• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những Diva huyền thoại của nền âm nhạc bác học thế giới (Phần 3)

Giải trí 17/12/2022 08:19

(Tổ Quốc) - Kirsten Flagstad và Birgit Nilsson là hai giọng nữ cao siêu kịch tính vĩ đại nhất thế kỷ XX.

Diva là một danh hiệu cao quý mà công chúng dành tặng cho một số ít nữ ca sĩ có tài năng xuất chúng trong thanh nhạc và âm nhạc.

Đối với hầu hết các nữ ca sĩ đã và đang hoạt động trong nghệ thuật âm nhạc, diva luôn là giấc mơ, khát khao tột bậc của họ, là nấc thang cao nhất mà họ muốn vươn tới để khẳng định sự nghiệp của mình.

Với công chúng, diva là một trong những thước đo để đánh giá, công nhận năng lực, cống hiến của người nghệ sĩ nữ.

Dù danh hiệu này thuộc về công chúng, không có bất cứ tổ chức nào đứng ra xếp hạng hay bình chọn, nhưng nó cũng có những quy chuẩn vô cùng khắt khe mà rất ít nữ ca sĩ có thể đạt được.

Thông thường, một nữ ca sĩ được gọi là Diva cần có giọng hát hiếm thấy, kỹ thuật thượng thừa và cống hiến to lớn với nền âm nhạc.

Rất nhiều ca sĩ từng gây ý kiến trái chiều khi tự nhận hoặc được gọi là Diva. Nhưng cũng có một số ít ca sĩ đóng đinh với chữ Diva, khiến công chúng luôn nhớ đến họ mỗi khi nhắc đến danh xưng này. Họ là những Diva huyền thoại và trác tuyệt, đúng nghĩa nhất, khiến ai cũng ngưỡng mộ.

Cần phải nhắc đến Diva Opera đầu tiên, vì họ là những Diva nguyên gốc, với đầy đủ mọi chuẩn mực cao quý nhất của nền âm nhạc bác học.

Những Diva huyền thoại của nền âm nhạc bác học thế giới (Phần 3) - Ảnh 1.

Kirsten Flagstad

Kirsten Flagstad – Nữ thần bước ra từ những trang Opera sử thi   

Opera vốn dĩ đã là dòng nhạc hàn lâm cực kỳ khó hát, nhưng trong đó còn có một trường phái gần như hiếm ca sĩ nào dám động vào. Đó là trường phái Opera Wagner, do nhà soạn nhạc thiên tài Richard Wagner sáng tạo ra.

Chỉ một số hiếm ca sĩ sở hữu giọng hát đặc biệt mới theo được trường phái này và họ được gọi là Wagnerian Soprano (nữ cao siêu kịch tính).

Wagner được xem là kẻ cực đoan trong âm nhạc. Quan điểm của ông là coi giọng hát chỉ như một thứ nhạc cụ và cần phải khai thác nó ở mức tối đa. Bởi vậy, Opera của ông thường được ví như "cỗ máy chém" giọng hát.

Thứ nhất, với nội dung về thần thoại, sử thi trường kì nên Opera của Wagner thường diễn ra trong thời gian rất dài, trung bình 4 giờ đồng hồ cho một vở. Chẳng hạn, bộ 4 vở opera Der Ring des Nibelungen nếu hoàn thành phải mất 15 giờ đồng hồ.

Trong đó, chỉ riêng vở Gotterdammerung đã kéo dài tới 5 giờ đồng hồ. Lượng thời gian nhân vật Brunhilde (vai nữ chính dành cho nữ cao kịch tính) xuất hiện chiếm không nhỏ, và càng về cuối lại càng cần đẩy lên kịch tính.

Hay như vai Gurnemanz trong vở Parsifal đòi hỏi đến nửa già màn I (tầm gần 1 tiếng) nhân vật nữ chính phải đứng trên sân khấu để chống chọi dàn nhạc mà không được phép dùng micro.

Thứ hai, vì muốn tạo ra âm hưởng sử thi, hùng tráng nên biên chế dàn nhạc của Wagner khá đồ sộ, trên dưới 100 nhạc công, với nhiều bộ nhạc cụ bằng đồng (loại nhạc cụ cho âm lượng cực lớn). Ca sĩ buộc phải hát thật to nếu không muốn bị áp đảo bởi dàn nhạc.

Nếu không có chất giọng to khỏe vượt trội bẩm sinh và sức khỏe bền bỉ, ca sĩ sẽ không thể hát không micro liên tục trong thời gian dài với cường độ âm lượng lớn để đối đầu với dàn nhạc khổng lồ phía sau.

Mặt khác, dù hát với âm lượng cực lớn, nhưng ca sĩ vẫn phải giữ được sự tự nhiên của giọng hát và tỏ ra thoải mái, chứ không phải kiểu cố rướn lên cho thật to.

Trên thực tế, có nhiều ca sĩ Opera dù có kĩ thuật thượng thừa, nhưng vì cố gắng hát những vai kịch tính trong nhiều năm (trong khi nó không thuộc loại giọng bẩm sinh của họ), nên giọng hát đã bị tàn phá nặng nề, phải nghỉ hưu sớm, điển hình như Beverly Sills, Katia Ricciarelli, Giuseppe di Stefano...

Diva huyền thoại nước Úc Nellie Melba từng liều mình thử một lần hát vai Brunhilde của Wagner. Điều này khiến thanh đới của bà bị hư tổn và phải tĩnh dưỡng nhiều tháng. Giọng hát của bà sau đó cũng không còn giữ được vẻ đẹp trong trẻo như trước.

Hay, Astrid Varnay dù là một Wagnerian soprano nổi bật trong những năm 40, 50, nhưng vì không khai thác đúng giọng hát của mình mà ép nó phải chống chọi với Opera Wagner quá nhiều nên cũng xuống giọng khi ngoài 40 tuổi.

Bởi vậy, chỉ có những giọng kịch tính bẩm sinh được đào tạo bài bản theo đúng thời gian mới dám hát nhạc Wagner. Loại giọng này rất hiếm, chưa từng xuất hiện ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Nó xuất hiện nhiều hơn ở vùng xứ lạnh như các nước Bắc Âu và Đông Âu.

Tuy vậy, ngay cả ở những chủng tộc này, giọng kịch tính xuất hiện cũng không nhiều và ít hơn hẳn các loại giọng khác.

Những Diva huyền thoại của nền âm nhạc bác học thế giới (Phần 3) - Ảnh 2.

Dù có nhiều ca sĩ hát Opera Wagner nhưng trong lịch sử âm nhạc, có hai giọng nữ cao kịch tính nổi tiếng chuyên trị Opera Wagner và gây ấn tượng mạnh mẽ nhất. Đó là Kirsten Flagstad và Birgit Nilsson. Họ được xem là của báu, lên tới hàng huyền thoại vì giọng hát thiên bẩm của mình.

Kirsten Flagstad sinh năm 1885 tại Nauy và có một sự nghiệp Opera phát triển rực rỡ khắp thế giới. Tầm ảnh hưởng và đóng góp của bà lớn tới mức chính phủ Nauy đã in hình bà lên máy bay của hãng hàng không nước này. Nói cách khác, tên tuổi Flagstad thực sự đã vươn tới tầm văn hóa, lịch sử chứ không đơn giản là một ca sĩ.

Flagstad bắt đầu sự nghiệp bằng việc hát một số vở Opera trữ tình nhẹ nhàng nhưng không thực sự gây ấn tượng vì giọng hát của bà không phù hợp với chúng, chưa được phát huy thế mạnh tiềm ẩn.

Theo lời góp ý của giới chuyên môn, Flagstad chuyển qua hát những vai nặng hơn và tiến tới Opera Wagner như một định mệnh để trở thành giọng hát duy nhất thống trị mảng nhạc này trong suốt nửa đầu thế kỷ XX.

Trong số những giọng nữ cao hàng đầu thể kỷ, Flagstad dường như nổi bật hơn cả nhờ sở hữu một giọng hát độc đáo không lẫn vào đâu được.

Không những có âm lượng khổng lồ, khoẻ khoắn, nổi trội xuyên thấu cả dàn nhạc và đậm chất kịch tính như một Wagnerian Soprano chuẩn mực, âm sắc trong giọng hát của Flagstad còn có nét đặc trưng là ấm áp, truyền cảm, rất đúng chất Na Uy.

Nhiều người mô tả giọng hát của Flagstad khác hoàn toàn những giọng nữ cao kịch tính khác ở chỗ, nó có sự ấm áp, đầy đặn, mềm mại của một giọng trữ tình nhưng lại khổng lồ hơn bất cứ giọng kịch tính nào.

Âm lượng trong giọng hát của Flagstad lớn tới mức làm rung chuyển cả một dàn nhạc. Nhiều khán giả ngày ấy nói rằng, họ chưa từng nghe một giọng hát nào lớn đến thế. Nhờ âm lượng to tự nhiên nên Flagstad hát cao trào cực kỳ thoải mái, tưởng chừng rất dễ dàng như một hơi thở như lại áp đảo mọi thứ, không bị gắng gượng như những ca sĩ khác.

Vẻ đẹp tối ưu trong âm thanh là điều tuyệt vời nhất Flagstad làm được. Bà có thể phóng ra những quãng âm khổng lồ, siêu cộng hưởng, vang vọng và có tính sử thi, hùng tráng, như một nữ thần. Giọng hát Flagstad dường như đóng đinh cho kiểu nhân vật nữ anh hùng, nữ thần trong Opera Wagner.

Ngoài ra, Flagstad còn là một trong số ít những soprano kịch tính không bị hỏng giọng và duy trì đụơc chất giọng tốt đến cuối sự nghiệp biểu diễn. Tới tận ngoài 60 tuổi, bà vẫn hát rất đẹp và lộng lẫy. Giọng nữ cao màu sắc huyền thoại Joan Sutherland coi Flagstad là thần tượng lớn nhất của mình và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ bà.

Những Diva huyền thoại của nền âm nhạc bác học thế giới (Phần 3) - Ảnh 3.

Birgit Nilsson

Birgit Nilsson – Giọng nữ cao kịch tính vĩ đại nhất thế kỷ

Là đàn em của Kirsten Flagstard nhưng Birgit Nilsson xứng đáng với danh hiệu giọng hát khổng lồ của mọi thời đại. B là nữ cao kịch tính xuất sắc và thành công nhất thế kỉ XX, người đại diện cho trường phái Opera Wagner.

Khác với tất cả các giọng nữ cao kịch tính khác vốn có âm sắc hơi tối kiểu nữ trung, Nilsson sở hữu một âm sắc sáng rực như một nữ cao màu sắc. Đây là một điều vô cùng quý hiếm, vì dù sáng và cao vút nhưng lại không mảnh, nhẹ như như nữ cao màu sắc thông thường, mà lại chắc nịch, đanh thép, khổng lồ đúng nghĩa kịch tính thực sự.

Theo nhiều tài liệu ghi nhận, Nilsson có thể lên tới note F6, một note thuộc ngưỡng rất cao của giọng màu sắc mà giọng kịch tính không thể lên tới được.

Nilsson còn đặc biệt hơn nữa so với các giọng ca khác khi càng về già, giọng của bà lại càng sáng ra. Bà cũng là một trong số rất ít nữ cao kịch tính có thể giữ giọng lâu bền mà không hề có dấu hiệu mất giọng, dù phải hát thường xuyên những vai kịch tính nặng trong suốt sự nghiệp.

Về kĩ thuật, có thể nói, Nilsson nắm trùm ở mảng "project" âm thanh, với những note B5, C6 được phóng ra với âm lượng khổng lồ, đanh thép, xuyên thủng một dàn nhạc, mà lại vô cùng chuẩn mực, chính xác đến không ngờ. Gần như không có giọng nam nào dám đọ giọng với bà ở những note cao vì uy lực của bà quá lớn, sẵn sàng át hết các giọng ca hát chung.

Và mặc dù đồ sộ như vậy, nhưng bà vẫn có đầy đủ kĩ thuật và khả năng làm cho giọng hát của mình trở nên mềm mại ở những chỗ cần thiết. Thậm chí, kĩ thuật vuốt nhỏ giọng (pianissimo) của bà còn tốt hơn người ta tưởng rất nhiều. Khả năng điều khiển hơi thở tốt, giữ hơi bậc thầy giúp bà tung được những chuỗi note kịch tính căng tràn trong suốt một làn hơi dài bất tận, điều được coi là khó khăn với giọng kịch tính vốn bị âm lượng quá to chèn mất hơi thở.

Với tất cả những điều đặc biệt trên, Nilsson là giọng kịch tính thành công nhất ở mảng Opera kịch tính nói chung và trường phái Opera Wagner nói riêng. Sự nghiệp của bà là cuốn giáo trình tuyệt vời nhất để các giọng kịch tính sau này học hỏi.

Những Diva huyền thoại của nền âm nhạc bác học thế giới (Phần 3) - Ảnh 4.

Một trong những aria đỉnh cao nhất của Nilsson phải kể đến In questa reggia (trích từ vở opera Turandot của Puccini). Aria này thuộc vai diễn kịch tính nặng dành riêng cho nữ cao kịch tính, mà nhiều giọng spinto soprano chỉ dám thu trong phòng thu âm, chứ khó mà hát thường xuyên trên sân khấu được như Nilsson.

Khác với các nữ cao kịch tính khác, Nilsson hát aria này với âm sắc sáng rực của giọng màu sắc, nhưng âm lượng áp đảo toàn bộ dàn nhạc, những note C6 của bà trong aria này đã trở thành huyền thoại với sự chuẩn mực đến khó tin. Và có lẽ, không một tenor nào dám "chọc giận" Nilsson nếu không muốn bị bà áp đảo hoàn toàn trong trận chiến của những note đô cao này.

Long Phạm

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ