghĩ rằng nó đúng. Bởi âm nhạc truyền thống không thể giữ mãi, không thể cho vào lồng kính cho vào bảo tàng. Mọi thứ đều phát triển, đương nhiên việc sử dụng nó thế nào trong thời điểm hiện tại như tôi là câu hỏi rất lớn. Đó chính là việc kết nối giữa quá khứ và hiện đại, kết nối truyền thống với đương đại với nhiều hình thức khác nhau, như kết hợp với nhạc cụ, với nền âm nhạc của các quốc gia khác, đưa nó vào âm nhạc mới như “Nam nhi” chẳng hạn. Đó là một cách bảo tồn và phát triển theo tôi nghĩ là đúng đắn đối với một nghệ sĩ trẻ chơi âm nhạc truyền thống như tôi.
Xin Quang cho biết những dự định của mình trong tương lai gần với âm nhạc truyền thống?
Hiện tại tôi cũng đã xong đến 95% một album khác sau “Nam nhi” kết hợp với GS Phan Lê Hà. Album này cũng hoàn toàn là chất liệu dân gian nhưng là những sáng tác mới. Tôi tự sáng tác, tự hòa âm phối khí và sáng tác. Trong album này, chị Phan Lê Hà viết thơ và tôi sáng tác. Hai chị em cùng tạo cho nhau không gian sáng tạo để cùng phiêu du với âm nhạc truyền thống.
Thực hiện: Gia Linh