(Tổ Quốc) - Trong mùa dịch, lượng thực khách quan tâm đến ẩm thực Hà Nội tăng cao, đặc biệt qua hình thức đặt đồ online. Lúc cao điểm, có quán bán gần trăm đơn, thu hàng chục triệu đồng/ngày.

Hàng phở của ông Trần Đình Vũ nằm trong ngõ 101 Đông Tác là quán hiếm hoi còn giữ được công thức nấu phở từ thời mậu dịch, bao cấp.

Trước đây ông Vũ từng được Nhà nước điều về làm nhân viên kỹ thuật, chuyên pha nước dùng phở, đứng chan phở ở Công ty ăn uống Đồng Xuân trên phố Tạ Hiện (Hoàn Kiếm). Còn vợ ông, bà Tạ Ngọc Anh làm nhân viên bán vé ở quán phở. Đến năm 1990, vợ chồng ông Vũ nghỉ việc, về Đông Tác mở quán phở riêng, nhưng công thức nấu phở vẫn được ông giữ nguyên từ thời đó đến nay

Bát phở ở đây có hương vị đậm đà, nước dùng ngọt thanh, bánh phở không bị nhũn, thịt bò chín rất mềm. Mỗi bát phở ở đây có giá từ 25.000 - 30.000 đồng.

Đến quán phở của ông Vũ vào lúc 7 giờ sáng, hầu hết các bàn đều kín khách ngồi ăn, đây là thời điểm đông khách nhất của quán. Đa phần quán phục vụ khách quen, người dân sống trong khu phố. Chấp hành công tác phòng dịch, vợ chồng ông Vũ đặt các vách ngăn ở mỗi bàn như những quán ăn khác.

Quán mở bán từ 5h30 sáng, những ngày đông khách, chỉ 7 rưỡi sáng đã hết nhẵn, hai vợ chồng ông chủ dọn dẹp đến 9 giờ là đóng cửa. Vì vậy, nếu muốn thưởng thức món phở đặc biệt này phải chịu khó dậy sớm, đến quán trước 7 rưỡi sáng.

Còn quán caramen của ông Nguyễn Thái Dương (53 tuổi) nằm trên con phố Hàng Than mở từ năm 1995 được cho là quán caramen nổi tiếng của Hà Nội.

Caramen ở đây có độ béo ngậy của trứng gà với sữa, hương vị thơm lừng đó quyện cùng hương cà phê thơm đắng vừa phải. Quán luôn là địa điểm quen thuộc của nhiều người, nhất là giới trẻ Thủ đô

Bất kể thời dịch, gia đình ông bán hàng nghìn hộp caramen mỗi ngày. Vào những ngày nắng nóng cao điểm, vợ chồng ông và gần 20 nhân viên làm không ngơi tay.

Đến đây, thực khách không chỉ được thưởng thức caramen truyền thống mà còn có thể thưởng thức rất nhiều món ăn như: Caramen trân châu, caramen nếp cẩm, caramen sữa chua, caramen hoa quả, caramen cốt dừa, caramen thạch, caramen thập cẩm...

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên quán chủ yếu bán mang về. Mỗi hộp caramen hiện có giá 8.000 đồng/hộp.

Một hàng bún chả thu hút đông người dân tới thưởng thức là quán bún chả que tre bà Bảy Đang trên đường Võ Chí Công.

Chủ quán là chị Nguyễn Thị Hương. Chị nối tiếp nghề từ mẹ chồng được 25 năm nay. Trước đó, từ quê Thái Bình lên làm dâu Thủ đô, chị đã phụ mẹ chồng bán bún chả ở chợ Bưởi (Tây Hồ, Hà Nội).

Thay vì kẹp vỉ sắt để nướng, người ta dùng que tre và tạo nên hương vị đặc biệt cho món ăn. Bún chả que tre được chế biến không khác nhiều so với bún chả bình thường, nhưng nó đòi hỏi nhiều công đoạn tỉ mỉ hơn, và đặc biệt phải đầu tư que tre... nên đại đa số mọi người chọn cách kinh doanh bún chả bình thường cho gọn nhẹ.

Trong đó, khâu quan trọng nhất là lúc ướp thịt cùng với gia vị là mắm, tiêu, đường, bột ngọt, hành khô giã nhuyễn...

Theo chị Hương, trung bình mỗi ngày quán chị bán được từ 200 - 300 suất bún chả. Khoảng hơn 1 tuần nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị chủ yếu bán mang về, tại quán cũng được lắp vách ngăn để phòng dịch.

Hoạt động từ năm 2012 đến nay, cửa hàng thực phẩm nằm trên phố Tô Hiến Thành (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã trở thành điểm đến quen thuộc của người dân Thủ đô.

Cửa hàng này nổi tiếng với những món ăn truyền thống được làm hoàn toàn theo phương pháp thủ công, mang đậm nét văn hóa ẩm thực Hà Nội xưa.

Cửa hàng phục vụ tới vài chục món cổ truyền của người Hà Nội nhưng nổi tiếng và được nhiều thực khách yêu thích nhất là bánh nếp, diếp cuốn chấm bỗng rượu và bún ốc nguội. Ngoài ra, thực đơn còn thay đổi mỗi ngày, phục vụ các món ăn theo nhiều chủ đề khác nhau như món mặn, món nhậu, món ăn vặt, món bồi bổ cho người già và trẻ em...

Vốn hoạt động theo hình thức online, đặc biệt trong thời dịch, số lượng đơn đặt hàng tại cửa hàng nhiều gấp đôi, doanh thu cũng tăng 50% so với ngày thường. Đặc biệt vào những ngày có các trận đấu bóng đá của giải Euro diễn ra, các món ăn nhậu ở đây liên tục "cháy" hàng từ sớm.