• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhiều ưu đãi vượt trội biến đặc khu thành nơi để “thử nghiệm” các thể chế, chính sách mới

Kinh tế 19/05/2018 06:54

(Tổ Quốc) - Các đặc khu sẽ tạo ra một sân chơi mới với các thể chế, chính sách đặc biệt thuận lợi, vượt trội, cạnh tranh quốc tế cho phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển

 Sáng 18/5, tại Hà Nội, các nhà lãnh đạo, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam và nước ngoài đã thảo luận các vấn đề liên quan đến đặc khu kinh tế tại Hội thảo “Đặc khu – Thể chế, chính sách và kỳ vọng thành công”.

Các chuyên gia bàn thảo về đặc khu kinh tế. Ảnh Phùng Nguyên

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho rằng, việc kết nối, hợp tác cùng phát triển đang là xu thế tất yếu.

Dự kiến khi được thông qua thì Luật đặc khu với các cơ chế chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế xã hội, về tổ chức chính quyền của địa phương và các cơ quan tư pháp sẽ là những hành lang pháp lý quan trọng để phát triển 03 đặc khu: Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn. Điều này sẽ tác động lan tỏa tích cực tới phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và cũng là nơi để thử nghiệm các thể chế, chính sách mới tại Việt Nam, từ đó nhân rộng, áp dụng cho cả nước.

Cụ thể, các đặc khu sẽ tạo ra một sân chơi mới với các thể chế, chính sách đặc biệt thuận lợi, vượt trội, cạnh tranh quốc tế cho phát triển khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D); các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ mới 4.0; giáo dục, y tế chất lượng cao; dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, công nghiệp văn hóa; phát triển dịch vụ hậu cần cảng biển và sân bay; thương mại và tài chính quốc tế gắn với cảng biển.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để kiểm chứng thực tiễn và chỉnh lý các nội dung tại dự thảo luật, Bộ KH&ĐT đã thực hiện nghiên cứu mô hình đặc khu ở 13 quốc gia thành công trên thế giới và học tập kinh nghiệm phát triển đặc khu của nhiều quốc gia khác.

Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới. Ảnh: Phùng Nguyên

 

Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia Kinh tế trưởng (Ngân hàng Thế giới) đánh giá, Việt Nam đã thu hút rất tốt các nhà đầu tư với chi phí nhân công và năng lượng rẻ, ưu đãi hào phóng.

Tuy nhiên, theo đại diện này, Việt Nam cần có cách tiếp cận mới trong thu hút đầu tư dựa trên kỹ năng, đổi mới sáng tạo và môi trường kinh doanh như: tập trung thu hút đầu tư cho những doanh nghiệp, tạo mức lương cao hơn; thúc đẩy phát triển kỹ năng, chuyển giao công nghệ và R&D trong nước; khuyến khích sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên; tăng cường năng lực cạnh tranh cho tất cả doanh nghiệp Việt Nam; tạo cơ hội cho các doanh nhân và các nhà đầu tư trong nước hợp tác với các công ty nước ngoài trong chuỗi giá trị toàn cầu...

Chuyên gia Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh 3 điểm thành công của đặc khu trên thế giới là địa điểm tốt, kết nối hạ tầng tốt và là nơi có môi trường chính sách tốt. Các đặc khu này có các chức năng chính: Cải cách môi trường kinh doanh, và thay đổi chính sách phát triển.

Chia sẻ quan điểm tại Hội thảo, ông Teo Eng Cheong, Tổng Giám đốc Tập đoàn Surbana Jurong (Singapore) cho hay: “Đặc khu kinh tế có thể là một chương trình hiệu quả đối với phát triển kinh tế. Tuy nhiên, rất nhiều đặc khu kinh tế thất bại vì các mục tiêu không rõ ràng, hạn chế trong tự do hóa chính sách, lựa chọn địa điểm sai, thiết kế tồi hoặc quản lý kém hiệu quả. Mặt khác, nếu đặc khu kinh tế có một tầm nhìn rõ ràng, thay đổi chính sách táo bạo, lựa chọn địa điểm cẩn thận, thiết kế thông minh và quản lý chặt chẽ sẽ là một cơ hội tốt để thành công”.

Ngoài ra, theo doanh nhân này, đối với các nước đang phát triển, việc tạo công ăn việc làm cho người dân là rất quan trọng. Vì thế, một chiến lược phát triển được đặt ra rõ ràng là thu hút lao động cho các hoạt động sản xuất chuyên sâu, hoặc phát triển lĩnh vực dịch vụ tương đương với trình độ học vấn của người dân. Dù vậy, nhiều cơ quan chính phủ bị ảnh hưởng bởi việc thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, có mức độ tự động hóa cao và có thể không tạo ra nhiều việc làm, dẫn tới thất bại trong thiết lập đặc khu.

Cũng theo đại diện này, muốn thành công cần sự đột phá, ví như đột phá về đơn giản hóa thủ tục thông quan hàng hoá nhập khẩu vào đặc khu kinh tế ở sân bay của Singapore, một trong những nơi được gọi là Công viên Logistics – (ALPS).

"90% thủ tục hải quan của hàng hóa đến đây phải giải quyết trong vòng 10 phút. 10% không được thực hiện trong thời gian này phải chuyển lên cấp cao hơn. Nếu các bạn có thể làm được những đột phá như thế này thì có thể thành công trong việc xây dựng mô hình đặc khu”, ông Cheong nói./.




Phùng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ