(Tổ Quốc) - Đối với thể thao Việt Nam, bên cạnh các giải đấu khu vực, châu lục của từng môn/nhóm môn, SEA Games và ASIAD là hai Đại hội nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận, người hâm mộ.
- 20.03.2024 Những bước đi tới mục tiêu Olympic - Bài 1: Hướng tới Olympic Paris 2024
- 24.09.2023 ASIAD 19 - Hành trình chuyển giao thế hệ và khát vọng nâng tầm thể thao Việt Nam
- 18.05.2023 Nhìn lại hành trình SEA Games 32 của đoàn thể thao Việt Nam: Khẳng định vị thế tại khu vực và bước đệm tiến ra châu lục
- 17.05.2023 SEA Games 32: Đoàn Thể thao Việt Nam thành công hơn cả mong đợi
Olympic là kỳ Thế vận hội thể thao lớn nhất thế giới được tổ chức với chu kỳ 4 năm/lần. Việc chuẩn bị lực lượng cho mỗi kỳ Thế vận hội luôn được tính toán từ sớm, trong đó, các VĐV được duy trì thi đấu, cọ xát, nâng cao thành tích ở các giải đấu khu vực, châu lục.
Đối với thể thao Việt Nam, bên cạnh các giải đấu khu vực, châu lục của từng môn/nhóm môn, SEA Games và ASIAD là hai Đại hội nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận, người hâm mộ.
Đây cũng là hai Đại hội có tầm quan trọng nằm trong chiến lược thể thao của ngành thể thao Việt Nam. Hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hồi cuối năm 2023 đã xác định rõ, trong giai đoạn mới, tư duy phát triển của thể thao Việt Nam sẽ thay đổi với phương châm lấy ASIAD làm trọng tâm để vươn tầm Olympic và SEA Games sẽ đóng vai trò là bàn đạp để thể thao Việt Nam tiến ra "biển lớn". Chiến lược cho thấy sự liên kết chặt chẽ, có tính bổ trợ giữa SEA Games – ASIAD – Olympic.
SEA Games là "bàn đạp"
Với đấu trường SEA Games, trong 3 kỳ Đại hội gần nhất, đoàn Thể thao Việt Nam đều giành được vị trí cao với vị trí nhì toàn đoàn tại SEA Games 30 (năm 2019, Philippines) và nhất toàn đoàn với hai kỳ SEA Games 31 (năm 2022, Việt Nam) cùng SEA Games 32 (năm 2023, Campuchia). Xét trên bình diện khu vực, Việt Nam đã có chỗ đứng vững vàng trong top đầu những quốc gia có nền thể thao mạnh, giúp tạo tiền đề cho những tính toán hướng tới đấu trường châu lục.
Cần phải khẳng định rằng, SEA Games vẫn là một trong những mục tiêu quan trọng của thể thao Việt Nam với tư cách là một quốc gia có trách nhiệm, đồng thời cũng là đấu trường rèn luyện cho các VĐV trẻ.
Về quan điểm cho các VĐV trẻ dự SEA Games để cọ xát, đây là ý kiến được giới chuyên môn đánh giá cao. Trong hai kỳ Đại hội vừa qua, các đội tuyển của Việt Nam đều giữ một công thức chung là kết hợp giữa các VĐV có kinh nghiệm song hành cùng các VĐV trẻ. Điều này giúp cho những VĐV trẻ có cơ hội học hỏi, cọ xát, phát triển về mặt chuyên môn.
Thông qua những lần thi đấu thực tế với những đối thủ mạnh đến từ các quốc gia trong khu vực, VĐV trẻ sẽ có được sự chuẩn bị cho để hướng đến những giải đấu cao hơn.
Tuy nhiên, hướng sự tập trung tới ASIAD, Olympic không có nghĩa rằng ngành Thể thao "bỏ không" SEA Games. Theo Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt, SEA Games vẫn là sân chơi trọng tâm của thể thao Việt Nam.
Dĩ nhiên, ngành Thể thao không dành tất cả nguồn lực cho SEA Games. Nguồn lực phải phân phối hợp lý, trong đó, chú trọng đặc biệt tới định hướng ASIAD và Olympic. Đây là đích đến quan trọng được thể hiện rõ trong chiến lược của thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Vào cuối tháng 4/2023 vừa qua, Liên đoàn thể thao Đông Nam Á đã quyết định, kể từ SEA Games 33 (năm 2025, Thái Lan) sẽ ưu tiên các môn có trong chương trình thi đấu của ASIAD và Olympic. Trong đó, tập trung tổ chức các môn thể thao của nhóm 1 (Điền kinh, Bơi lội) và nhóm 2 (các môn thể thao Olympic khác).
Cục trưởng Đặng Hà Việt nhận định, sự thay đổi này sẽ nâng cao sự cạnh tranh, giúp thành tích thể thao khu vực được nâng lên tiệm cận châu Á, đồng thời đẩy cao giá trị thương hiệu của SEA Games.
Với giá trị, độ chuyên nghiệp đang dần được hoàn thiện, SEA Games hoàn toàn là một môi trường tốt giúp các VĐV cọ xát, cải thiện thành tích trước khi bước ra đấu trường lớn hơn.
Lấy ASIAD làm trọng tâm
Cũng theo ông Đặng Hà Việt, thông qua thành tích ở SEA Games, ngành Thể thao sẽ có được những đánh giá bước đầu về thực lực, năng lực của các VĐV, đặc biệt với nhóm các môn ở ASIAD và Olympic. Từ đó, tiến hành sàng lọc và có chiến lược đầu tư phù hợp nhằm phát triển thành tích trong tương lai.
ASIAD có thể xem là đấu trường tương đối khó khăn với Thể thao Việt Nam. Ở 3 kỳ ASIAD gần nhất vào các năm 2014, 2018 và 2023, Thể thao Việt Nam chỉ giành được thành tích tương đối khiêm tốn lần lượt là 1 HCV, 10 HCB, 25 HCĐ (2014); 4 HCV, 15 HCB, 19 HCĐ (2018) và 3 HCV, 5 HCB 19 HCĐ (2023).
Theo đánh giá từ giới chuyên môn, việc tranh chấp thành tích trên đấu trường ASIAD của các VĐV Việt Nam chưa thực sự đạt và duy trì sự ổn định về thành tích. Thực tế cho thấy, mặc dù tại các kỳ SEA Games, Việt Nam vẫn duy trì được vị trí và sự tiến bộ về thành tích nhưng tại đấu trường ASIAD, chúng ta vẫn chưa có được sự ổn định và đảm bảo về thành tích đặc biệt là khi so sánh với những nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia khi các quốc gia này luôn đảm bảo được số lượng và chất lượng của lực lượng VĐV tham dự.
Thành công tại SEA Games được xem là yếu tố giúp Thể thao Việt Nam định hình và tạo "bàn đạp" hướng tới ASIAD. Trong định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, VĐV thi đấu các môn thi đấu tại ASIAD đều nằm trong ba nhóm được quy hoạch, phân nhóm môn thể thao, xác định nội dung thế mạnh có khả năng giành HCV.
Theo mục tiêu đặt ra, Thể thao Việt Nam phấn đấu giành từ 5-6 HCV ở các môn: Bắn súng, Karate, Cầu mây, Xe đạp, Điền kinh, Đua thuyền, Thể thao điện tử, Taekwondo, Wushu…tại kỳ Đại hội tiếp theo là ASIAD 20 Aichi-Nagoya 2026 và chuẩn bị lực lượng để có thể giành từ 7-8 HCV tại ASIAD 21 Doha 2030.
Điều này cho thấy tầm quan trọng của Đại hội thể thao lớn nhất châu lục trong chiến lược phát triển của Thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, cần có một kế hoạch, lộ trình phát triển bài bản, đồng bộ từ cấp thấp nhất cũng như sự đầu tư về mọi mặt./.