• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ai sẽ làm Chủ tịch các đặc khu?

Thời sự 24/04/2018 10:34

(Tổ Quốc) - Hội nghị của Ban Tổ chức Trung ương diễn ra chiều 23/4, bàn về việc xây dựng hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (đặc khu).

Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đề nghị tổ chức theo hướng Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND đặc khu, như Quảng Ninh hiện đang làm, đồng thời đề nghị có 1 Phó Bí thư là Chủ tịch HĐND kiêm công tác tổ chức đảng và hệ thống chính trị luôn.

Hội nghị trực tuyến về xây dựng hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức chiều 23/4

Bí thư Quảng Ninh không tán thành với đề xuất Chủ tịch UBND đặc khu do Bộ trưởng Bộ Nội vụ giới thiệu mà cho rằng nhân sự này nên do Chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu vì những người ở cơ sở nắm chắc tình hình địa phương hơn.

Đồng quan điểm này, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Lê Thanh Quang và Phó Bí thư thường trực Kiên Giang Đặng Tuyết Em cũng ủng hộ phương án tổ chức Bí thư đặc khu đồng thời là Chủ tịch UBND.

Cụ thể, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho rằng, trưởng đặc khu phải do Ban thường vụ Tỉnh ủy nghiên cứu, đề xuất Bộ Nội vụ thẩm định năng lực, tiêu chuẩn rồi mới trình Thủ tướng cho phép HĐND đặc khu bầu. Sau đó Thủ tướng lại nắm quyền phê chuẩn chức danh này.

Bên cạnh đó, ông Quang cũng đề nghị cần phải có phương án giải quyết cán bộ dôi dư và bổ sung cán bộ đủ trình độ ngay khi luật có hiệu lực, vì theo rà soát, huyện Vạn Ninh nơi dự kiến xây dựng đặc khu sẽ dư ra gần 200 cán bộ.

Đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, UB Trung ương MTTQ cũng ủng hộ phương án Bí thư kiêm Chủ tịch UBND đặc khu.

Kết luận hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính khái quát, các ý kiến đã đi tới thống nhất rất cao, cơ bản tán thành là Chủ tịch đặc khu. Theo đó, một Phó Bí thư sẽ kiêm Chủ tịch HĐND, 1 Phó Bí thư kiêm công việc bên chính quyền.

"Mô hình nào tích cực hơn thì ta chọn, chọn cái tốt nhất trong những cái tốt", ông Chính nói.

Báo cáo về mô hình chính quyền đặc khu trong dự thảo luật mới nhất do ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ trình bày thể hiện, chính quyền địa phương đặc khu gồm có HĐND và UBND. HĐND đặc khu sẽ có từ 9-15 đại biểu. Không tổ chức cơ quan thường trực HĐND và các ban của HĐND.

UBND đặc khu bao gồm Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch. Theo phương án của Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND đặc khu sẽ do HĐND đặc khu bầu theo giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau khi thống nhất với Chủ tịch UBND tỉnh, trình Thủ tướng phê chuẩn sau khi HĐND bầu.

Phó Chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu theo giới thiệu của Chủ tịch UBND đặc khu và được Chủ tịch UBND tỉnh phê chuẩn.

Ban Tổ chức Trung ương đưa ra 2 phương án bố trí nhân sự làm Bí thư Đảng ủy đặc khu, đồng thời là Chủ tịch HĐND đặc khu, là Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy; hoặc Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND đặc khu, là Ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Nếu Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND đặc khu thì bộ máy đặc khu sẽ có 1 Phó Bí thư là Phó Chủ tịch phụ trách an sinh xã hội và xây dựng hệ thống chính trị...

Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt dự kiến trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp khai mạc vào ngày 21/5./.

Hà Giang (T/h)

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ