(Tổ Quốc) - Chiều 20/6, việc khoan thăm dò để tìm cách khắc phục sự cố rãnh thoát nước hạ lưu hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) bị đổ gãy với chiều dài 200m đã được hoàn tất.
Hồ Núi Cốc nguy hiểm trước mùa mưa lũ
Được xây dựng từ năm 1972, Đập hồ Núi Cốc với kết cấu 1 đập chính và 6 đập phụ do Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư. Sau hơn 40 năm đưa vào sử dụng, đầu năm 2014 khu vực đập chính bắt đầu có những vết thấm nhỏ, tuy nhiên không nguy hiểm.
Tháng 4/2017, hiện tượng thấm nước bắt đầu xuất hiện ở nhiều vị trí và lan rộng hơn. Ở rãnh thoát nước hạ lưu đập, tại cao trình 32m và 42m bị đổ gãy nhiều dài 200m làm tụt các tấm lát mái. Ở vai bờ tả phía hạ lưu, từ cao trình 45m đến 46m có hiện tượng thấm nhỏ. Gây nguy hiểm cho hàng ngàn hộ dân khu vực hạ lưu nếu sự cố ập đến.
“Khi phát hiện sự cố ngày càng lớn chúng tôi đã báo cáo lên Sở NNPTNT tỉnh để sở báo cáo lên Bộ và mời các chuyên gia về đánh giá. Thời điểm hiện tại chưa vào mùa mưa lũ, lượng nước còn ít nên sẽ không thể xảy ra sự cố. Tuy nhiên, nếu không sửa chữa thì nguy cơ vỡ đập vào mùa mưa lũ là rất cao”- ông Nguyễn Công Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi tỉnh Thái Nguyên cho biết.
Nếu xảy ra sự cố vỡ đập chính hồ Núi Cốc nguy cơ sẽ ngập vùng hạ du gồm: TP Thái Nguyên, TP Sông Công, thị xã Phổ Yên, huyện Phú Bình và một phần của tỉnh Bắc Giang.
Vị trí đặt mũi khoan thăm dò tại hồ Núi Cốc |
Đẩy nhanh công tác khắc phục sự cố
Trong quá trình khảo sát và đánh giá của các chuyên gia, tổ tư vấn thiết kế. Đầu tháng 6, nhà chức trách tỉnh Thái Nguyên quyết định phương án sửa chữa ban đầu là khoan phụt để chống thấm, đảm bảo an toàn cho đập chính.
“Còn về lâu dài, chúng tôi đã khoan thăm dò để gửi kết quả cho các chyên gia tiếp tục đóng góp ý kiến sửa chữa. Việc khoan thăm dò hiện đã hoàn tất”- ông Thịnh cho hay.
Sau cuộc họp ngày 19/6 của đoàn công tác Bộ NNPTNT với UBND tỉnh Thái Nguyên, phương án sửa chữa chính thức chưa được chốt. “Tuy nhiên có phương án phụ đã được UBND tỉnh xây dựng nhiều năm là trong trường hợp cần thiết sẽ phá đâp phụ số 5 để giữ đập chính. Khu vực này dân cư thưa thớt nên sẽ giảm thiểu tối đa được thiệt hại”- ông Thịnh nói.
Trong trường hợp xấu xảy ra, ưu tiên số 1 là di dời dân cư khu vực xung quanh đến nơi an toàn. Tiếp đến là đảm bảo hết mức có thể tài sản, hoa mầu của nhân dân. Trước đó, UBND tỉnh Thái Nguyên đã quyết định công bố tình trạng khẩn cấp đập chính hồ Núi Cốc vào ngày 14/6.
Bên cạnh đó, cũng đã tổ chức trực 24/24h tại khu vực xảy ra sự cố để theo dõi diễn biến. Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi tỉnh Thái Nguyên làm chủ đầu tư phối hợp với các đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi là Tổng công ty Tư vấn xấy dựng thủy lợi Việt Nam. Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án trong giai đoạn xử lý cấp bách dự kiến là 47 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện trong khoảng 45 ngày, xong trước ngày 20/8/2017 để kịp tích nước hồ phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho nhân dân khu vực xung quanh. Các Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cùng phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan bố trí kinh phí, thủ tục đầu tư để sớm khắc phục sự cố.
Nguyễn Hoàng