(Tổ Quốc) - Tiếp tục phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại phiên họp thứ 22 Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào sáng 19/3, nhiều Đại biểu cho rằng, việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết Dự án Luật còn đối phó, chất lượng văn bản không đảm bảo.
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội, việc xây dựng các Dự thảo quy định chi tiết kèm theo hồ sơ của các Dự án Luật rất quan trọng.
Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ, hồ sơ trình cơ quan thẩm tra và trình Quốc hội phải có các Dự thảo quy định chi tiết gửi kèm theo. Tuy nhiên, qua theo dõi các hồ sơ có thể thấy một số cơ quan trong việc trình các văn bản quy định chi tiết trong hồ sơ đó có hiện tượng đối phó.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long |
Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, trên thực tế, chúng ta có độ trễ nhất định để soạn thảo và ban hành các văn bản quy định chi tiết, cũng có những vấn đề đó là cơ quan chủ trì soạn thảo và những người tham gia chưa dự trù được hết.
Bộ trưởng chia sẻ, cho đến nay có một số Dự án Luật Chính phủ trình kèm theo được văn bản quy định chi tiết, đó là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, Luật Thủy sản, Luật Lâm nghiệp, Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước, Luật Quản lý vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Cảnh vệ…
“Tuy nhiên, để đánh giá những Luật này có làm qua loa hay không thì tôi cũng không dám khẳng định.” – Bộ trưởng Tư pháp cho hay.
Từ đó, Bộ trưởng Lê Thành Long mong muốn các ĐBQH chia sẻ, bởi làm Luật với quy trình chặt chẽ và đòi hỏi về hồ sơ thủ tục, chất lượng như thế thì cùng một lúc và trong một thời gian ngắn mà phải trình luôn cả Dự thảo các văn bản quy định chi tiết thì thời gian có phần hạn chế.
Cho rẳng câu trả lời của bộ trưởng Lê Thành Long là chưa triệt để, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhấn mạnh, rất nhiều Nghị định khi đối chiếu Dự án Luật thì không có giá trị.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương. |
Nguyên nhân cơ bản đó là việc rất nhiều Dự án Luật chất lượng không đảm bảo, từ khi trình Quốc hội cho đến khi thông qua có quá nhiều thay đổi, đồng hành với sự thay đổi đó thì các văn bản hướng dẫn thi hành ngay từ đầu không có giá trị.
Đai biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng khẳng định, không thể cứ đổ lỗi là do sức ép về mặt thời gian. Bởi, việc xây dựng Luật trình Quốc hội đã tính toán rất đầy đủ về mặt thời gian. Nếu chưa chuẩn bị kỹ thì không nên trình bởi sau đó sửa đổi bổ sung thì lại mất thời gian thêm một lần nữa.
Thế Công