(Tổ Quốc) - Trước thực trạng bị "bỏ rơi" như lâu nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thống nhất hỗ trợ kinh phí khoảng 10 tỷ đồng để triển khai thực hiện đề án bảo tồn nhà cổ và đồ án Thiết kế đô thị khu vực phố cổ Bao Vinh nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của khu phố cổ này.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của phố cổ Bao Vinh, mới đây, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có buổi làm việc với các đơn vị liên quan. Tại buổi làm việc này, sau khi lắng nghe báo cáo về việc triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy giá trị đô thị cổ Bao Vinh, đồng thời ghi nhận các nội dung vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện và ý kiến của các đơn vị tư vấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra một số kết luận.
Hỗ trợ 10 tỷ để bảo tồn
Cụ thể, kết luận sau buổi làm việc, ông Phan Ngọc Thọ yêu cầu Sở Xây dựng hỗ trợ, rà soát tổng thể các quy hoạch có liên quan để cung cấp thông tin, hướng dẫn UBND TX Hương Trà tổ chức rà soát, báo cáo đánh giá việc tổ chức thực hiện Quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy giá trị đô thị phố cổ Bao Vinh được UBND tỉnh phê duyệt năm 2003.
Giao cho UBND thành phố Huế rà soát việc triển khai thực hiện Quy hoạch các khu vực phố cổ Chi Lăng, Gia Hội để đảm bảo có đánh giá chung về việc triển khai thực hiện, quản lý các khu vực phố cổ trên địa bàn tỉnh. Sau khi có báo cáo đánh giá, Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo phương án tiếp tục quản lý chung về quy hoạch, xây dựng đối với các khu vực Bao Vinh, Gia Hội, Chi Lăng vừa đảm bảo phù hợp với hiện trạng và các quy hoạch, đề án có liên quan.
Trên cơ sở kết quả rà soát quy hoạch ở trên, ông Thọ giao UBND TX Hương Trà xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng và phát huy giá trị đô thị phố cổ Bao Vinh để theo dõi, triển khai thực hiện các dự án. Trong đó, xác định sự cần thiết, số lượng, phương thức thực hiện các dự án trong giai đoạn hiện nay như: Dự án triển khai thực hiện phân luồng giao thông, hạn chế xe đi vào khu vực, xây dựng và tổ chức thực hiện dự án nắn chỉnh đường Bao Vinh; Nâng cấp hạ tầng đường Bao Vinh, kết hợp nâng cấp hạ tầng đường với việc hình thành các tiện ích đô thị như bãi đỗ xe, nhà vệ sinh.
Dự án giải tỏa hộ dân lấn chiếm toàn tuyến (chú trọng khu vực liền kề sông Hương), rà soát, kiểm đếm thống kế số hộ lấn chiếm. Đề xuất phương án giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện; Bổ sung danh mục các nhà cổ ở khu vực Bao Vinh vào danh mục các công trình được hưởng chính sách của "Đề án phát huy giá trị nhà vườn Huế"; Triển khai mô hình phát triển du lịch cộng đồng trên nền tảng bảo tồn giá trị phố cổ Bao Vinh.
Sau buổi làm việc, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng thống nhất hỗ trợ kinh phí khoảng 10 tỷ đồng để triển khai thực hiện đề án bảo tồn nhà cổ và đồ án Thiết kế đô thị khu vực phố cổ Bao Vinh.
"Khoác áo mới" cho phố cổ
Với mong muốn xây dựng một không gian du lịch, tạo cảnh quan đẹp cho phố cổ Bao Vinh dọc bờ sông Hương, vừa qua tỉnh Thừa Thiên Huế cũng triển khai phát miễn phí sơn màu cho 54 hộ dân ở đây. Việc "khoác áo mới" cho các ngôi nhà giáp mặt sông Hương tại phố cổ Bao Vinh cũng góp phần nhằm tạo điểm nhấn, thu hút khách du lịch. Tuy nhiên khi triển khai thực hiện, việc làm này đã nhận được nhiều ý kiến từ người dân và các chuyên gia.
Theo dự kiến, mỗi hộ ở khu phố cổ Bao Vinh sẽ được hỗ trợ 1kg sơn/5m2 (tổng diện tích cần sơn khoảng 2.000m2). Các hộ dân sẽ đăng ký 1 trong 5 màu sơn: xanh lá cây nõn chuối, vàng nhạt, đỏ chu, xanh dương và hồng phấn. Lãnh đạo UBND xã Hương Vinh cho hay, đến nay đã có 7 hộ thực hiện việc sơn tường mặt bờ sông nhà mình. Nhiều hộ dân do còn một số vướng mắc nên vẫn chưa nhận sơn và triển khai.
Theo các hộ dân này, vì mặt tường sau hầu hết đã cũ, nếu muốn sơn đẹp thì phải sơn 2 lớp, nhưng với lượng sơn được hỗ trợ sẽ không thể đủ. Mặt khác, một số hộ ở đây hoàn cảnh khá khó khăn, việc bỏ tiền ra sơn nhà là rất khó.
"Muốn sơn mặt sau của căn nhà, người thợ sơn phải lắp giàn giáo chắc chắn trên một chiếc thuyền lớn như thuyền rồng du lịch. Nếu thuyền nhỏ sẽ chồng chềnh, không thể lắp giàn. Mà để tính công sơn nhà như vậy sẽ rất tốn kém", ông Hồ Văn Sỹ, một hộ chưa nhận sơn nói.
Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND xã Hương Vinh thông tin thêm, ban đầu, phía chính quyền có ý định vận động sinh viên của ĐH Nghệ thuật - ĐH Huế sơn nhà cho dân, nhưng sau khi khảo sát, thấy có nơi nước sâu đến 2m nên việc sơn nhà chỉ còn cách thuê thuyền lớn, lắp giàn giáo và phải được thực hiện bởi thợ sơn chuyên nghiệp.
Hiện chính quyền địa phương đang làm việc với các thợ sơn để hỏi cụ thể giá cả, tiền công sơn nhà. Sau khi nắm giá, phía chính quyền sẽ tổ chức họp dân để thống nhất việc đóng góp tiền sơn mặt sau nhà theo hướng chính quyền và nhân dân cùng làm.
Một vấn đề nữa được nhiều người quan tâm là việc chọn màu cho 54 ngôi nhà tại khu phố cổ. Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa – nguyên giám đốc Sở Văn hóa thông tin tỉnh Thừa Thiên Huế, việc này cần phải xem xét lại và đặt trong tổng thể quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị của khu phố cổ. Màu sắc sặc sỡ có thể tạo điểm nhấn du lịch, thu hút ánh nhìn của du khách nhưng cũng có thể là mất đi giá trị đô thị cổ truyền thống Bao Vinh. "Màu sắc sơn nhà có thể làm đẹp một đô thị, nói cách khác là làm đẹp khu dân cư ven sông ở Bao Vinh chứ không phải khu phố cổ", ông Hoa nói.
Về vấn đề này, theo TS.KTS Nguyễn Ngọc Tùng, Phụ trách Khoa Kiến trúc Trường ĐH Khoa học Huế, việc sơn mặt sau các căn nhà nằm dọc bờ sông Hương sẽ không ảnh hưởng gì đến quy hoạch chung của phố cổ Bao Vinh, quan trọng là phải chọn sơn thuộc gam màu ấm được quy định trong quy hoạch bảo tồn phố cổ. Ông Tùng gợi ý, nên chọn một màu sơn riêng cho những căn nhà có giá trị bảo tồn như một cách để du khách nhận diện để chọn ghé thăm.
Trước những ý kiến của người dân và các chuyên gia, ông Phan Thiên Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay: "Dãy nhà này đa phần được xây lại sau này chứ không phải các căn nhà cổ nên việc sơn lại mặt hậu sát sông của căn nhà sẽ chỉ làm đẹp thêm phía bờ sông, giảm bớt tình trạng nhếch nhác chứ không ảnh hưởng đến quy hoạch bảo tồn khu phố cổ Bao Vinh".
Phố cổ Bao Vinh (xã Hương Vinh, TX Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) nằm cách trung tâm thành phố Huế chừng 3km. Từng được xem là khu thương mại quan trọng cũng như sầm uất bậc nhất của xứ Đàng Trong, đây vốn là một phần quý của di sản văn hóa Huế.
Theo quyết định số 166/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2020, khu phố cổ Bao Vinh thuộc 2 trong 3 khu vực cần bảo tồn. Đến năm 2003, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định 3032/2003/QĐ-UB quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy phố cổ Bao Vinh. Theo dự định, những ngôi nhà cổ sẽ được bảo tồn nhằm phát huy giá trị kiến trúc nhà cổ truyền thống Huế cũng như đưa vào khai thác, phục vụ du lịch.
Việc quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy phố cổ Bao Vinh đã có từ lâu nhưng đến nay vẫn còn nằm trên giấy trong khi nhà cổ liên tục biến mất. Thực tế này cũng đang gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong việc xây dựng, sửa chữa.