(Tổ Quốc) - Nhiều ý kiến cho rằng thời gian tới quỹ bảo trì thu chung với phí quản lí, và việc thu phí này để tránh tiêu cực thì chỉ thu khi nào dự án bàn giao, cư dân vào ở thì thu theo thực chi số tiền đã bảo trì.
Nhiều tranh chấp về nhà ở chung cư đang diễn ra. Ảnh H.K |
Ngày 30-8, tại Hội nghị đối thoại Doanh nghiệp và Chính quyền TP, với nội dung giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng và kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) và Sở Xây dựng TP.HCM, tổ chức, nhiều ý kiến xung quanh vấn đề vận hành nhà cung cư đã được nêu ra. Đặc biệt vấn đề quản lí, sử dụng phí bảo trì giữa chủ đầu tư và Ban quản trị (BQT) vẫn còn nhiều vấn đề tranh cãi.
Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: Thời gian qua vấn đề xung đột giữa cư dân, chủ đầu tư, khách hàng… ở các dự án nhà chung cư xuất hiện nhiều hơn. Đây là hệ lụy khi TP đang có tốc độ đô thị hóa nhanh và sản phẩm chung cư được đưa vào sử dụng nhiều. “Trước đây nhà chung cư chỉ chiếm 3-10% trong tỉ lệ nhà xây mới mới, thì 5 năm gần đây tỉ lệ này đã chiếm 25%. Theo quy hoạch chắc chắn tỉ lệ và con số này sẽ tăng trong thời gian tới. Bên cạnh nhiều dự án vận hành quản lí tốt thì việc tăng nhanh sẽ xảy ra nhiều hạn chế, tồn tại. Xuất hiện nhiều mâu thuẩn tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân, ban quản trị” – ông Tuấn nói.
Tiếp theo câu chuyện này ông Nguyễn Văn Đồi, Tổng Giám đốc Công ty Thảo Điền Pearl, cho biết trong khi thực hiện chủ trương của TP là nhanh chóng bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị (BQT) nhưng BQT hiện nay không chịu nhận dù họp nhiều lần vì chưa có con dấu, chưa đủ điều kiện vận hành. Ông Đồi cũng thắc mắc pháp nhân của BQT cũng như quy định thành lập con dấu theo quy định pháp luật. “Nếu số tiền lớn vài chục đến vài trăm tỉ đồng thì ai sẽ chịu trách nhiệm khi BQT chưa có tư cách pháp nhân, việc sử dụng đúng mục đích hay không?” – ông Đồi đặt vấn đề. Cũng theo ông Đồi thì thời gian trước cũng vì muốn giữ quỹ bảo trì mà đã có cư dân thuê sinh viên căng băng rôn, gây sức ép, yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì. Nhưng khi có BQT lập ra thì có người lại cảm thấy công việc của BQT quá sức.
Đại diện Sở Xây dựng, cho biết theo Thông tư 02 mới đây thì con quỹ bảo trì chỉ bàn giao khi có con dấu. Theo Thông tư này thì BQT không có quyền tự ý quyết định sử dụng quỹ, mà do hội nghị nhà chung cư quyết định. BQT cũng không được lập ra ban bệ nào, không có thủ quỹ, kế toàn. Khi Ban quan trị có con dấu, thì mở tài khoản rồi chủ đầu tư chuyển quỹ này sang tài khoản của Ban quan trị chứ không được rút tiền mặt. Nếu muốn sử dụng thì làm dự toán, thông qua hội nghi chọn nhà thầu mới ký, và chuyển khoản từ tài khoản BQT sang cho đơn vị cung cấp…
Tuy vậy, theo lãnh đạo Sở Xây dựng thì chính Hội nghị nhà chung cư, chính cư dân là người giám sát Ban quản trị, nếu họ làm sai thì bãi nhiệm. Thành viên BQT nếu tranh chấp thì xử lý theo quy chế hoạt động do Hội nghị nhà chung cư ban hành….
Nói về quỹ bảo trì, đại diện Công ty Phúc Khang, cũng cho rằng hiện nay có nhiều chủ đầu tư cố tình chiếm dụng quỹ bảo trì, đổi tên doanh nghiệp rồi biến mất làm cho cư dân, khách hàng bị thiệt hại… Vì vậy, Bộ Xây dựng nên ủy quyền để Sở Xây dựng làm đơn vị trung gian, lập tài khoản để giữ quỹ bảo trì của tất cả các dự án ngay khi đủ điều kiện bàn giao nhà. Tiền lãi phát sinh này sẽ khoanh lại theo từng dự án để đến khi dự án có Ban quản trị, đủ điều kiện quản lí quỹ bảo trì thì sở sẽ chuyển qua. Chứ nếu trích thu quỹ ngay từ ban đầu của khách hàng là bất hợp lý.
Theo ông Tuấn, phần lớn nhà chung cư có nhiều tranh chấp về vận hành, quản lý chủ yếu ra đời theo Nghị định 90 của Chính phủ, dựa trên thiết kế cơ sở của chủ đầu tư, giao quyền cho chủ đầu tư trong việc thực hiện các chức năng hậu kiểm…. nên tính chuyên nghiệp, năng lực hậu kiểm không đảm bảo, xảy ra nhiều vấn đề bất hợp lý. Thời gian tới sẽ phải tích cực khắc phục những mâu thuẫn trên để người mua nhà an tâm hơn.