• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhóm chuyên gia gửi gắm điều gì tới Thủ tướng từ câu chuyện chính sách thị thực cho khách du lịch?

Du lịch 17/04/2018 08:40

(Tổ Quốc)- Mới đây Hội đồng Tư vấn du lịch và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã gửi thư tới Thủ tướng về những đề xuất chính sách miễn thị thực cho khách du lịch quốc tế tới Việt Nam.

Bức thư do ông Trần Trọng Kiên, thành viên Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, Ban IV, Chủ tịch và Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Minh; Trần Hùng Việt, Chủ tịch, Hội đồng tư vấn du lịch Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn; Kenneth Atkinson Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch đồng ký tên.

Nâng thời hạn miễn thị thực lên 30 ngày thay vì 15 ngày

Trong 2 năm trở lại đây, Việt Nam đã đạt được tiến bộ hết sức ấn tượng trong thực hiện một số sáng kiến nhằm thúc đẩy ngành du lịch, những chương trình đã góp phần đạt mức tăng trưởng đón được 13 triệu lượt khách quốc tế và đang vững bước hướng tới việc hoàn thành các mục tiêu cho năm 2020 và những năm tiếp theo.

Trong sự tăng trưởng hết sức mạnh mẽ của số lượt khách quốc tế thì số lượng khách du lịch Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm trên 50% tổng số khách quốc tế đến và thời gian lưu trú bình quân của hai đối tượng này là dưới 10 ngày với mức chi tiêu bình quân chưa tới 900 đô la Mỹ/người. Trong khi đó, khách du lịch từ châu Âu lưu trú trung bình 15 ngày hoặc dài hơn và chi tiêu trực tiếp bình quân của mỗi du khách nằm trong khoảng từ 1.400 tới 1.600 đô la Mỹ.

Khách du lịch đường dài đến từ Bắc Mỹ, Úc và New Zealand cũng có những đặc điểm tương tự như khách du lịch châu Âu – tức là, lưu trú lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn.

Ông Trần Trọng Kiên, thành viên Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân, Ban IV, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Minh.

Nhóm chuyên gia cho rằng, do có một số điểm bất cập tiềm tàng trước mắt về mức tăng trưởng của ngành Du lịch xuất phát từ những hạn chế về kết cấu hạ tầng, đặc biệt là công suất của dân bay và các hàng hàng không, cũng như nguồn nhân lực, chúng ta cần cố gắng thay đổi cơ cấu khách du lịch quốc tế đến để hướng tới những thị trường có khả năng chỉ trả cao hơn như 3 thị trường nói trên.

Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu, đến năm 2020, ngành du lịch phải đạt được mục tiêu đón khoảng 18,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế với giá trị xuất khẩu thông qua du lịch là 20 tỷ đô la Mỹ. Có nghĩa rằng chúng ta cần từng bước tăng chi tiêu trực tiếp bình quân của khách du lịch từ 860 đô la Mỹ (số liệu năm 2016) lên 1.080 đô la Mỹ. Giải pháp đơn giản nhất, theo các cơ quan để đạt được mục tiêu này là có môt chính sách hỗ trợ, cởi mở hướng đến khách du lịch từ những thị trường chi trả cao.

Trong bức thư các cơ quan gửi tới Thủ tướng, “Chúng tôi có những luận cứ vững chắc cho việc gia hạn miễn thị thực cho công dân của 5 quốc gia châu Âu và các nước châu Âu còn lại.

Đồng thời đề xuất việc nâng thời hạn miễn thị thực lên 30 ngày thay vì 15 ngày, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cả khách du lịch công vụ và khách du lịch nói chung.

Thêm quốc gia được miễn thị thực, không xem xét lại hàng năm

Số liệu thống kê cho hay, từ khi có chính sách miễn thực thực trên, mức tăng trưởng trung bình hàng năm của lượt khách từ các quốc gia nói trên đã tăng hơn 20%.

Các cơ quan này tiếp tục khuyến nghị về việc gia hạn miễn thị thực này trong 5 năm và không phải xem xét lại hàng năm.

“Hơn nữa chúng tôi nhận thấy không có lợi ích hay giá trị gì trong việc hạn chế khách du lịch quay trở lại Việt Nam trong vòng 30 ngày và rào cản này nên được dỡ bỏ để khuyến khích khách du lịch đi bằng đường không lựa chọn Việt Nam như là một trung tâm trung chuyển của vùng cho các chuyến bay đến châu Âu, Úc”- nội dung bức thư nêu.

Với luận điểm này, các cơ quan chức năng khuyến nghị rằng cần có một hệ thống thị thực quá cảnh tối đa là 72 giờ để khuyến khích khách dừng nghỉ tại TP HCM hoặc Hà Nội và trải nghiệm Việt Nam đôi chút trong hành trình của họ.

“Trong nhiều trường hợp, điều này thường dẫn đến kết quả là khách du lịch sẽ trở lại du lịch lâu hơn. Đây là cơ hội tuyệt vời mà chúng ta cần nắm bắt vì những lợi ích trung hạn có thể sẽ rất đáng kể”- bức thư viết.

Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) khẳng định, việc tạo điều kiện thuận lợi về thị thực sẽ làm tăng them từ 8-10% số lượt khách đến và thực tế tại Việt Nam, chính sách miễn thị thực áp dụng cho công dân của 5 nước châu Âu và số lượng khách du lịch của các quốc gia này đã tăng lên trung bình gần 20%.

Chính sách thị thực nhập cảnh là một trong những chính sách của Chính phủ có tác động lớn nhất đến lưu lượng du lịch quốc tế.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư trực tiếp và lưu lượng khách du lịch quốc tế, nhiều quốc gia đang từng bước mở rộng diện miễn thị thực để có lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường.

Theo nhóm chuyên gia, Việt Nam có thể được hưởng lợi đáng kể từ việc mở rộng diện miễn thị thực tới các nước phương Tây như Canada, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Hà Lan và Bỉ. Với việc tạo thuận lợi cho cấp thị thực sẽ tăng số lượng khách đến khoảng 8-10% thì doanh thu trực tiếp tăng thêm 100 triệu đô la Mỹ - cao hơn rất nhiều so với số tiền phí thị thực thất thu là 17 triệu đô la Mỹ. Một điều đáng lưu ý nữa là nền kinh tế có thể hưởng lợi gấp 3 lần từ doanh thu trực tiếp từ du lịch vì thế nước ta sẽ có lợi nhiều hơn với chính sách miễn thị thực này./.

Báo Điện tử Tổ Quốc sẽ quay trở lại chủ đề này trong những bài tiếp theo./.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ