(Tổ Quốc)-Năm 2016 không chỉ ghi nhận thành tích ấn tượng nhất trong lịch sử của ngành du lịch với việc đón 10 triệu lượt du khách quốc tế mà còn ghi dấu nhiều chỉ đạo mang tính đột phá dành cho Du lịch.
1. Bộ Chính trị họp và nhất trí ban hành Nghị quyết về Phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Ngày 16/12/2016, Bộ Chính trị đã họp và cho ý kiến về đề án “Phát triển Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, đồng thời nhất trí ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị về Phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong tháng 12. Sự kiện này được đánh giá là cơ hội lịch sử để ngành Du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Hiện thực hóa chỉ đạo này, ngày 16/1, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Đến 2020, thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp.
Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Chính trị đề ra 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, từ đổi mới tư duy, nhận thức; cơ cấu lại ngành du lịch; hoàn thiện thể chế, chính sách đến đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật; tăng cường xúc tiến quảng bá, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.
2. Thủ tướng Chính phủ triệu tập và lần đầu tiên chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tại Thành phố Hội An (tháng 8/2016)
Lần đầu tiên kể từ khi thành lập ngành du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập và chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tại thành phố Hội An vào tháng 8.2016. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển du lịch, trong đó tập trung một số nội dung cụ thể về thủ tục nhập cảnh, phát triển hạ tầng giao thông, thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, quản lý điểm đến và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền và nâng cao vai trò của các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch.
Hội nghị toàn quốc về Phát triển du lịch do Thủ tướng Chính phủ chủ trì (Ảnh: TT&VH) |
3. Chấn chỉnh, rà soát chất lượng dịch vụ lưu trú trên toàn quốc
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch (9/8/2016), chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện về việc khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác quản lý chất lượng dịch vụ cơ sở lưu trú trên toàn quốc, Tổng cục Du lịch đã triển khai quyết liệt và thành công Chiến dịch nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú tại 22 tỉnh/thành là địa bàn trọng điểm về du lịch.
Tổng cục Du lịch đã triển khai quyết liệt và thành công Chiến dịch nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú tại 22 tỉnh/thành là địa bàn trọng điểm về du lịch (Ảnh: Báo Du lịch) |
Chiến dịch nâng cao chất lượng, hình ảnh du lịch Việt Nam đã thu được những thành công bước đầu, tạo dấu ấn lan tỏa trong toàn ngành, góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư và người quản lý, điều hành cơ sở lưu trú về sự cần thiết phải duy trì và kiểm soát chất lượng dịch vụ. Từ đó, tạo bước chuyển biến căn bản trong việc nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng dịch vụ, giáo dục ý thức ứng xử văn minh, thái độ lịch sự, thân thiện tại các cơ sở lưu trú. Trong Chiến dịch này, Tổng cục Du lịch đã thu hồi Quyết định công nhận hạng sao đối với 36 khách sạn từ 3-5 sao.
4. Tiếp tục miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu từ 1/7/2016
Ngày 1/7/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết gia hạn việc miễn thị thực có thời hạn đối với công dân các nước: Vương quốc Anh, Cộng hòa Pháp, Cộng hoà liên ban Đức, Vương quốc Tây Ban Nha, Cộng hòa Italy. Cụ thể, Chính phủ quyết định gia hạn thêm 1 năm, đến hết ngày 30/6/2017 đối với việc miễn thị thực cho công dân 5 nước trên khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú tại Việt Nam không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trước đó, việc miễn thị thực cho công dân 5 nước này đã được thực hiện trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày 1/7/2015 đến hết ngày 30/6/2016 và đã thể hiện hiệu quả trong việc thu hút khách từ những thị trường này. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tốc độ tăng trưởng tổng lượng khách từ 5 nước Tây Âu tăng liên tục từ khi Việt Nam áp dụng chính sách miễn thị thực. Riêng trong năm 2016, 5 thị trường này có mức độ tăng trưởng 20%, mức tăng trưởng hiếm có đối với thị trường xa như châu Âu.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam khẳng định, việc miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu tạo ra cú hích cho sự tăng trưởng lượng khách quốc tế tới Việt Nam. Năm 2016, lượng khách từ thị trường Tây Âu tăng xấp xỉ 20%, lập tức các thị trường khác đều tang, góp phần đưa lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt con số kỷ lục 10 triệu lượt.
4. Thí điểm cấp visa điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam
Sáng 22/11/2016, với 91.08% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong thời hạn hai năm, áp dụng từ ngày 1/2/2017. Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch và các doanh nghiệp du lịch, visa điện tử là bước đi đột phá, được xem là một "đòn bẩy" thu hút khách du lịch các nước đến Việt Nam trong thời gian tới. Đây cũng là một trong những giải pháp thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để giúp du lịch phát triển.
5. Hoàn thiện đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch
Sau nhiều năm mới chỉ dừng ở mức ý tưởng, đề xuất, tại Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tổ chức tại Hội An (tháng 8-2016), Thủ tướng Chính phủ đã chính thức đồng ý thành lập Quỹ phát triển du lịch Việt Nam (VTF). Đây được xem là giải pháp quan trọng nhằm tạo đà cho ngành “công nghiệp không khói” cất cánh. Đến thời điểm này, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL đã hoàn thiện hồ sơ Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong bối cảnh ngành du lịch nước ta đang phải đối mặt nhiều thách thức, nhất là sự hạn chế về nguồn lực trong công tác xúc tiến, quảng bá thì việc hình thành quỹ chính là quyết sách nhằm gỡ khó khăn cho toàn ngành du lịch thông qua thúc đẩy mô hình hợp tác công - tư, huy động nguồn lực rộng rãi giúp công tác quảng bá, xúc tiến được triển khai chủ động và hiệu quả theo kế hoạch dài hạn, hướng tới sự chuyên nghiệp và kịp thời ứng phó các biến động./.