(Tổ Quốc) - Đây là địa bàn có lợi thế và có điều kiện để liên kết phát triển từ các “điểm du lịch” sang “Vùng du lịch”, xây dựng “thương hiệu điểm đến” chung cho cả Vùng.
- 25.09.2017 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự và chỉ đạo Diễn đàn Kinh tế miền Trung năm 2017
- 25.09.2017 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Tìm bước đột phá cho 'mặt tiền biển' của đất nước
- 25.09.2017 Con đường phát triển kinh tế miền Trung: Chọn du lịch, ô tô hay hóa dầu...?
- 25.09.2017 Tìm cách thay đổi kiểu “mạnh ai nấy làm”!
Miền Trung có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng đối với nền kinh tế nước ta; trong đó Vùng Duyên hải miền Trung (DHMT) gồm 9 tỉnh, thành phố là: TP Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Đây là miền “mặt tiền biển” của đất nước với chiều dài bờ biển gần 1.500 km, chiếm gần 50% chiều dài bờ biển của cả nước.
Theo ghi nhận, du lịch miền Trung thời gian qua phát triển mạnh, tuy nhiên vẫn mạnh theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, chưa liên kết để phát triển.
Tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung năm 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng ngày 25/9, nhiều đại biểu đã đề cập vấn đề này và mong các tỉnh trong vùng liên kết với nhau để phát triển thành “Vùng du lịch”, thành ngành mũi nhọn.
Khách du lịch tắm biển Đà Nẵng. Ảnh: Đ.H |
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Vùng Duyên hải miền Trung có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển. Với “mặt tiền” hướng ra biển Đông, đường bờ biển dài hơn 1.200km, có nhiều bãi biển và phong cảnh đẹp, là tài nguyên du lịch đẳng cấp quốc tế, Vùng có lợi thế to lớn để phát triển kinh tế, nhất là trong thời đại mở cửa – hội nhập quốc tế.
Mở cửa – hội nhập được coi là năng lực phát triển “tự thân” và phát triển nhu cầu tự nhiên của Vùng. Nhưng để Duyên hải miền Trung phát triển thực sự thì năng lực đó cần có thêm hàng loạt điều kiện và năng lực khác, đủ để chuyển hóa thành thực lực phát triển.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù các tỉnh đều nỗ lực tối đa để tận dụng lợi thế của mình, cho đến nay, vì nhiều lý do, các lợi thế đó vẫn chưa phát huy hiệu quả.
Vùng có tiềm năng lớn về phát triển du lịch nghỉ dưỡng (chiếm phần lớn các dự án khu nghỉ mát biển của cả nước) và di sản thế giới: Trung Bộ chiếm 6/7 di sản thế giới tại Việt Nam. Cố đô Huế, Đô thị cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn cùng với các bãi biển đẹp – Lăng Cô, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang – là những tài nguyên du lịch hàng đầu thế giới.
“Du lịch miền Trung oai hùng nhất cả nước. Nhưng nội dung chính của du lịch miền Trung chủ yếu là…đi tắm thôi. Chúng ta cần có tổng kết du khách đi tắm có bao nhiêu phần trăm tiền du lịch ở đây? Giá trị gia tăng cho du lịch của chúng ta rất thấp. Như Đà Nẵng là cấu phần cơ bản của du lịch hướng tới thu nhập cao, đẳng cấp cao, nhưng vẫn thiếu…”, PGS.TS. Trần Đình Thiên cho biết.
Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên, tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch đẳng cấp cao của miền Trung là không cần bàn cãi. Trong khi Nhà nước đã xác định “du lịch là ngành mũi nhọn” của cả nền kinh tế thì hơn bất cứ Vùng nào khác, cần tập trung định vị tư cách ngành này cho Vùng DHMT.
“Ngành mũi nhọn là gì? Đi đầu – dẫn dắt phát triển hay chỉ là đi trước – mở đường? Du lịch có đi đầu – dẫn dắt hay mở đường được không? Quan hệ tương quan của du lịch với Công nghiệp, Nông nghiệp là thế nào? Các điều kiện, yếu tố đảm bảo cho Du lịch là ngành mũi nhọn là gì?..Với tất cả ưu thế nổi trội và thành tích phát triển ấn tượng của du lịch thời gian qua, miền Trung xứng đáng và cần được giao trọng trách thực hiện chương trình quốc gia xây dựng và phát triển du lịch thành ngành mũi nhọn” , TS.Trần Đình Thiên cho biết.
Điểm du lịch Ghềnh Đá Đĩa (Phú Yên). Ảnh: Đ.H |
Trong lúc đó, PGS.TS Nguyễn Đình Hiền nhận định, cho đến nay, giữa các tỉnh miền Trung đã có liên kết, hợp tác, xúc tiến trong phát triển du lịch, nhưng hoạt động liên kết mới chỉ dừng lại ở tổ chức sự kiện cụ thể.
Việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch và xúc tiến du lịch chủ yếu chỉ dừng lại ở nguyên tắc, hình thức và chưa phát huy được nhiều trong thực tế. Chưa làm nổi bật hình ảnh điểm đến miền Trung hay nói cách khác là chưa phát triển được thương hiệu du lịch Vùng để thu hút khách đến với Vùng.
“Trên thực tế, chính quyền và nhân dân trong Vùng đã chủ động khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, liên kết sử dụng các nguồn lực, từng bước ứng dụng cơ hội của Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để phát triển ngành du lịch. Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Vùng, các địa phương cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó cần quán triệt tốt về mặt quan điểm, nâng cao nhận thức và hành động, đồng thời triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp liên kết vùng”, TS Nguyễn Đình Hiền cho hay.
Theo TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm tư vấn phát triển Vùng DHMT, để du lịch thực sự thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và theo Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 của Chính phủ, đề nghị Chính phủ giao Bộ VHTTDL phối hợp với Ban điều phối Vùng xây dựng và triển khai thực hiện “Chương trình phát triển Du lịch miền Trung trở thành ngành mũi nhọn”.
“Đây là địa bàn có lợi thế và có điều kiện để liên kết phát triển từ các “điểm du lịch” sang “Vùng du lịch”, xây dựng “thương hiệu điểm đến” chung cho cả Vùng”, TS Trần Du Lịch cho hay.
Đức Hoàng