(Tổ Quốc) - Tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 8,23% năm 2016, ước tính sẽ giảm còn 5,5% vào cuối năm 2018.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VGP/Thành Chung
Sáng 12/10, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu Quốc gia phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan tổ chức Hội nghị biểu dương huyện, xã, hộ gia đình vươn lên thoát nghèo giai đoạn 2016-2020.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 dự và chỉ đạo hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: Giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới hai Chương trình mục tiêu quốc gia, được tập trung nguồn lực từ Trung ương đến địa phương.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chế độ đối với người có công, đồng bào dân tộc thiểu số... trong đó, chương trình 135 là ví dụ tiêu biểu. Ngoài nguồn lực của Nhà nước, Đảng và Nhà nước cũng ban hành các chủ trương, chính sách huy động sự đóng góp của các tổ chức và toàn xã hội cho công cuộc giảm nghèo bền vững theo mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 theo chương trình Nghị sự của LHQ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các xã, huyện khó khăn có thành tích nổi bật trong công cuộc giảm nghèo. Ảnh: VGP/Thành Chung
Theo Phó Thủ tướng, tại kỳ họp sắp tới, Quốc hội khóa XIV sẽ đánh giá giữa kỳ việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững. Hiện nay tỷ lệ giảm nghèo của cả nước bình quân giảm khoảng 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm bình quân hơn 3%/năm... Tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 8,23% năm 2016, ước tính sẽ giảm còn 5,5% vào cuối năm 2018.
"Đó là thành tích nổi bật, trong đó có sự đóng góp lớn từ sự nỗ lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo của 8 huyện, 21 xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020; 17 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo và 30 hộ gia đình điển hình đại diện cho 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ được biểu dương tại Hội nghị", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Thủ tướng biểu dương, chúc mừng các huyện, xã, hộ khác cùng thoát nghèo bền vững, Phó Thủ tướng tin tưởng với kết quả đạt được trong thời gian qua, công tác giảm nghèo sẽ sớm đạt được chỉ tiêu Quốc hội đề ra đến năm 2020.
Phó Thủ tướng đánh giá cao các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương từ tỉnh, huyện, xã, phường, thôn, bản; các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, cộng đồng xã hội, các nhà hảo tâm đã có nhiều đóng góp về vật chất, tinh thần cho công tác giảm nghèo bền vững - một chương trình nhân văn, nhân ái, thể hiện truyền thống tốt đẹp "Thương người như thể thương thân", "Lá lành đùm lá rách", "Lá rách ít đùm lá rách nhiều" của dân tộc ta, góp phần thực hiện mục tiêu: Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực, phát huy những mặt đã làm được, khắc phục hạn chế, chủ động thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về giảm nghèo bền vững của Đảng, Nhà nước đề ra; chủ động, sáng tạo trong việc triển khai các nội dung giải pháp giảm nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững để cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích trước thời hạn, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương, hộ gia đình đã chia sẻ các giải pháp phù hợp trong việc phát huy thế mạnh địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tranh thủ nguồn lực của Nhà nước, phát huy nội lực trong nhân dân, khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo, sự tham gia giúp đỡ của cộng đồng, tạo điều kiện thoát nghèo bền vững... Điển hình như huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, là huyện mới thành lập, không có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp xây dựng như các huyện trung du, đồng bằng, huyện lấy lợi thế về đồi rừng đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng dịch vụ thương mại, vận tải, các nghề chế biến nông – lâm sản, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp khác đã giúp cho tỷ lệ nghèo của huyện giảm còn 22% cuối năm 2017 (giảm gần 40% so với 10 năm trước).
Bộ trưởng LĐTB&XH Đào Ngọc Dung trao Bằng khen cho các hộ gia đình tiêu biểu vươn lên thoát nghèo. Ảnh: VGP/Thành Chung
Hay, hộ gia đình anh Trần Trung Kiên, ở xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Mặc dù là người khuyết tật, luôn đau yếu nhưng anh Trần Trung Kiên luôn nỗ lực, quyết tâm vượt khó vươn lên, thoát hộ nghèo năm 2016, thoát hộ cận nghèo năm 2017, nhờ vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách, chăn nuôi bò sinh sản, lợn, gà; trồng cây công nghiệp. Gia đình anh Trần Trung Kiên nhiều năm liền đều đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa"...
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng 8 huyện ra khỏi danh sách huyện nghèo, 38 xã đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 và xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã trao Bằng khen tặng 20 hộ gia đình tiêu biểu vươn lên thoát nghèo và 10 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo.