(Tổ Quốc) - Đại dịch Covid-19 bất ngờ xuất hiện và lan rộng ra khắp thế giới không chỉ gây ảnh hưởng đến ngành du lịch mà còn tác động tới tâm lý của du khách. Tại Việt Nam, cùng với việc du lịch đang dần phục hồi thì nhu cầu du lịch của du khách cũng đã và đang có những sự thay đổi.
Nhu cầu du lịch biển tăng cao
Vào trung tuần tháng 5, sau khi kết thúc giãn cách xã hội ở Việt Nam, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) và Báo điện tử VnExpress đã thực hiện một cuộc khảo sát với gần 2.000 người về du khách nội địa hậu Covid -19.
Với kết quả khảo sát này có thể là một trong những gợi ý hữu ích cho các đơn vị du lịch nhằm phục hồi ngành công nghiệp không khói hậu Covid -19. Khảo sát cho thấy, nhu cầu du lịch ở Việt Nam bắt đầu phục hồi trở lại từ giữa tháng 4 - khi giãn cách xã hội được nới lỏng đến nay. Có đến hơn 53% người cho biết đã sẵn sàng đi du lịch ngay trong mùa hè này.
Tuy nhiên, Covid-19 đã tác động đến việc du khách lựa chọn điểm đến du lịch an toàn với dịch bệnh (36%) và có an ninh an toàn (32%). Ngoài ra dịch vụ du lịch có ưu đãi cũng là lựa chọn tiếp theo (gần 20%).
Điểm đáng chú ý là sau giãn cách xã hội thì nhu cầu du lịch biển tăng cao (67%), tiếp đến nhu cầu du lịch thiên nhiên (56%) với các khu nghỉ dưỡng trên núi và khu du lịch sinh thái. Cùng với đó, Covid-19 cũng tác động đến chi tiêu ngân sách khiến gần 50% lựa chọn tour ngắn ngày (2-3 ngày). Tâm lý e ngại dịch bệnh, thói quen giãn cách xã hội vẫn còn khiến gần 89% lựa chọn đi du lịch theo gia đình hoặc nhóm bạn bè.
Covid-19 đã tác động đến thói quen mua sắm trực tuyến (ít chạm). Xu hướng này thể hiện qua việc du khách lựa chọn tự đặt tour trực tiếp (62%) và đặt phòng khách sạn/ tour qua nền tảng trực tuyến (44%).
Đánh giá từ Hội đồng tư vấn Du lịch cho rằng, qua khảo sát này có thể nhận thấy hành vi du khách nội địa ở Việt Nam hậu Covid-19 đã có nhiều thay đổi so với trước Covid-19. Chúng ta cần suy nghĩ đến việc cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch, sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến điểm đến … để đáp ứng với nhu cầu và xu hướng mới của thị trường du lịch nội địa hậu Covid -19.
Cần chú trọng thương mại điện tử
Đề cập sâu hơn về thương mại điện tử, bà Đặng Tuyết Dung – Giám đốc khu vực Việt Nam, Lào của Visa International cho rằng: Thay vì chúng ta có thể mất từ 3 đến 5 năm để làm truyền thông, thì với ảnh hưởng của Covid, những hành vi của người tiêu dùng thực sự sẵn sàng hơn khi chuyển mình sang thương mại điện tử. Và tại sao nó liên quan đến du lịch lữ hành, đơn giản là thanh toán điện tử của du lịch lữ hành là hơn 60%.
Do đó, theo bà Dung các doanh nghiệp du lịch nên quan tâm đến các giải pháp thanh toán, các tích hợp thông tin khách hàng khi thanh toán. Vì nếu khách trải nghiệm thanh toán không thuận lợi hoặc phải nhập lại thông tin thẻ mất thời gian thì họ có thể từ chối.
Với kế hoạch tài chính dành cho du lịch, bà Dung cũng nêu ví dụ nhiều đơn vị doanh nghiệp đưa ra ưu đãi như trả trước thì được chiết khấu, vậy tại sao chúng ta không nghĩ đến là trả sau và trả dần dần. Bởi như vậy sẽ phù hợp hơn rất nhiều với nhiều khách hàng muốn có kế hoạch tài chính hợp lý hơn. Đấy là một giải pháp đã có nhưng chúng ta đã thực sự chú trọng.
Bà Đặng Tuyết Dung cũng đưa ra một chỉ số đáng ngạc nhiên là người Việt Nam khi đi du lịch ra nước ngoài thì chi tiêu qua thẻ nhiều hơn là tiền mặt. Nhưng ngược trở lại, người nước ngoài khi vào Việt Nam thì tỉ lệ chi tiêu bằng thẻ lại ít hơn. Có lẽ vì người nước ngoài khi vào Việt Nam quan niệm rằng thị trường Việt Nam có hạ tầng thanh toán còn nghèo nàn. Và có thể đúng là như vậy vì chúng ta mới chỉ có khoảng 300.000 máy pos (thanh toán tiền bằng thẻ) trên toàn thị trường trên tổng 5 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Điều bà Dung cần lưu ý nữa là thẻ của tất cả các thị trường nước ngoài hầu như là thẻ không tiếp xúc, với công nghệ contactless. Trong khi đó, ở thị trường Việt Nam thì tỉ trọng của chúng ta vẫn còn bé. Vậy thì ngoài việc các ngân hàng chủ động, các doanh nghiệp du lịch lữ hành nên nghĩ đến điều này, bởi vì đấy là nơi tạo một giá trị rất lớn về tiện ích chi tiêu. Bởi vì khi khách hàng đến thì họ không chỉ chi tiêu trong khách sạn, nhà hàng thì người ta còn đi rất nhiều nơi khác nữa. Đấy không chỉ là trách nhiệm của các công ty khác ngoài ngành du lịch mà đấy còn là một hạ tầng hệ sinh thái nói chung. Chúng ta cần cải thiện hạ tầng thanh toán để người nước ngoài tới Việt Nam thanh toán bằng thẻ nhiều hơn.
Phục hồi du lịch Việt Nam hậu Covid -19 cả thị trường nội địa và quốc tế là bài toán được đặt ra đòi hỏi sự vào cuộc, điều chỉnh linh hoạt phù hợp với bối cảnh mới cũng như sự nỗ lực của nhiều ngành nghề, nhiều yếu tố cùng cộng hưởng. "Du lịch Việt Nam chỉ có thể phục hồi khi toàn ngành đều phải vào cuộc kích cầu, địa phương- điểm đến -các doanh nghiệp cùng chung tay tạo nên những gói sản phẩm hấp dẫn về chất lượng dịch vụ với giá cả phải chăng, có khả năng thu hút số đông du khách trong bối cảnh kinh tế suy giảm, người dân thắt chặt hầu bao hơn" - bà Trần Thị Nguyện – Giám đốc kinh doanh Tập đoàn Sun World đưa ra nhận định.