(Tổ Quốc) - Theo trang Vietnam Briefing, người dân Việt Nam ngày càng già đi và giàu có hơn, do đó, thị trường dịch vụ chăm sóc người cao tuổi đang phát triển nhanh chóng.
Dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng do tỷ suất sinh và tỷ suất tử giảm. Năm 2020, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 8% dân số nhưng đến năm 2036, ước tính con số này sẽ tăng vọt lên 14%.
Theo ước tính của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2019 có khoảng 4 triệu người cao tuổi cần được chăm sóc hàng ngày và con số này dự kiến sẽ tăng lên khoảng 10 triệu người vào năm 2030.
Nhu cầu ngày càng tăng về dịch vụ chăm sóc người cao tuổi mang đến nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay, việc chăm sóc người cao tuổi chủ yếu dựa vào người thân trong gia đình, nhưng sự hỗ trợ này về lâu dài sẽ giảm do tỷ lệ sinh thấp, lịch làm việc và học tập căng thẳng, tình trạng thiếu chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và hiểu biết tâm lý cần thiết cho việc chăm sóc người cao tuổi.
Trong bối cảnh này, các công ty nước ngoài trong lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi có thể coi Việt Nam là thị trường cốt lõi với vô số cơ hội phát triển.
Tiềm năng tham gia vào ngành chăm sóc sức khỏe cho người già tại Việt Nam
Theo Báo cáo Triển vọng thị trường dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại Việt Nam của VCCI, Việt Nam có một thị trường đầy hứa hẹn cho các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, với 20 triệu khách hàng tiềm năng vào năm 2035. Số liệu này phù hợp với thực tế là khoảng 80% người cao tuổi ở Việt Nam hiện có nhu cầu cần giúp đỡ các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và nhận sự chăm sóc từ người khác. Bên cạnh đó, khoảng 36% người cao tuổi và gia đình họ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.
Về mạng lưới chăm sóc y tế, tính đến năm 2019, theo số liệu của Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi, số lượng bệnh viện, khoa chuyên khoa về sức khỏe người cao tuổi trên cả nước còn thiếu so với số lượng người cao tuổi ngày càng tăng. Hiện cả nước chỉ có một bệnh viện chuyên phục vụ người cao tuổi là Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Hơn nữa, chỉ có 49/62 tỉnh có khoa lão khoa tại bệnh viện tuyến tỉnh. Và ngay cả ở những bệnh viện có Khoa Lão khoa, tính chuyên nghiệp của cơ sở vật chất (bố trí, trang thiết bị) và cả đội ngũ y, bác sĩ cũng hạn chế.
Bên cạnh đó, thị trường điều dưỡng tư nhân của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu. Tính đến tháng 12 năm 2020, Việt Nam có 80 trung tâm dưỡng lão tư nhân. Tuy nhiên, nhiều cơ sở chỉ cung cấp các dịch vụ chăm sóc cơ bản, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Chính phủ hiện đang đặt mục tiêu thành lập ít nhất một cơ sở chăm sóc sức khỏe người già ở mỗi tỉnh vào năm 2025, nhưng điều này có thể chưa đủ để đáp ứng tình trạng già hóa dân số nhanh chóng. Một giải pháp thay thế đã được đưa ra là mô hình Câu lạc bộ Tự lực Liên thế hệ (ISHC), trao quyền cho các tình nguyện viên trong cộng đồng hỗ trợ chăm sóc người già tại nhà.
Thị trường người nước ngoài đến Việt Nam hưởng tuổi già
Một thị trường thứ hai có thể mang lại lợi nhuận là cung cấp các lựa chọn nghỉ hưu tại Việt Nam cho người nước ngoài về hưu.
Theo Travel + Leisure, Việt Nam là một điểm đến hưu trí rất phải chăng, đặc biệt đối với những người về hưu đánh giá cao vẻ đẹp của bãi biển, phong cảnh, ẩm thực, lịch sử và văn hóa. Chi phí sinh hoạt ở Việt Nam thấp hơn 49% so với ở Mỹ và giá thuê nhà thấp hơn 75% tùy thuộc vào địa điểm. Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có cộng đồng người nước ngoài lớn nhất, có chi phí sinh hoạt thấp hơn 62% so với New York và chi phí nhà ở thấp hơn 83%.
Hiện tại, du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam cũng đang ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể với sự ra đời của nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn. Một số sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe phổ biến nhất bao gồm trị liệu bằng nước khoáng, spa và trải nghiệm nghỉ dưỡng. Các suối nước nóng ở Việt Nam cũng đang được phát triển và quản lý bởi các nhà đầu tư lớn, chẳng hạn như suối nước nóng Quang Hanh và Thanh Thủy, hay khu nghỉ dưỡng suối nước nóng Mỹ Lâm Tuyên Quang.
Du lịch spa và trải nghiệm nghỉ dưỡng cũng đang nổi lên như một hình thức chăm sóc sức khỏe mới, bao gồm giáo dục chăm sóc sức khỏe, tập thể dục, chế độ ăn uống và phương pháp điều trị. Việt Nam tự hào có 38.000 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 780.000 phòng. Trong số này có 561 cơ sở du lịch 4-5 sao, trong đó có 180 khách sạn nghỉ dưỡng có hoạt động spa và các chương trình chăm sóc sức khỏe.
Du lịch y học cổ truyền cũng đang được quan tâm, với các chương trình tập trung vào châm cứu và cải thiện sức khỏe đang được phát triển. Khu nghỉ dưỡng Y dược Bảo Long tại Sơn Tây, Hà Nội, đang mang đến mô hình du lịch kết hợp khám chữa bệnh. Tại đây họ có vườn cây thuốc nam quý hiếm và siêu thị thuốc với hàng nghìn sản phẩm Đông dược.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như số lượng và tính đa dạng của các sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, còn khá ít cơ sở đủ quy mô và chất lượng để phục vụ khách, nhất là khách du lịch có khả năng chi trả cao. Hơn nữa, sự phong phú về cây thuốc và y học cổ truyền nổi tiếng của Việt Nam vẫn chưa được khai thác triệt để để thúc đẩy sự phát triển của loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe truyền thống.