(Tổ Quốc) - Nhiều địa phương đã sẵn sàng cho việc mở cửa du lịch nội địa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát.
An toàn đến đâu, mở cửa đến đó
Theo chủ trương thích ứng an toàn với dịch bệnh, du lịch cần từng bước phục hồi, kích hoạt trở lại cả du lịch nội địa và quốc tế. Tổng cục Du lịch cho biết, việc khôi phục lại hoạt động du lịch sẽ được thực hiện tại các khu vực có nguy cơ thấp "cấp 1- điểm đến an toàn", tiến tới "kết nối các điểm đến an toàn cho du lịch", với lộ trình phù hợp, từng bước chắc chắn, có kiểm soát trong điều kiện thích ứng chủ động, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đồng thời, tận dụng tốt các cơ hội an toàn nhằm sớm phục hồi hoạt động du lịch và các dịch vụ liên quan trên tinh thần vừa làm vừa hoàn thiện, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
Cũng theo Tổng cục Du lịch, yếu tố an toàn là điều kiện tiên quyết để tái khởi động ngành du lịch trong bối cảnh bình thường mới. Đây cũng là tiêu chí được đưa vào trong tất cả các hoạt động du lịch với phương châm "an toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn". Lộ trình mở cửa cần thực hiện theo từng giai đoạn từ du lịch nội tỉnh, du lịch nội địa đến du lịch quốc tế.
Để tái khởi động du lịch nội địa, Tổng cục Du lịch đã đề ra lộ trình mở cửa du lịch an toàn, cụ thể. Trong đó, ngay từ tháng 10 này, cần tổ chức tập huấn các quy định, biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19, quy trình đón và phục vụ khách du lịch, ban hành tiêu chí dịch vụ du lịch an toàn. Xác định điểm đến an toàn; kết nối các điểm đến an toàn và triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông. Chuẩn bị phương án, nguồn lực dự phòng cho các sự cố, rủi ro....
Triển khai đón khách nội tỉnh gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng chống dịch. Đánh giá hiệu quả, quy trình bảo đảm an toàn, đúc rút kinh nghiệm.
Từ tháng 11/2021 triển khai đón khách nội địa từ các địa phương đã kiểm soát được dịch Covid-19 gắn với quy trình phòng chống dịch an toàn, bảo đảm sự linh hoạt, thuận lợi cho khách du lịch; xác định điểm đến an toàn với các yêu cầu liên quan về tiêm vắc xin, xét nghiệm RT-PCR/test nhanh, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, khai báo y tế, quét mã QR, ứng dụng PC-Covid).
Thí điểm đón khách quốc tế vào Phú Quốc từ tháng 11/2021- 3/2022 và đánh giá hiệu quả, đúc rút kinh nghiệm, điều chỉnh mô hình thí điểm phù hợp yêu cầu thực tiễn. Sau đó mở rộng thí điểm đón khách quốc tế ra một số điểm đến khác đáp ứng yêu cầu từ tháng 12.2021- 6.2022 như Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng). Có thể mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách quốc tế từ tháng 6/2022.
Cần thống nhất quy định, kết nối các địa phương
Hiện nay, nhiều địa phương đã chủ động tái khởi động du lịch. Một số địa phương chuẩn bị đón đầu việc đón khách quốc tế nhưng chủ yếu vẫn là triển khai đón khách du lịch nội tỉnh.
Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch thứ 4 của đại dịch Covid-19 nhưng TP HCM cũng là địa phương tái khởi động du lịch nội tỉnh sớm trong cả nước với tour du lịch Cần Giờ tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch. Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, tỉ lệ người dân TP HCM đã tiêm 2 mũi vắc-xin là 60%, trong đó tỉ lệ của lao động ngành du lịch trên 70%. TP HCM đã sẵn sàng để thực hiện mở cửa du lịch liên tỉnh vào tháng 11, và đón khách quốc tế sau Phú Quốc vào đầu năm 2022.
Nhiều tỉnh đã mở cửa du lịch nội tỉnh như Quảng Ninh, TP HCM, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Binh... Tuy nhiên, để mở cửa du lịch liên tỉnh, theo ý kiến từ các địa phương, cần thống nhất các quy định, tiêu chí về đảm bảo an toàn, cách ly…
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Du lịch Lâm Đồng cho biết, tái khởi động du lịch là rất cần thiết, tuy nhiên doanh nghiệp du lịch sẽ gặp khó khăn nếu các tiêu chí khác nhau. Các địa phương cần công bố các dịch vụ, các điểm được đón khách của tỉnh để các địa phương khác chọn điểm đến an toàn cho vào lịch trình tour.
Ông Đặng Đông Hà – Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết: Mỗi địa phương quy định việc trở về và cách ly khác nhau thì rất khó khăn trong việc thực hiện chính sách tái khởi động du lịch nội địa. Cần đề nghị Bộ Y tế ban hành tiêu chí an toàn cho cả nước, và thực hiện thống nhất. Ngoài ra, các địa phương phải liên kết, thực hiện "luồng xanh" cho khách du lịch để các địa phương an toàn đến với nhau.
Đồng quan điểm, ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở VHTTDL Bình Thuận cho biết, địa phương chưa biết đón khách giữa các tỉnh thế nào. Cần xây dựng mô hình để các địa phương học tập và hỗ trợ lẫn nhau
Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Sở VHTTDL Tây Ninh cũng chia sẻ quan điểm, không thể đi du lịch mà mỗi địa phương có chính sách khác nhau. Nếu mở cửa mà mỗi địa phương có quy định khác nhau thì không thực hiện được.
Cũng theo ý kiến của các sở quản lý du lịch cho thấy tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 hiện nay chưa đồng đều, có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương. Có những tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao như Kiên Giang, Quảng Ninh, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh...
Các đại biểu cũng đề xuất cần tiến tới xây dựng một bộ tiêu chí chung trên toàn quốc về thẻ xanh (dành cho người đã tiêm đủ liều vắc-xin) và thẻ vàng (dành cho người tiêm 1 mũi vắc-xin) để tránh tình trạng hiểu và áp dụng không thống nhất giữa các địa phương, gây ách tắc đi lại, du lịch. Đồng thời cần có quy định về hộ chiếu vắc-xin để áp dụng đón khách du lịch quốc tế./.