(Tổ Quốc) - Để có được sự nổi tiếng và giàu có như ngày hôm nay, nhiều doanh nhân đã phải đi lên từ tuổi thơ hết sức nghèo đói, khó khăn, cơ cực như: Bầu Đức, "Vua" cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ...
Bầu Đức - cậu bé chăn trâu sống cảnh bần hàn
Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) là một cái tên vô cùng nổi tiếng bởi sở hữu phi cơ riêng, danh hiệu người giàu nhất sàn chứng khoán Việt năm 2008, "ông bầu" bóng đá.... Dù vậy, để có thành quả đó, ông đã trải qua tuổi thơ vô cùng khốn khó.
Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) . Nguồn: Dân Việt
Ông Đoàn Nguyên Đức sinh năm 1962 trong một gia đình nghèo 9 anh em tại xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Kinh tế cả gia đình đều phụ thuộc vào sào ruộng, những bữa cơm đều trộn khoai sắn. Cuộc sống cơ cực khiến cậu bé chăn trâu Đoàn Nguyên Đức năm ấy khao khát được đổi đời, bước chân ra khỏi cái bần hàn.
Năm 1982, học hết lớp 12, Bầu Đức khi đó là một cậu bé gầy gò đã phải bắt đầu bươn chải do các cánh cửa vào Đại học đều từ chối. Với ý chí, nghị lực sẵn có, ông quyết tâm khởi nghiệp sau đó vài năm với công việc ban đầu là điều hành một phân xưởng mộc.
Năm 1990, ông trực tiếp điều hành một phân xưởng mộc nhỏ, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại xã. Sau đó ông mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất đồ nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác.
Năm 1993, ông thành lập xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku. Đến năm 2006, nó trở thành Công ty Cổ Phần Hoàng Anh Gia Lai với nhiều lĩnh vực kinh doanh như khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc và bóng đá. Công ty bắt đầu niêm yết chứng khoán Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) vào năm 2008 với mã HAG. Tính đến thời điểm tháng 11 năm 2010 tổng vốn hóa thị trường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đạt 22.524,09 tỷ đồng.
"Vua" cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ: Không có nổi 2 triệu đồng chữa bệnh cho bố
Người sáng lập, chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ sinh ngày 10/02/1971 tại huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1979, gia đình ông chuyển đến sinh sống ở huyện miền núi M'drak, tỉnh Đắk Lắk.
Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ. Nguồn: VTC News
Tuổi thơ đi học của ông là những ngày bẻ ngô, nuôi lợn và giúp mẹ đóng gạch, lội bộ trên con đường đất đỏ dài 15km suốt 9 năm đến trường. Là một học sinh giỏi, năm 1990, ông Vũ thi đậu Đại học Y Tây Nguyên. Vừa đi học, ông vừa làm thêm kiếm sống.
Năm 1981, bố ông gặp trọng bệnh, gia cảnh sa sút. Khi đó, ông đã chạy vạy khắp trong dòng tộc không làm sao kiếm đủ 2 triệu đồng cho bố chữa bệnh.
Sự cơ cực khi đó đã hình thành ý chí làm giàu trong ông. Năm 1996, cùng với sự hợp tác ban đầu của 3 người bạn, ông Vũ lập nên "Hãng Cà phê Trung Nguyên", là một cơ sở vài m2, chiếc máy rang thủ công cũ kỹ, một quán cà phê nhỏ ở Buôn Mê Thuột và giao cà phê rang xay cho các quán khác. Hàng ngày, ông Vũ lóc cóc đạp xe đi giao cà phê khắp nơi và cố gắng tìm tòi những công thức mới phục vụ người dùng.
Năm 1998, cà phê của Trung Nguyên mở ở TP.HCM, được nhắc đến như là doanh nghiệp đầu tiên kinh doanh mô hình nhượng quyền thương hiệu và bắt đầu xuất hiện các quán cà phê nhượng quyền thương hiệu Trung Nguyên.
Sau hơn 20 năm thành lập và lăn lộn trên thị trường, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã gây dựng cho mình một sự nghiệp thành công với khối tài sản khổng lồ.
Vị đại gia 48 tuổi, ngoài việc kinh doanh cũng là người thích sưu tầm xe hơi và ông đã sở hữu hàng loạt siêu xe. Trong đó, có thể kể tới những chiếc xe như: Mercedes-AMG SLS Coupe, 2 chiếc SUV siêu sang, siêu nhanh Bentley Bentayga, 2 chiếc Rolls-Royce Ghost, 3 chiếc Range Rover SVAutobiography, Porsche Boxster, Lexus LX570, 2 chiếc Mercedes-Benz G-Class.
Đại gia Lê Ân: Tha phương cầu thực, thuê máy may mưu sinh
Ông Lê Ân sinh năm 1938 (Mậu Dần) trong một gia đình đông anh em ở Quảng Nam. Ông là người con thứ 5, có một tuổi thơ nghèo khó, túng thiếu.
Đại gia Lê Ân. Nguồn: ĐSPL
Đại gia Lê Ân từng bắt đầu mưu sinh bằng cách mướn một chiếc máy may hiệu Singer đã cũ, loại máy sử dụng bàn đạp bằng chân, rồi đặt trên vỉa hè trước một trại lính để sửa đồ cho khách. Hơn năm sau, Lê Ân đã có đủ tiền mua lại cái máy may đã mướn. Đồng thời, mua thêm 2 cái máy may khác rồi thuê thợ làm thêm cho mình.
Một lần, Lê Ân tiếp vị khách lạ. Khách là đàn ông người Bắc, vào Nam từ năm 1948. Vị khách này đã truyền nghề may áo vest cho ông. Như người cùng đường gặp lối thoát, Lê Ân nhanh chóng nhận lời và trở thành đệ tử của vị khách lạ ấy.
Sau khi học hết nghề, ông Lê Ân gom hết vốn liếng, về Sài Gòn, thuê một căn nhà trên đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần) rồi mở một tiệm chuyên may đồ vest với tên gọi Chiến"s Tailor.
Chỉ một thời gian ngắn, Chiến"s Tailor trở thành một trong những tiệm may đồ vest hàng đầu của Sài Gòn.
Có tiền từ Chiến"s Tailor, Lê Ân bắt đầu mở rộng thêm các ngành nghề kinh doanh khác, như thành lập xưởng sản xuất giày dép da hiệu Italy, kinh doanh xe lam, xe buýt chạy tuyến đường Sài Gòn - Bảy Hiền - Bà Chiểu, thành lập công ty kinh doanh địa ốc...