(Tổ Quốc) -Lần đầu tiên những người hâm mộ bóng đá của một quốc gia yêu thích môn túc cầu như Việt Nam phải ngậm ngùi xem qua đường truyền internet kém chất lượng với những bình luận viên vô cùng thiếu chuyên nghiệp và thừa sự hồn nhiên.
- 30.07.2018 VTV lắc đầu, người hâm mộ Việt Nam thêm một lần thất vọng
- 14.08.2018 Đối thủ chưa xứng tầm, Olympic Việt Nam thắng đậm ngày ra quân
- 14.08.2018 Clip cận cảnh hai cú sút hỏng penalty của Công Phượng
- 14.08.2018 HLV Pakistan đánh giá Olympic Việt Nam mạnh không thua Olympic Nhật Bản
- 14.08.2018 HLV Park Hang-seo đưa ra mức phạt với Công Phượng sau hai lần sút trượt penalty
- 14.08.2018 Văn Quyết nói gì về Công Phượng sau khi sút hỏng phạt đền?
- 14.08.2018 Người hâm mộ bắt tay chúc mừng các cầu thủ U23 Việt Nam ngay khi về khách sạn
Hiệu ứng từ chiếc huy chương bạc của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á đã khiến tình yêu, sự quan tâm đến trái bóng tròn cũng như các cầu thủ của người hâm mộ đột nhiên tăng cao. Chứng kiến sự đón tiếp các cầu thủ U23 trở về từ Thường Châu, Trung Quốc với biển người cờ đỏ sao vàng từ sân bay Nội Bài đến các phố phường Hà Nội mới thấy tình yêu bóng đá của người hâm mộ tới mức nào.
Không những thế, sau đó, mọi nhất cử nhất động của các cái tên cầu thủ U23 thân yêu, quen thuộc cũng khiến người hâm mộ dõi theo dù là nhỏ nhất. Bởi họ đã từng như những chiến binh trên sân cỏ vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc trên đất khách quê người. Sự dõi theo của người hâm mộ không chỉ là niềm động viên, khích lệ mà còn là để mong muốn các cầu thủ thực hiện giấc mơ “đổi màu huy chương” cho bóng đá nước nhà. Thế nên, dễ hiểu vì sao các trận đấu bóng đá, dù là trong nước, dù là giải giao hữu nhưng có tên các cầu thủ U23 đều khiến người hâm mộ quan tâm, đón xem. Vậy nhưng một sự kiện thể thao châu Á 4 năm mới diễn ra một lần như ASIAD 18 được ngành thể thao nước nhà chuẩn bị chu đáo cho từng cầu thủ cũng như các vận động viên tham dự lại không thể phát sóng trực tiếp cho người hâm mộ ở quê nhà theo dõi và cổ vũ được.
Đây là những hình ảnh không thể quên trong trái tim người hâm mộ. Ảnh:Nam Nguyễn |
Đây liệu có phải là một sự “phản bội” lại người hâm mộ?.
Lần đầu tiên trong lịch sử VTV không thể mua được bản quyền truyền hình của sự kiện thể thao cấp khu vực châu Á - ASIAD 2018.
Cũng là lần đầu tiên những người hâm mộ bóng đá của một quốc gia yêu thích môn túc cầu như Việt Nam phải ngậm ngùi xem qua đường truyền internet kém chất lượng với những bình luận viên vô cùng thiếu chuyên nghiệp và thừa sự hồn nhiên.
Có không ít người đã chia sẻ cách xem cực nhọc đầy hài kịch thế này: Họ mở máy tính và cùng lúc tải vài địa chỉ mạng để “xem miễn phí”, hễ nơi này bị nghẽn mạch, đơ màn hình... thì ngay lập tức chuyển sang trang khác, cứ xoay vòng tròn như thế cho đến... hết trận và cuối cùng biết được tỉ số là mừng rồi. Và họ ví việc xem bóng đá thế này chẳng khác kiểu ăn mày đói khát được bố thí, có được “miếng ăn” cốt no bụng là tốt lắm rồi, lấy đâu ra ngồi nhâm nhi, thưởng thức cái hay, cái đẹp của môn thể thao được mệnh danh là “vua”.
Còn về phần bình luận ở mỗi trang thì ôi thôi phải gọi là cười ra nước mắt và không biết nên gọi là gì. Sai tên cầu thủ, chửi thề, cảm thán cá nhân, nhầm lẫn, phát ngôn bừa bãi ... là thứ nhét đầy thính giác khán giả. Có thể bắt gặp các từ như: nhõng nhẽo vãi, quả buộc tóc của cầu thủ, ối giời ơi, Công Phượng ơi là Công Phượng, vớ va vớ vẩn, thôi không sao... mang đến vô vàn cảm xúc cho người xem, bởi vừa hồn nhiên, vừa buồn cười nhưng cũng vừa khó chịu, bực mình.
Sự thất vọng về bản quyền này đã từng xảy ra khi gần sát nút khai mạc World Cup 2018 VTV vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về vấn đề bản quyền phát sóng. Lúc đó người hâm mộ đã đứng ngồi không yên và đặt ra nhiều câu hỏi. Rất may, cuối cùng người hâm mộ cũng thở phào nhẹ nhõm vì một đơn vị đã tài trợ số tiền bản quyền đó. Theo cách hiểu và cách tính thông thường của không ít người thì vụ bản quyền World Cup VTV lãi đậm, vì không tốn một xu bản quyền mà vẫn thu về lợi nhuận quảng cáo.
Tuy nhiên việc chậm trễ bản quyền của VTV thời điểm đó đã bị không ít những cảnh báo, rằng đó là một cách làm thụ động, thiếu tính sáng tạo và trông chờ vào sự ăn may. Nếu VTV không thay đổi chỉ nhăm nhăm chờ phút chót có ai đó tài trợ và ‘ăn không” quảng cáo thì chỉ có “hên xui” và phải chấp nhận rủi ro.
Đáng tiếc, sự cảnh báo đó không khiến VTV thay đổi để kịch bản về giá cả bản quyền cao chót vót lặp lại lần này và không có “ánh sáng cuối đường hầm” cứu giúp nên chuyện thất bại bản quyền phát sóng ASIAD 18 là một cái kết không quá bất ngờ, nếu không muốn nói là đã được cảnh báo.
Nếu như Đài truyền hình quốc gia chỉ có một, thì bên cạnh đó, chúng ta còn rất nhiều đơn vị truyền hình khác từ trung ương đến địa phương, cho đến truyền hình trả tiền. Tại sao VTV không chủ động liên kết, chia sẻ tiền bản quyền với các đài truyền hình khác, thậm chí là cả sự chi trả của người xem để có bằng được bản quyền phát sóng?.
Các cầu thủ Olympic Việt Nam tấn công một cách mạnh mẽ trước Olympic Pakistan (Ảnh: VTC) |
Cũng chỉ cách đây vài hôm, giải bóng đá ngoại hạng Anh khai mạc và người hâm mộ không phải vất vả, đau đầu về câu chuyện bản quyền khi sẵn sàng “trả tiền xem truyền hình”.
Trong khi VTV bội thực các game show, các chương trình giải trí hàng tuần, hàng ngày với không ít “sạn” và “nhảm” nhưng kiếm bộn doanh thu quảng cáo, tài trợ. Tuy nhiên khi “ngửi thấy” mùi có khả năng lỗ thì dứt áo ra đi mà không vì ‘màu cờ sắc áo”, không vì người hâm mộ, không vì khán giả. Có ai đó đã từng nói, giá lần này VTV chịu bỏ tiền ra mua bản quyền thì có khi cái họ thu về sau đó có thể còn nhiều hơn cả tiền.
Rất tiếc, những giả định này đã không xảy ra.
Rất tiếc, cuối cùng người hâm mộ vẫn cắn răng, chấp nhận phải xem, phải nghe những trận cầu trong sự thấp thỏm, ngô nghê, hồn nhiên, thiếu chuyên nghiệp, đứt đoạn, bực mình mà không quên sự cảm ơn và so sánh đằng sau. Bởi nếu không có họ thì thế giới phẳng, thời kỳ 4.0 có khác gì 0.4.