• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhân lực du lịch và khả năng phục hồi điểm đến: Đào tạo cần bắt kịp xu thế thực tiễn trong tình hình mới

Du lịch 16/05/2022 19:51

(Tổ Quốc) - Nhân lực du lịch chính là yếu tố quyết định đến sự hưng thịnh của du lịch. Để rồi sau chính sách mở cửa 15/3, khi nhân lực thiếu hụt, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực du lịch lại được xem trọng hơn bao giờ hết.

Nhân lực du lịch và đào tạo khả năng phục hồi điểm đến: Đào tạo cần bắt kịp xu thế thực tiễn trong tình hình mới - Ảnh 1.

Thạc sĩ Chu Khánh Linh, Phó Trưởng khoa Du lịch (Trường ĐH Văn hóa TPHCM) dự báo: "Từ ngày 15/3/2022, hoạt động du lịch mở cửa lại trong điều kiện bình thường mới, các doanh nghiệp du lịch đang có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực nhằm tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao và hoàn thiện các sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch. Các vị trí đang được tuyển dụng hiện nay: Nhân viên làm việc tại các Công ty tàu biển quốc tế, tàu du lịch trên sông; Nhân viên Marketing và thiết kế sản phẩm du lịch; Đội ngũ hướng dẫn du lịch có tay nghề cao; Nhân viên phục vụ tại các cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm và khu du lịch,....",

PGS.TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học (Trường Đại học KH XH & NV- ĐHQG Hà Nội) cho rằng, các trường muốn thu hút lượng sinh viên theo học ngành du lịch như trước đây cần chỉ rõ cho người học thấy nhu cầu thực tế về nhân sự ngành du lịch và khách sạn là rất lớn, đặc biệt là sự thiếu hụt nhân sự sau đại dịch Covid-19. Song hành là cần thực hiện truyền thông quảng bá tích cực trên các kênh thông tin và nền tảng mạng xã hội của Khoa như Website, Fan Page Facebook, Youtube, Tiktok, Linkedin, Instagram... Đồng thời cần tiến hành chương trình đại sứ sinh viên (mỗi sinh viên là một đại sứ thương hiệu) nhằm thực hiện công tác tuyển sinh được tốt.

Nhân lực du lịch và đào tạo khả năng phục hồi điểm đến: Đào tạo cần bắt kịp xu thế thực tiễn trong tình hình mới - Ảnh 2.

Mô hình phục hồi du lịch Việt Nam của McKinsey. Ảnh: VGP

Thạc sĩ Chu Khánh Linh, Phó Trưởng khoa Du lịch (Trường ĐH Văn hóa TPHCM) cũng cho biết, nhiều năm qua, Khoa Du lịch cũng có nhiều đổi mới "kích cầu" sinh viên theo học ngành du lịch, đào tạo gắn với thực tiễn. Cụ thế như thành lập bộ phận chuyên trách để tăng cường gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp du lịch và tư vấn giới thiệu việc làm cho sinh viên của Khoa. Từ đó, sinh viên năm 3, năm 4 khi đi thực tập cuối khóa và ra trường làm việc sẽ đáp ứng được nhu cầu về nhân lực cho ngành du lịch trong giai đoạn phục hồi. Đồng thời phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức các chương trình thực tế cập nhật các điểm tuyến mới, giúp sinh viên trải nghiệm các loại hình du lịch phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó có việc mời doanh nghiệp tham gia vào xây dựng, góp ý sửa đổi các chương trình đào tạo cho nhà trường nhằm cập nhật nhu cầu về nhân lực của thị trường du lịch, tham gia giảng dạy cũng như hướng dẫn sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp.

"Trong tương lai, dự kiến của Khoa Du lịch là sẽ quốc tế hóa chương trình đào tạo thông qua việc liên kết với các cơ sở đào tạo uy tín ở Thái Lan, Hàn Quốc, Ba Lan để đào tạo các chương trình cử nhân. Đào tạo liên kết giúp người học được công nhận các tín chỉ, khối kiến thức học tập ở nước ngoài, nâng cao khả năng sử dụng ngoại ngữ chuyên ngành và cập nhật xu hướng đào tạo quốc tế.", Thạc sĩ Chu Khánh Linh thông tin.

Nhân lực du lịch và đào tạo khả năng phục hồi điểm đến: Đào tạo cần bắt kịp xu thế thực tiễn trong tình hình mới - Ảnh 3.

Nhiều chương trình kích cầu sinh viên theo học ngành du lịch đã được nhiều cơ sở tạo du lịch triển khai. Ảnh: UEF

Bên cạnh các trường đào tạo, những CLB – Diễn đàn "giữ lửa" tình yêu nghề du lịch vẫn có những hoạt động hữu ích. Đơn cử như Diễn đàn Nhân lực Du lịch (TWF Travel) thường xuyên tổ chức các buổi đào tạo và giao lưu với sinh viên để nâng cao chất lượng nhân lực trong từng chuyên ngành cụ thể. Về nghề hướng dẫn viên có khóa đào tạo ngắn hạn (2 - 3 tháng) theo phân cấp với các chuyên đề, kiến thức và kỹ năng cụ thể để sinh viên, hướng dẫn viên mới có thể ứng dụng ngay (tuyến Phan Thiết – Nha Trang, tuyến Đà Lạt, tuyến Tây Nguyên, xa hơn là Bắc Trung Bô, miền Bắc). Bên cạnh đó là các lớp ngắn hạn (3 buổi) và giao lưu hàng tuần với sinh viên để cập nhật kiến thức, cùng trao đổi chuyện nghề, kỹ năng xử lý tình huống trên tour.

Về nghề tư vấn và kinh doanh tour du lịch, TWF Travel hướng dẫn sinh viên qua lối "thực chiến" – các bạn được tham gia vào quy trình xây dựng chương trình du lịch, đàm phán với khách hàng, triển khai và thực hiện tour. Đặc biệt, sinh viên được đào tạo cung cấp dịch vụ cho khách hàng gắn với hai tiêu chí: "Tận hưởng giá trị riêng" và "Du lịch có trách nhiệm" – từ đó góp phần vào việc nâng cao trải nghiệm dịch vụ của khách hàng và nâng cao giá trị ngành du lịch Việt Nam.

Anh Vũ Nguyễn Minh Trí, Chủ nhiệm Diễn đàn Nhân lực Du lịch, cho biết việc xác lập thái độ và định hướng lộ trình nghề nghiệp cho sinh viên hiện nay là vô cùng cần thiết. Ngành du lịch "mở cửa" cùng với các xu hướng du lịch mới xuất hiện, biến đổi liên tục thì các vị trí nghề nghiệp trong ngành cũng "không biên giới".

Trong các buổi gặp gỡ hoặc trên tour nhận thức về nghề của sinh viên, tôi luôn nhấn mạnh đến thái độ sẵn sàng làm việc (Can do attitude) và mong muốn học hỏi (Willing to learn). Covid-19 như một nút "restart"- khởi động lại cho ngành du lịch, dù bạn là công ty lớn hay nhỏ, dù bạn là người nhiều năm kinh nghiệm hay mới ra trường, cơ hội luôn ở đó cho những người biết nắm bắt. Sinh viên có thể "biến nguy thành cơ" nếu ngay bây giờ xác lập cho mình một thái độ học tập và rèn luyện đúng đắn, phù hợp với yêu cầu mới của ngành.

Nhân lực du lịch và đào tạo khả năng phục hồi điểm đến: Đào tạo cần bắt kịp xu thế thực tiễn trong tình hình mới - Ảnh 4.

HDV Lê Minh Trực đang tất bật chạy show từ tháng 3 đến nay, phải từ chối nhiều đoàn do không đủ nhân lực thực hiện. Ảnh: NVCC

"Nhu cầu của du khách hiện tại không chỉ là những chương trình tham quan thuần túy hoặc "góp nhặt" mỗi thứ một ít để phù hợp với số đông của đoàn khách, mà theo hướng "may đo" (tailor-made) để thỏa mãn nhu cầu cụ thể nào đó của khách hàng, giúp họ tạo nên sự khác biệt." Vũ Nguyễn Minh Trí cho biết.

Theo PATA, khả năng phục hồi điểm đến du lịch (TDR) vừa là một quá trình vừa là kết quả cho phép các điểm đến du lịch chịu được nghịch cảnh và bật lên sau các cuộc khủng hoảng và thảm họa. Để một điểm đến du lịch bền vững, trước tiên nó phải có khả năng phục hồi. Nếu một điểm đến du lịch không có khả năng phục hồi, nó không bao giờ có thể bền vững. Cốt lõi của TDR là các khái niệm về đánh giá rủi ro, quản lý rủi ro và năng lực thích ứng.

Có năm khía cạnh của TDR: 1.Môi trường, 2.Sức khỏe và An toàn, 3. Cộng đồng, 4. Kinh tế và 5. Du khách. TDR nên được coi là một phần nỗ lực của toàn cầu để xử lý rủi ro tốt hơn trước. Tất cả các bên liên quan phải tham gia vào quá trình xây dựng khả năng phục hồi. Trong đó không thể xem nhẹ vai trò của các cơ sở giáo dục.

Để cộng đồng có thể tham gia phát triển du lịch, đủ khả năng tự quyết định và tìm giải pháp cho các vấn đề của mình, trước tiên họ cần được tiếp cận với kiến thức, giáo dục và các nguồn lực. Chúng ta nên xem xét việc tích hợp các kiến thức, kĩ năng về khả năng phục hồi điểm đến (TDR) trong các chương trình đào tạo và giáo dục chính quy. Đảm bảo đưa đào tạo và nâng cao nhận thức về thảm họa vào trong chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp; giáo dục đại học và nơi làm việc. Đó là việc xây dựng và duy trì khả năng tự quản lý rủi ro của người dân, các cơ quan và tổ chức xã hội. Điều này không chỉ đòi hỏi đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật chuyên ngành mà còn phải tăng cường năng lực của cá nhân và cộng đồng để nhận biết và giảm thiểu rủi ro tại địa phương của mình. Đầu tư vào việc đào tạo và phát triển năng lực để củng cố và nâng cao các kỹ năng này sẽ giúp điểm đến đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững. Đồng thời là nền tảng để các bên liên quan thích ứng và phục hồi sau những thách thức lớn mà vẫn đảm bảo hoạt động không bị đứt đoạn.

Nhân lực du lịch và đào tạo khả năng phục hồi điểm đến: Đào tạo cần bắt kịp xu thế thực tiễn trong tình hình mới - Ảnh 5.

Sinh viên Đại học Văn hóa TPHCM đang thực hiện thuyết minh du lịch. Ảnh: ĐH Văn hóa TPHCM

"Phát triển năng lực trên bao gồm việc chuyển giao công nghệ bền vững, trao đổi thông tin, phát triển mạng lưới, kỹ năng quản lý, liên kết chuyên môn và các nguồn lực khác. Đây là cơ hội để các cơ sở giáo dục có thể hợp tác với các bên liên quan nhằm duy trì phát triển khả năng phục hồi điểm đến du lịch thông qua việc tổ chức các lớp học hỗ trợ nâng cao năng lực, duy trì năng lực và tư vấn cho các điểm đến du lịch phát triển bền vừng.", NCS – Thạc sĩ Võ Hồng Sơn nói.

... (Còn tiếp)



Hà Kiều

NỔI BẬT TRANG CHỦ