(Tổ Quốc) -Sự cởi mở trong chính sách visa đang được các quốc gia tận dụng để thu hút khách du lịch. Chúng ta cùng nhìn những con số đằng sau cuốn sổ visa nhỏ này.
Chính sách visa nhìn từ những con số
Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Kỳ, Công ty Du lịch Vietravel chia sẻ với phóng viên từ một ví dụ: Nhật Bản năm 2011 có tốc độ xuất phát điểm như Việt Nam là: 6,5 triệu lượt khách quốc tế nhưng tới năm 2015 đã là 9,5 triệu còn chúng ta mới là 7,5 triệu, tốc độ chúng ta phát triển chậm hơn so với Nhật.
“Làm nên thành công này là Nhật Bản mở rộng về chính sách visa, khách du lịch dễ dàng đi vào Nhật Bản. Hay tại Đài Loan (Trung Quốc) đã thúc đẩy du lịch nhờ vào chính sách mở cửa visa cho khách du lịch Việt Nam, đã khiến du khách Việt tăng 400% ở thị trường này”- Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel. Ảnh: Thái Linh |
Không chỉ hai khu vực trên, các quốc gia trong khu vực đang coi miễn visa là cách để thu hút, tăng trưởng mạnh mẽ khách du lịch quốc tế. Các nước này đều áp dụng chính sách cấp thị thực tại cửa khẩu và thị thực điện tử (e-visa).
Thái Lan miễn thị thực cho công dân 61 nước, vùng lãnh thổ; các quốc gia như Malaysia là 155; Singapore là 158 nước hay Indonesia miễn thị thực cho công dân 169 nước và vùng lãnh thổ...
Nhìn về Việt Nam, tới thời điểm này đã miễn thị thực với 22 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, mới nhất là miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu từ 1/6/2017-1/6/2018.
Thống kê cho hay, trong 12 tháng đầu tiên miễn thị thực nhập cảnh từ tháng 7/2015 tới tháng 6/2016, tổng lượng khách du lịch từ 5 nước Tây Âu đạt gần 721.000 lượt người, tăng 15,4%.
Trong khi giai đoạn 2010- 2014, tổng lượng khách du lịch từ thị trường 5 nước Tây Âu tăng trung bình 5,35%/ năm.
Trong 4 tháng đầu năm nay, tổng lượng khách từ 5 nước Tây Âu đạt gần 333.000 lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2016.
Đối với thị trường xa, đó là mức tăng trưởng rất lớn vì những thị trường này tăng không dễ như những thị trường gần. Đáng lưu ý, số lượng du khách từ các thị trường này tuy không đông nhưng thời gian lưu trú dài ngày, ít nhất từ 15 ngày đến 1 tháng và mức chi tiêu cao.
Chính vì lẽ đó, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đối tượng khách này đem lại lợi ích lớn không chỉ cho ngành du lịch mà cả những ngành nghề khác.
Top những nước lạc hậu nhất trên thế giới vì vấn đề visa
Với việc miễn visa, khách từ Tây Âu đã tăng thêm 87.000 lượt năm 2016 mang lại tổng thu trực tiếp tăng thêm đạt hơn 114 triệu USD, thu gián tiếp và lan tỏa đạt hơn 124 triệu USD cho du lịch Việt. Tổng thu tăng thêm từ lượng khách du lịch từ 5 nước Tây Âu ước đạt hơn 238 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, chính sách miễn thị thực của chúng ta cần cam kết cho 5 nước Tây Âu từ 2-3 năm thay vì một năm hiện nay, bởi với thời gian ngắn thế này rất khó cho các doanh nghiệp du lịch trong kế hoạch bán tour.
Các quốc gia đang mở chính sách visa để thu hút khách quốc tế. Ảnh minh họa: Nam Nguyễn |
“Chúng ta cần tháo các điểm nghẽn này để níu chân du khách. Chính sách của Chính phủ cần có độ mở, trong đó có visa và xúc tiến du lịch và chính sách về kinh tế nhằm kiến tạo, tạo ra một môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và môi trường xã hội”- ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ.
Nói về độ mở của chính sách, lãnh đạo công ty du lịch nổi tiếng Việt Nam này phân tích, khi đã coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, mang về khoảng 35 tỷ đô la năm 2020 thì đầu tư của Chính phủ là như thế nào trong chính sách về visa hay xúc tiến du lịch.
“Tôi cho rằng cần mạnh dạn, 35 tỷ đô là mang lại 2 triệu việc làm, mấy chục triệu khách xứng đáng để Chính phủ đầu tư ngân sách: nghiên cứu quốc tế, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, chính sách về tạo môi trường du lịch, xúc tiến và chính sách visa”- ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.
Ngoài ra, về “cuốn sổ quyền lực” này, ông Vũ Thế Bình- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, miễn visa thể hiện sự hội nhập của Việt Nam với thế giới trong việc tạo điều kiện, thuận lợi hơn cho du khách đến với Việt Nam.
“Cấp visa điện tử chỉ là công cụ để thực hiện nhanh hơn, dễ hơn cho du khách, nhưng không thể thay thế vấn đề miễn visa. Việt Nam hiện nằm trong top những nước lạc hậu nhất trên thế giới vì vấn đề visa” - Vũ Thế Bình nói.
Chính sách về visa cũng chính là một trong những nội dung trọng tâm mà nhóm công tác về du lịch của Diễn đàn Kinh tế Tư nhân (VPSF) sẽ kiến nghị tại phiên đối thoại với Thủ tướng vào cuối tháng 7 này./.
Thái Linh