(Tổ Quốc) -Chưa có con số thống kê chính thức, nhưng các vụ vi phạm pháp luật sử dụng công nghệ cao trên internet và tung tin giả, tin thất thiệt… ngày một tăng.
- 16.08.2017 Hành vi bịa đặt thông tin bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới đây sẽ bị xử lý như thế nào?
- 18.08.2017 Tại Đức, khi người dùng phản hồi về tin xấu trên Facebook, Google..., sau 24h mà không gỡ sẽ bị phạt 500.000 Euro
- 18.08.2017 PGS.TS Phạm Minh Sơn: Thông tin xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước có tác động xấu đến xã hội, rất nguy hiểm
- 22.08.2017 Chuyên gia công nghệ: Hoàn toàn có thể ngăn chặn các thông tin xấu, độc bằng kỹ thuật mạng
Tung tin giả để “câu like” bán hàng qua mạng, tạo sự rối loạn
Cũng chưa có một con số thông kê chính thức nào từ những vụ tung tin đồn trên Facebook từ khi mạng xã hội này chính thức có mặt ở Việt Nam. Nhưng với sự phổ biến của Facebook với hàng chục triệu tài khoản và phát triển chóng mặt người sử dụng mạng này tại Việt Nam… dường như đang kéo theo sự xuất hiện những hệ lụy của nó.
Thậm chí, nhiều người tung tin đồn thất thiệt trên Facebook khi bị bắt đã khai báo với cơ quan chức năng rằng, họ tung tin đồn như vậy chỉ để “câu like”- càng nhiều lượt like càng thỏa mãn mà đó chỉ là một tính năng trên Facebook, hòng tìm kiếm một sự nổi tiếng cho bản thân.
Năm 2016, chỉ riêng Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử phạt 4 trường hợp tung tin giả, tin đồn thất thiệt và riêng 4 tháng đầu năm 2017, Bộ xử phạt 10 trường hợp.
Các chủ tài khoản tạo thông tin giả vụ máy bay rơi trên mạng xã hội Facebook hôm 21/7 vừa qua. Ảnh: Báo Giao thông. |
Cuối năm 2016, cơ quan chức năng đã phải truy tìm người bịa đặt thông tin Việt Nam sắp đổi tiền tung lên mạng, gây hoang mang dư luận. Sau đó, ngày 15/12/2016, Tổng Cục an ninh Bộ Công an bắt giữ Nguyễn Xuân Long (34 tuổi, ngụ Đồng Nai) và nghi can khác tại Lâm Đồng. Hai người này cùng quản trị trang mạng do một người ở Mỹ lập ra, tung tin đồn thất thiệt Việt Nam sắp đổi tiền. Long đã khai với cơ quan công an là được mời quản trị trang mạng từ tháng 9 và hàng ngày và tự sáng tác hoặc dẫn những thông tin bịa đặt về việc Việt Nam sắp đổi tiền, kêu gọi mọi người ra ngân hàng rút tiền để mua vàng, đô la. Trang mạng thu hút rất nhiều lượt theo dõi và chia sẻ trên Facebook và mục đích của nhóm người này là nhằm tạo sự rối loạn, bất ổn về kinh tế, xã hội.
Mới đây, một chủ tài khoản bán hàng online trên Facebook- Phạm Thị Mùi (27 tuổi, Hà Nội), người tung tin đồn máy bay rơi ở Nội Bài đã bị Công an Hà Nội xác định đã vi phạm điều 66 Nghị định 174 với lỗi "cung cấp, trao đổi, truyền hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, uy tín của người khác". Cô này sẽ đối mặt với mức phạt với hành vi này từ 10 đến 20 triệu đồng.
Trước đó, ngày 20/7/2017, Phạm Thị Mùi đã đăng hình ảnh chiếc máy bay trên cánh đồng, xung quanh có xe cứu hỏa và nhiều người, kèm theo lời bình: “Mưa to quá máy bay rơi luôn... Thật là kinh khủng... Nội Bài này” trên Facebook đã khiến nhiều người lo lắng và chia sẻ. Trong khi đó, thực tế, đó là hình ảnh về cuộc diễn tập khẩn nguy hàng không được thực hiện từ trước…
Được thuê để viết bài kích động, bôi nhọ
Nhiều đối tượng cũng đã bị cơ quan chức năng khởi tố vì hành vi tuyên truyền, kích động nhân dân biểu tình, gây mất an ninh trật tự, xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Đầu tháng 6, Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với Nguyễn Văn Hóa (SN 1995, trú tại xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân” theo Điều 258, Bộ luật Hình sự.
Tại cơ quan điều tra, Hóa đã khai báo thành khẩn về hành vi tuyên truyền kích động nhân dân biểu tình, gây mất an ninh trật tự, xuyên tạc, bôi nhọ Đảng, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Năm 2014, Hóa lập ra môt số tài khoản mạng xã hội để giao lưu, kết bạn với nhiều người. Tháng 4/2014, khi xảy ra sự kiện giàn khoan HD 981, qua mạng xã hội, Hóa đã đọc, xem các bài viết có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước, từ đó, y sử dụng mạng xã hội để biên tập, chỉnh sửa và tán phát các bài viết có nội dung chống đối Nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Báo Hà Tĩnh đã thông tin, Hóa sử dụng tài khoản Facebook cá nhân, lập ra Fanpage trao đổi với các phần tử cực đoan, đối tượng thuộc các tổ chức phản động để đăng tải các video, hình ảnh có nội dung kích động biểu tình sau sự cố môi trường biển, lũ lụt trên địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình do y trực tiếp quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn người dân… Nguyễn Văn Hóa còn lập nhiều tài khoản gmail để chia sẻ, gửi hình ảnh, bài viết về các vấn đề nóng đang xảy ra tại địa bàn Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình cho các cá nhân thuộc các tổ chức phản động và làm phương tiện liên lạc, nhận tiền của các tổ chức, cá nhân; ký hợp đồng với một số đài, trang mạng nước ngoài với mức 1.500 USD cho 16 phóng sự/tháng để đăng tải, phát tán các thông tin xuyên tạc, kích động…
Với những hành vi phạm tội trên môi trường mạng hiện nay, Luật sư Trần Viết Hưng - Trưởng Văn phòng Luật sư Công lý Hà Nội cho hay, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định rõ Điều 117: Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 117 quy định, những người có một trong những hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân; Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Điều luật này cũng quy định với người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Ngoài ra, tội vu khống được quy định tại Điều 156- Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Còn Nghị định 72 năm 2013 của Chính phủ ngay tại Khoản 1 đã quy định các hành vi bị cấm cụ thể là lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích: chống lại Nhà nước; gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền chiến tranh, khủng bố; gây hận thù, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
Tiết lộ bí mật nhà nước, quân sự; đưa thông tin xuyên tạc, vu khống; quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin sai sự thật...
Thái Tùng