Cuối chiều 16/10, Hội đồng xét xử thông báo do có quá đông người làm chứng cần được thẩm vấn, nên phiên tòa sẽ kéo dài thêm hai ngày là 17-18/10.
- 15.10.2019 Nhờ nâng điểm thi cho con, cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục Hà Giang nói “nhờ vả là chuyện thường tình”
- 15.10.2019 Hàng loạt cán bộ, giáo viên công tác trong ngành Giáo dục tỉnh Hà Giang nhờ nâng điểm thi
- 15.10.2019 Vụ gian lận điểm thi THPTQG 2018 Hà Giang: Nhờ nâng điểm để tạo phúc chứ không nghĩ nâng tới ngần ấy điểm
- 15.10.2019 Vụ gian lận thi cử chấn động tại Hà Giang: "Lão phật gia" là biệt danh nhiều người biết
- 14.10.2019 Hà Giang mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ gian lận thi THPT quốc gia 2018, nhiều lãnh đạo vắng mặt
Chủ tọa phiên tòa, Thẩm phán Vương Thị Thu Hà cho biết, do có nhiều nhân chứng cần thẩm vấn nên phiên tòa sẽ kéo dài thêm hai ngày, thay vì dự kiến ba ngày trước đó là từ 14 đến 16/10.
HĐXX cho biết sẽ công bố lời khai tại cơ quan điều tra của những nhân chứng vắng mặt.
Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang.
Bà Hà cho biết TAND tỉnh Hà Giang đã gửi công văn đến các cơ quan, nơi các nhân chứng làm việc, nhờ tạo điều kiện để họ có mặt tại tất cả các ngày diễn ra phiên tòa.
Với các cán bộ công chức đang công tác trong ngành giáo dục, Chủ tọa Vương Thị Thu Hà yêu cầu ông Nguyễn Thế Bình - Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hà Giang, tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan - tạo điều kiện để các nhân chứng đang công tác trong ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh tham dự đầy đủ.
Ngoài những nhân chứng có mặt trong phòng xử án, TAND tỉnh Hà Giang còn bố trí hai khu vực gồm Hội trường lớn tầng hai và sảnh lớn tại tầng một để những người còn lại có thể theo dõi qua màn hình lớn.
Để tạo điều kiện tối đa cho phiên tòa này, những vụ án khác theo lịch xét xử diễn ra trong thời điểm này được TAND tỉnh Hà Giang thực hiện ở TAND thành phố Hà Giang.
Phiên tòa xét xử gian lận thi cử ở Hà Giang ngày 16/10
Trước đó, chiều 16/10, phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử ở Hà Giang bước sang phần xét hỏi các nhân chứng là những chiến sỹ Công an tỉnh Hà Giang và đoàn thanh tra giám sát làm nhiệm vụ tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018.
Trả lời trước HĐXX, chiến sỹ công an tên Lịch công tác tại PA03 (Công an tỉnh Hà Giang) cho hay, anh được cấp trên phân công nhiệm vụ tham gia bảo vệ bản in sao đề thi và giám sát toàn bộ các hoạt động của tổ xử lý bài thi trắc nghiệm.
Trưa 7/7/2018, Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thi và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GDĐT tỉnh Hà Giang ngang nhiên đánh xe tải đến Trường THPT Chuyên tỉnh Hà Giang (nơi lưu trữ bài dự thi của toàn bộ các thí sinh).
Tại đây, Lương phá niêm phong cửa phòng, sau đó mở cửa phòng để vận chuyển 5 hòm đựng bài dự thi và máy tính sang Sở GDĐT.
Trả lời HĐXX, anh Lịch cho biết thời điểm đó anh đang đi ăn trưa nên không để ý đến việc làm của Lương.
Sau đó, khi Lương bị ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GDĐT Hà Giang phát hiện, Sở yêu cầu anh Lịch sang chứng kiến có phải chữ ký của anh Lịch trên mẫu niêm phong cửa và các hòm chứa bài thi hay không. Anh Lịch xác nhận không phải chữ ký của mình.
"Tôi không nhớ có bao nhiêu hòm bị phá niêm phong, nhưng lúc đó đều là chữ ký khác chứ không còn là chữ ký của tôi", anh Lịch nói.
Tòa tiếp tục gọi nhân chứng Nguyễn Thái Học, Cán bộ Phòng PK02 Công an tỉnh Hà Giang lên trả lời.
Anh Học cho biết, anh được phân công nhiệm vụ bảo vệ an ninh tại trường THPT chuyên tỉnh Hà Giang, thời gian bảo vệ là 24/24, anh và các đồng nghiệp được bố trí ăn nghỉ một phòng ngay tại trường.
"Trưa 7/7/2018, khoảng hơn 11h, ông Vũ Trọng Lương vào phòng chúng tôi và bảo "Chú là Phó trưởng ban thư ký, thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, đến đây chuyển đồ về Sở GDĐT và nhờ mấy anh em chuyển hộ", anh Học cho biết.
Sau khi gọi điện cho anh Lịch và được xác nhận, anh Nguyễn Thái Học và đồng nghiệp đồng ý để Lương phá niêm phong và còn giúp đỡ Lương chuyển các bài thi xuống xe tải do Lương đã bố trí sẵn.
"Tôi đã giúp vận chuyển 2 thùng carton và 1 màn hình máy tính. Tôi chỉ nhớ tôi và anh Tuyến bê hai thứ này xuống. Trong các thùng này tôi cũng không biết chứa cái gì. Tôi chỉ biết là bị cáo Lương bảo chuyển đồ về Sở GDĐT. Tôi không được phổ biến quy chế nên không biết việc đó là đúng hay sai", nhân chứng Nguyễn Thái Học nói.
Một nhân chứng khác là anh Vi Hoàng Hiệp, công tác tại PC07 Công an tỉnh Hà Giang thừa nhận có giúp Lương khiêng đồ xuống tầng 1 và đặt cạnh xe tải. Anh Hiệp cũng không biết đó là những tài liệu gì.
Chủ tọa đặt câu hỏi: "Với chức năng bảo vệ mà không biết, thế là đúng hay sai?"
"Sau này tôi mới biết là sai. Thời điểm đó ông Lương đến làm việc nhiều nên ai cũng biết rồi, ông Lương đánh cả xe tải đến để chở một cách công khai nên không ai nghi ngờ gì", nhân chứng Hiệp nói.
Chủ tọa tiếp tục hỏi: "Anh đi bảo vệ mà người ta bê vác hết đồ anh còn không biết?".
Vị công an này trả lời: "Tôi chưa qua đào tạo nghiệp vụ công an nhân dân".
Một nhân chứng khác cũng là chiến sỹ Công an tỉnh Hà Giang thừa nhận có tham gia giúp Lương vận chuyển đồ.
"Trong báo cáo giải trình tôi cũng đã kiểm điểm trước đơn vị do đã có thiếu sót", nhân chứng này nói tại tòa.
Ngoài lực lượng công an trên, nhân chứng được triệu tập đến tòa còn có tổ thanh tra giám sát các hoạt động chấm thi gồm 2 người, do Bộ GDĐT ủy quyền đó là ông Trần Quang Huy và ông Khổng Chí Nguyện, cả hai cùng công tác tại Trường Đại học Tân Trào, Tuyên Quang.
Ông Huy và ông Nguyện được giao giám sát hoạt động của hơn 100 người.
Trả lời HĐXX, cả hai vị thanh tra giám sát này đều thừa nhận không có nghiệp vụ xử lý bài thi trắc nghiệm, đây là lần đầu tiên tham gia, trước đó chỉ được tập huấn 1 ngày.
"Thanh tra chỉ giám sát quy trình, đúng các khâu, các bước là được. Nhưng nếu biết rõ các quy trình xử lý sẽ tốt hơn", ông Huy nói.
Trong khi đó, ông Nguyện thừa nhận nếu được tập huấn kỹ hơn có thể sẽ phát hiện được kẽ hở nào đó. Sau khi kết thúc nhiệm vụ, hai cán bộ thanh tra giám sát này cũng phải giải trình với Bộ GDĐT và bị kỷ luật do sáng 2/7 tự ý về Trường ĐH Tân Trào tham dự một cuộc họp theo yêu cầu của nhà trường.
Theo: Đăng Khoa/VTC news