(Tổ Quốc) - Theo đề án do 3 địa phương xây dựng thì cả 3 đặc khu kinh tế đều cần đến một lượng vốn lớn tới cả triệu tỷ đồng để phát triển hạ tầng, các khu chức năng. Trong đó, Phú Quốc có số vốn huy động nhiều nhất trong 3 đặc khu.
Vietnamnet đưa tin, Bộ Tài chính vừa có văn bản thẩm định Đề án thành lập đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Theo đó, nguồn vốn huy động để xây dựng 3 đặc khu lên tới cả triệu tỷ đồng. Đáng nói, cả 3 địa phương đều xin nhiều ưu đãi để làm đặc khu.
Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong cũ, Khánh Hòa (Nguồn: Tuổi trẻ) |
Theo đề án do 3 địa phương xây dựng, thì cả 3 đặc khu kinh tế đều cần đến một lượng vốn lớn tới cả triệu tỷ đồng để phát triển hạ tầng, xây dựng các khu chức năng như cụm khoa học công nghệ, du lịch - văn hóa - giải trí, nông nghiệp công nghệ cao.
Với đặc khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đang trình các bộ, ngành đề án phát triển với nguồn vốn đầu tư toàn xã hội cho phát triển đặc khu giai đoạn 2018-2030 khoảng 270 nghìn tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đầu tư trong nước 50%, vốn nước ngoài 50%, và được phân kỳ đầu tư thành hai giai đoạn trước và sau năm 2022.
Theo định hướng không gian phát triển, đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) gồm 3 vùng cảng biển và du lịch sinh thái và casino; phát triển cơ sở y tế, giáo dục, khoa học công nghệ và công nghệ cao, ước tính tổng mức đầu tư đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong trong giai đoạn 2019- 2025 khoảng 400 nghìn tỷ đồng.
Để biến đảo Phú Quốc (Kiên Giang) thành một đặc khu kinh tế sầm uất với trọng tâm là vùng đô thị, khai thác tối đa lợi thế du lịch, tỉnh Kiên Giang ước tính đầu tư toàn xã hội vào huyện đảo này trên 40 tỷ USD, tương đương khoảng 900 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2030. Tỷ trọng vốn đầu tư phát triển đặc khu kinh tế Phú Quốc gồm 59% vốn trong nước, và 41% vốn nước ngoài. Đây cũng là đặc khu có số vốn huy động nhiều nhất trong 3 đặc khu.
Như vậy, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cho 3 đặc khu tương lai này lên tới hơn 1,5 triệu tỷ đồng. Nguồn vốn này không phải hoàn toàn từ ngân sách, mà sẽ được huy động từ các nguồn khác nhau.
Điểm chung của 3 đề án phát triển đặc khu kinh tế là địa phương xin ưu đãi thông qua đề xuất được giữ lại nguồn thu trên địa bàn tỉnh để dồn vốn cho phát triển đặc khu kinh tế trong những năm tới.
Cụ thể, tỉnh Quảng Ninh đề xuất được giữ lại 100% số thu ngân sách nội địa phát sinh trên địa bàn đặc khu kinh tế Vân Đồn đến 2030. Bên cạnh đó, trong 5 năm đầu phát triển đặc khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh này cũng xin được giữ lại 25% số thu nội địa của tỉnh Quảng Ninh (khoảng 2.000 tỷ đồng/năm); đồng thời, ngân sách địa phương bổ sung cho đặc khu tối thiểu 1.500 tỷ đồng/năm để phát triển hạ tầng kỹ thuật, và hạ tầng xã hội tại đặc khu kinh tế Vân Đồn.
Tỉnh Khánh Hòa đề xuất cơ chế ưu đãi để lại 100% thuế xuất nhập khẩu và toàn bộ số thu nội địa trên địa bàn Bắc Vân Phong để thực hiện chính sách đặc thù. Đồng thời, ngân sách trung ương để lại 50% các khoản thu nội địa trên địa bàn tỉnh để bổ sung vốn phát triển đặc khu kinh tế Vân Phong…
Về vấn đề này, Bộ Tài chính khẳng định đề xuất giữ lại 50% thu điều tiết toàn tỉnh Khánh Hòa cho Bắc Vân Phong là không phù hợp và phản đối đề xuất giữ lại toàn bộ số thu thuế XNK trên địa bàn vì đây là khoản thu về ngân sách trung ương 100%.
Cũng theo Bộ Tài chính, tỉnh Quảng Ninh chỉ nên giữ lại 100% số thu nội địa tại Vân Đồn trong 10 năm thay vì đề xuất 15 năm, và đề nghị tỉnh cân nhắc đề xuất giữ lại 25% số thu nội địa toàn tỉnh trong 5 năm vì áp lực chi ngân sách trung ương rất lớn, đề xuất này vượt quá khả năng cân đối.
Dự thảo đề án thành lập 3 đặc khu kinh tế do các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang xây dựng được Bộ Tài chính thẩm định trước khi Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra vào tháng 5/2018.
Tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, khung pháp lý cơ bản để vận hành các đặc khu./.
Hà Giang