• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhật ký nghị trường: Quốc hội khóa XIV để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân

Thời sự 26/03/2021 17:07

(Tổ Quốc) - Đó là một trong những nhận định được các đại biểu Quốc hội đưa ra sau khi lắng nghe Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội tại ngày làm việc thứ ba (26/3), Kỳ họp thứ 11.

Bước vào ngày làm việc thứ ba, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã thảo luận về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Nhật ký nghị trường: Quốc hội khóa XIV thực sự để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành nội dung làm việc.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều tán thành với các nội dung trong dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Các ý kiến đều cho rằng, các dự thảo báo cáo đã đánh giá, phân tích đầy đủ, toàn diện và sâu sắc về các mặt trong công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội từ những mặt đạt được, mặt còn hạn chế và những bài học kinh nghiệm rút ra để Quốc hội khóa tới hoạt động hiệu quả hơn.

"Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân tích và làm đậm nét những kế quả đạt được cũng như thẳng thắn chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, từ đó đúc rút ra những bài học, kinh nghiệm quý liên quan đến hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong nhiệm kỳ qua. Quốc hội khóa XIV thực sự để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân và đã hoạt động thực sự vì nhân dân", đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) nhận định.

Nhật ký nghị trường: Quốc hội khóa XIV thực sự để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân - Ảnh 2.

Đại biểu Ngô Sách Thực (đoàn Bắc Giang) tại phiên thảo luận.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng, những đổi mới trong hoạt động Quốc hội thời gian qua đã mang lại những hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao chất lượng công tác lập pháp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Quốc hội đã ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, hoạt động với tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán...

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được trong hoạt động lập pháp, một số ý kiến cho rằng, hoạt động lập pháp cũng còn những hạn chế nhất định như chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn phải điều chỉnh nhiều; một số dự án, dự thảo được đưa vào chương trình nhưng chính sách chưa rõ, chưa đánh giá tác động sâu sắc; một số báo cáo thẩm tra còn có nội dung chưa thể hiện rõ quan điểm, chưa cung cấp đầy đủ luận cứ phục vụ việc xem xét, lựa chọn phương án đối với vấn đề còn có ý kiến khác nhau…

Góp ý kiến đối với các dự án luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) mong muốn cần sớm khắc phục tình trạng gửi tài liệu muộn khi lấy ý kiến góp ý của đại biểu đối với các dự án luật. Đồng thời, đại biểu đề nghị nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động lấy ý kiến đóng góp trực tuyến, bảo đảm có càng nhiều ý kiến đóng góp của các đối tượng chịu tác động của luật càng tốt.

Nhật ký nghị trường: Quốc hội khóa XIV thực sự để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân - Ảnh 3.

Toàn cảnh phiên họp.

Về hoạt động giám sát, một số ý kiến đại biểu đề nghị cần quan tâm nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng tham nhũng chính sách.

Theo một số đại biểu, hoạt động giám sát vẫn còn những hạn chế như: Hiệu quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, nhất là văn bản quy định chi tiết thi hành luật. Việc giám sát chưa toàn diện, nhiều lĩnh vực bị "bỏ ngỏ" như lĩnh vực dân tộc, thiểu số miền núi. Giám sát của Quốc hội, các cơ quan của của Quốc hội chưa được thực hiện ở những việc vụ lớn nổi cộm, bức xúc dư luận; việc giám sát cá nhân của đại biểu Quốc hội chưa được thực hiện nhiều; chưa có cơ chế xác định bổn phận và trách nhiệm và điều kiện thực hiện giám sát của cá nhân.

Đánh giá cao các ý kiến thảo luận tâm huyết của các đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, sau phiên họp hôm nay Ban Chỉ đạo công tác các cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện Báo cáo công tác của Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XIV và thể hiện đầy đủ trong Nghị quyết của Quốc hội về nội dung tổng kết nhiệm kỳ./.

Lê Chung (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ