(Tổ Quốc) - Thời gian qua, nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách - Xã hội Chi nhánh Thái Nguyên đã phát huy hiệu quả cao, tạo thêm hàng nghìn việc làm mới cho lao động.
Nguồn vốn vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách - Xã hội (gọi tắt là vốn vay 120) đã có những thu hoạch lớn sau một thời gian triển khai. Theo đánh giá, vốn vay giải quyết việc làm đã trở thành một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm mới.
Đi lên từ nguồn vốn 120
Kể về quá trình xây dựng trang trại nuôi hươu bắt đầu từ nguồn vốn vay 120 của mình, ông Vũ Trí Long (51 tuổi), xóm 5 thị trấn Sông Cầu cho biết, ông vay khởi nguồn của ngân hàng chính sách từ năm 2002, khi còn đang là hộ nghèo của địa phương với số tiền 3 triệu đồng, hoàn trả trong vòng 3 năm. Từ vốn vay khởi nguồn này, ông đã có một cặp bò và tiến hành mô hình trồng cỏ voi và thoát nghèo ngay trong năm đó.
Mô hình nuôi hươu của ông Long
"Cũng may rằng vào thời điểm ấy, tôi có quen một cô giáo dạy bên trường Nông Lâm nhờ thu mua cỏ. Nhà mình có thì đem giống cho dự án đến các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang... Lúc đó, tôi thuê 4 người mỗi ngày chỉ ăn, trồng và làm cỏ. Đến năm 2004/05, đàn bò cả tôi đã có trị giá khoảng 400 triệu đồng. Tất cả đều bắt nguồn từ 3 triệu đồng vốn vay"- ông Long chia sẻ.
Sau khi đã có cơ ngơi nhất định, ông Long tiếp tục tính đến phương án vay vốn và chuyển đổi mô hình nuôi trồng. Cụ thể, tính đến thời điểm hiện tại, ông Long đã có thêm 2 lần vay vốn với lần lượt số tiền vay là 4 triệu và 20 triệu đồng. Với số vốn được vay thêm, ông Long bắt đầu mua hươu, nuôi lợn rừng và trồng chè.
"Năm 2009 tôi nuôi lợn rừng, đàn lợn của tôi thời điểm đông nhất lên tới hơn 100 con. Đến năm 2011 khi tôi đến một nhà hàng ở Bắc Ninh thì thấy họ nhập thịt hươu sống với giá 230 nghìn đồng/kg, do vậy tôi quyết định nuôi hươu. Khởi đầu chỉ với 3 con và đến giờ đàn của tôi đã có 26 con nhưng hiện tại tôi chỉ bán giống chứ không bán thịt. Mỗi năm thu nhập từ nuôi hươu và nuôi lợn mang về cho tôi khoảng 250-300 triệu đồng tiền lãi"- ông Long chia sẻ.
Trang trại nuôi gà đem về thu nhập cao của bà Hạnh
Còn với bà Vũ Thị Hạnh (58 tuổi) ngụ tại xóm Tướng Quân xã Hóa Thượng cho biết, từ nguồn vay vốn 120, bà Hạnh đã kết hợp với số tiền gia đình để đầu tư làm chuồng trại và chăn nuôi gà từ đầu năm 2018.
Hiện tại, đàn gà của bà Hạnh nuôi có 8.000 con. Mỗi lứa bán được vài chục triệu phụ thuộc nhu cầu của thị trường. Nguồn gà chủ yếu cung ứng đi Hà Vĩ – Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng…Việc phát triển mô hình nuôi gà đã đem về cho gia đình bà Hạnh thu nhập được khoảng 100 triệu năm vừa qua.
Mong có thêm sự hỗ trợ
Đánh giá về hiệu quả của việc vay vốn, ông Vũ Trí Long cho rằng, đây là nguồn vay hiệu quả nhất đối với nông dân. Lấy ví dụ về việc chuyển đổi trồng chè, ông Long cho rằng, nếu người nông dân chỉ có trong tay 10 triệu đồng thì sẽ không dám chuyển đổi làm vườn chè bởi vốn không có. Việc được cho vay vốn đã giúp những hộ gia đình trên địa bàn đều mạnh dạn chuyển đổi cây chè.
"Như trước đây, quanh vùng này chỉ trồng chè trung du. Loại chè này chỉ có giá khoảng 70-80 nghìn đồng/kg. Thế nhưng khi người dân chuyển sang trông chè lai thì thu nhập đã tăng cao. Chè lai có giá khoảng 200, 300 - 500 nghìn đồng/kg. Nhưng phải có vốn để chuyển đổi. Ngày xưa nông trường đây 100% chè trung du không có giống chè khác. Sau khi có nguồn vốn, một số hộ mạnh dạn chuyển đổi. Nhà nước thấy có hiệu quả mới hỗ trợ"- ông Long kể.
Được biết, nhu cầu vay vốn của người dân rất lớn nên ông Long bày tỏ mong muốn các cấp, ngành tạo điều kiện về nguồn vốn, đặc biệt là sau đợt thời gian vừa qua xảy ra dịch tả châu phi khiến nhiều hộ gia đình muốn chuyển đổi, xóa sổ chuồng lợn.