Với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, bản nằm trong địa phận rừng nguyên sinh, đồi rừng cọ, nương chè, khí hậu trong lành, con người thật thà, đôn hậu, hiếu khách.
Theo truyền thống, khi các cô gái Tày về nhà chồng thì ngoài lễ vật cưới hỏi còn có thêm chiếc nón lá. Chiếc nón thể hiện sự khéo léo của người con gái và ngụ ý ước mong cuộc sống hạnh phúc đến khi đầu bạc răng long. Thế nhưng theo thời gian, phong tục này cũng đang dần thay đổi.
Hiện nay, xã Bản Liền chỉ còn vài người biết làm nón lá cọ và đều là những bà lão trên 70 tuổi.
Với độ khó và sức khỏe của họ, phải mất từ 2 đến 3 ngày mới hoàn thành một chiếc nón. Nón lá cọ rất dẻo dai, có độ bền cao nên làm ra tới đâu là hết tới đó.
Cụ Lâm Thị Tánh và cụ Lâm Thị Nháng (huyện Bắc Hà, Lào Cai) đều đã ngoài 77 tuổi. Hai cụ được học làm nón lá cọ từ nhỏ, đến nay cũng đã ngót nghét vài chục năm.
Dù tuổi đã cao, bàn tay khâu nón vẫn thoăn thoắt khéo léo và đôi mắt vẫn nhìn rõ đường kim mũi chỉ.
Cụ Lâm Thị Nháng dù đã ngoài 77 tuổi nhưng đôi bàn tay vẫn khéo léo cắt từng chiếc lá cọ để đan nón.
Để có một chiếc nón cọ đẹp, người làm phải chọn những chiếc lá đủ to, mỏng đều, sau đó mang về phơi vừa nắng, tạo độ dai cần thiết cho chiếc lá, tiếp đó mới đến công đoạn cắt thớ lá và ép phẳng rồi mới đan nón. Vành nón được làm bằng cật tre để đảm bảo vừa dẻo vừa có độ bền cao. Khi đan, người làm cần khéo tay để tránh lá bị rách hoặc chia lá không đều khiến khó đan.
Khâu khó nhất khi làm nón là bẻ cuống sao cho 2 chiếc lá ráp khít vào nhau rồi khâu lại. Nếu như người Kinh có khung sẵn để chằm lá thì nón Bản Liền hoàn toàn phụ thuộc vào sự khéo léo của người làm. Nón lá của người Tày ở Bản Liền được làm bằng tàu lá cọ nguyên bản, không phơi khô, không làm trắng. Chính cái mộc mạc đó càng tôn lên sự khéo léo của đôi bàn tay phụ nữ Tày.
Mỗi tháng, một nghệ nhân có thể làm ra khoảng 10 chiếc nón lá cọ. Người mua nón có thể tìm đến nhà nghệ nhân hoặc tham gia phiên chợ thứ 5 hàng tuần tại Bản Liền. Nón lá nhỏ có giá 50.000 đến 80.000 đồng, nón lá cỡ lớn có giá 120.000 đồng. Thu nhập trung bình hàng tháng từ nghề làm nón dao động ở mức 600.000 đồng.
Một số khách du lịch tới Bản Liền được hướng dẫn trải nghiệm làm nón lá.
Theo các cụ, việc khó nhất là phải bẻ cuống sao cho 2 chiếc lá ráp vào nhau rồi khâu lại thật tỉ mỉ, cầu kì. Thành quả sẽ là những chiếc nón thật sự hữu ích, gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và tạo sản phẩm du lịch độc đáo.
Chị Vàng Thị Ngoạn ở thôn Đội 4, xã Bản Liền, là một trong số ít những người trẻ tuổi thành thạo nghề làm nón lá do được các cụ truyền dạy. Đam mê với truyền thống của dân tộc, chị Ngoạn đã theo học nghề từ các bậc cao niên trong xã, trước là để đan nón phục vụ sinh hoạt trong gia đình, sau là để chị em trong thôn cùng học, cùng biết. "Đi chợ, thấy người già làm nón, tôi cũng thích và muốn học để làm theo. Để làm được chiếc nón lá cọ rất khó nhưng học từ từ cũng sẽ làm được", chị Ngoạn chia sẻ.
Những năm gần đây, du lịch cộng đồng ở xã Bản Liền được đánh thức tiềm năng và đang trên đà phát triển. Chính vì vậy, nón lá cọ không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân địa phương mà dần trở thành sản phẩm làm quà lưu niệm mang giá trị bản sắc văn hóa đối với du khách. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để sản phẩm nón lá cọ của người Tày ở Bản Liền có cơ hội được quảng bá rộng rãi hơn, đồng thời tiếp thêm động lực để những hội viên phụ nữ nơi đây kiên trì gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của dân tộc.
Một số du khách nước ngoài vô cùng thích thú với nón của người Tày.
*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện