• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhân lực du lịch: Cần chấm dứt “nhu cầu một đằng, đào tạo một nẻo”

Du lịch 28/09/2017 12:47

(Tổ Quốc)- Nguồn nhân lực du lịch nhiều năm qua đã được đánh giá là đang ở tình trạng vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là khi Du lịch được định hướng phát triển là ngành kinh tế mũi nhọn. Vậy giải pháp nào để thay đổi tình trạng này?

Nhân lực du lịch: Còn nhiều điểm “yếu”

Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn xác định: Đến năm 2020, ngành du lịch sẽ đóng góp trên 10% GDP, tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Tuy nhiên, trong buổi làm việc mới đây với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, hiện nay, lao động trực tiếp trong ngành du lịch chỉ đạt khoảng 750.000 người, dự kiến tới năm 2020 đạt khoảng 870.000 người. So với mục tiêu đề ra là 1,6 triệu việc làm trực tiếp vào năm 2020, con số này vẫn có độ vênh khá lớn.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch hiện nay bị đánh giá là vừa thiếu về số lượng, yếu về ngoại ngữ, tin học; khả năng ứng xử, kỹ năng mềm, đạo đức nghề nghiệp còn hạn chế. GS.TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam đã chỉ ra con số: Hiện có khoảng 60% lực lượng lao động của ngành biết ngoại ngữ nhưng chủ yếu là tiếng Anh (42%), tỉ lệ biết tiếng Trung chỉ là 5%, tiếng Pháp là 4%... Trong đó, số lao động có khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ chỉ là 15%, và cũng chỉ tập trung chủ yếu ở bộ phận làm hướng dẫn viên du lịch, lễ tân khách sạn. Về trình độ công nghệ thông tin, có khoảng trên 60% lao động biết sử dụng máy tính, nhưng phần lớn chỉ đáp ứng những công việc đơn giản.

Trong khi đó, quy mô đào tạo chưa đủ lớn (khoảng 156 cơ sở đào tạo du lịch), năng lực đào tạo chưa đồng đều, ngành nghề đào tạo thiếu, phân bố cơ sở đào tạo chưa thật sự hợp lý; đội ngũ cán bộ giáo viên còn thiếu về số lượng, thiếu kinh nghiệm thực tế; thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở đào tạo và DN du lịch.

Đánh giá chất lượng nguồn nhân lực du lịch hiện là vấn đề lớn của ngành, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết. “Hiện nay, nhân lực ngành du lịch nhìn tổng thể đã đạt được trình độ nhất định, nhưng so với nhu cầu còn cách khá xa. Đặc biệt, tại các DN vừa và nhỏ, DN ở vùng sâu vùng xa, nguồn nhân lực hầu như chưa kinh qua đào tạo về nghề. Tình trạng 40% lao động trong ngành chưa kinh qua đào tạo nghề là một gánh nặng rất lớn. Chúng ta muốn cạnh tranh với thị trường khác, ngoài sự hấp dẫn của sản phẩm du lịch thì trình độ, dịch vụ của người lao động đóng vai trò hết sức quan trọng” –ông Bình thẳng thắn.

Cần chấm dứt “nhu cầu một đằng, đào tạo một nẻo”

Theo các chuyên gia du lịch, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cần có giải pháp đồng bộ và sự chung tay của các bên liên quan: từ cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý cho đến doanh nghiệp du lịch và sự nỗ lực của bản thân mỗi cá nhân người lao động. Tuy nhiên, điều quan trọng trước mắt là cần chấm dứt tình trạng “nhu cầu một đằng, đào tạo một nẻo”. Thực tế, theo các chuyên gia du lịch, thời gian qua, việc thiếu căn cứ thực tiễn trong dự báo nhu cầu xã hội đối với cấp đào tạo cơ sở gây nên tình trạng “thừa-thiếu” đầu vào giữa các chuyên ngành, trong đó có chuyên ngành du lịch tại các kỳ tuyển sinh, từ đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo.

GS.TS Đào Mạnh Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Đào tạo Du lịch Việt Nam cho rằng: “Chúng ta phải đổi mới cách đào tạo, phải lấy nhu cầu thiết thực của xã hội để đào tạo chứ không đào tạo đại trà. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo và DN du lịch cần có mối quan hệ mật thiết và có trách nhiệm với nhau. Trường đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ sở du lịch, do vậy các cơ sở du lịch cần đặt hàng với các cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo phải lấy tiêu chuẩn của VTOS, tiêu chuẩn của ASEAN và các tiêu chí văn hóa ẩm thực, văn hóa du lịch để đào tạo nguồn nhân lực đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu của xã hội”.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã yêu cầu Bộ VHTTDL đánh giá lại các trường đào tạo du lịch từ trung cấp đến đại học đang gặp khó khăn trong tuyển sinh, tìm hướng chuyển đổi mô hình đào tạo theo hướng kết hợp với những DN du lịch lớn, xây dựng chương trình chuẩn, sát với chuẩn đầu vào của DN; có phương pháp đào tạo đặc biệt để thu hút dành cho người đã học đại học ở các ngành khác nhưng chưa có việc làm. Đặc biệt, Chính phủ có chủ trương khuyến khích DN du lịch gắn bó mật thiết với cơ sở đào tạo, đồng thời tạo điều kiện để các DN du lịch, nhất là những tập đoàn tham gia sâu hơn vào công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, trong đó có thể thành lập các cơ sở đào tạo riêng, hoạt động không vì lợi nhuận.

Ông Vũ Thế Bình cho biết, trong thời gian tới, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ đi đầu trong việc tạo ra mối liên kết giữa DN và Nhà trường, trong đó sẽ tổ chức việc đào tạo văn bằng hai cho những cử nhân đã tốt nghiệp ĐH nhưng chưa có việc làm và có nguyện vọng làm việc trong ngành Du lịch. “Việc đào tạo này sẽ có sự phối hợp giữa DN du lịch và nhà trường, lấy thực hành làm chính nhằm đào tạo ra các chuyên gia du lịch vừa có chuyên môn cao vừa có nghề. Chủ trương Hiệp hội là lấy DN làm gốc, khuyến khích DN tổ chức các khóa đào tạo, thậm chí mở các trung tâm đào tạo để gắn học viên với cơ sở sử dụng họ. Đó cũng là hướng mà thế giới đang làm”- ông Bình cho biết./.

 

 

 

Lâm Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ