• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những giá trị văn hóa phải được lan tỏa mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông

Thời sự 25/06/2021 18:25

(Tổ Quốc) - Sáng 25/6, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, báo chí của Bộ VHTTDL.

Tham dự và chủ trì Hội nghị có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương.

Hội nghị có sự tham dự của ông Lê Hải Bình- UV dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Hồ Quang Lợi- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Trần Thanh Lâm, Vụ trưởng Vụ Báo chí xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Thanh Lâm- Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT; ông Phạm Mạnh Hùng- Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; các giảng viên, chuyên gia trong lĩnh vực báo chí, truyền thông; lãnh đạo các cơ quan báo chí; lãnh đạo các Tổng cục, các Cục, Vụ, Viện, lãnh đạo các cơ quan báo chí và các đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL.

Những giá trị văn hóa phải được lan tỏa mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông - Ảnh 1.

Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, báo chí của Bộ VHTTDL

Lan tỏa mạnh mẽ những giá trị văn hóa

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Triển khai kế hoạch phát triển Kinh tế xã hội 10 năm của đất nước... Trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành, có rất nhiều nhiệm vụ quan trọng được đề ra nhằm xác định năm mở đầu cho việc xây dựng thể chế chính sách của ngành VHTTDL. Vì vậy, ngay từ đầu năm, sau khi học tập quán triệt Nghị quyết của Đảng, Bộ VHTTDL đã yêu cầu chương trình hành động các đơn vị trong ngành phải đặt lên hàng đầu vấn đề cụ thể hóa Nghị quyết.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ VHTTDL luôn ý thức được rằng, muốn thực hiện tốt nhiệm vụ của toàn ngành nhất thiết phải đổi mới về công tác truyền thông và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan báo chí thuộc Bộ. Vì vậy, hơn lúc nào hết, Bộ phải đánh giá và định vị lại hệ thống báo chí của Bộ đang quản lý và công tác truyền thông của Bộ trong thời gian qua. Khẳng định những kết quả làm được cũng như chỉ ra những tồn tại, khó khăn, hạn chế và trả lời cho được những câu hỏi mà thực tiễn đang đặt ra đối với ngành VHTTDL.

Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị với chủ đề lớn, rộng nhưng cũng là nghiên cứu bước đầu: Xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại- một trong những yêu cầu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.

Từ nhìn nhận lại công tác báo chí và xác định trách nhiệm, yêu cầu của Bộ đối với công tác truyền thông và cơ quan báo chí của Bộ, thời gian qua, đã thực hiện đúng vai trò là cơ quan dẫn nguồn các hoạt động trong lĩnh vực VHTTDL hay chưa, đã lan tỏa được những giá trị tốt đẹp của tổ chức, giá trị căn bản, cốt lõi của văn hóa Việt Nam ra toàn xã hội hay chưa. Trong đó, báo chí của Bộ phải là cơ quan trọng yếu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ này. Đặc biệt, cơ chế phối hợp với các cơ quan truyền thông khác để thực hiện đầy đủ các nội dung đó.

Bộ trưởng mong muốn trên tinh thần nhìn thẳng, cần đánh giá đúng để tiếp nhận những ý kiến xác đáng, khẳng định những kết quả mà công tác truyền thông báo chí của Bộ trong thời gian qua. Đặc biệt, cũng trên tinh thần cầu thị, các cơ quan báo chí của Bộ phải nhìn nhận thấu đáo những vấn đề bất cập, khó khăn để kiến nghị xác đáng với cơ quan có thẩm quyền để cùng tháo gỡ. Từ đó nhìn nhận một cách tổng thể về nhiệm vụ truyền thông của Bộ trong 5 năm tới, cần truyền tải thông điệp gì đến với nhân dân, làm sao để lan tỏa được những giá trị cốt lõi của văn hóa, để văn hóa trở thành động lực của sự phát triển, là sức mạnh nội sinh như Đảng đã nói và Bác Hồ đã căn dặn: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi.

Bộ trưởng cũng mong muốn các cơ quan lãnh đạo báo chí, nhà báo kinh nghiệm chia sẻ những bài học hay, những kinh nghiệm quản lý, những đóng góp chân tình mang tính xây dựng và đặc biệt gợi mở những hướng kết nối trong bối cảnh làm báo đa phương tiện và truyền thông trên mạng để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, những kỳ vọng Đảng, Nhà nước đặt vào Bộ.

Những giá trị văn hóa phải được lan tỏa mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị đã nhận được gần 30 tham luận của các địa biểu, 8 tham luận được trình bày tại Hội nghị.

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Hội Nhà báo đặc biệt coi trọng công tác truyền thông về văn hóa và đánh giá cao những tác phẩm viết về văn hóa. Trong các giải báo chí như Giải Báo chí Quốc gia, nhiều tác phẩm về văn hóa đã được tôn vinh.

Theo ông Hồ Quang Lợi, cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Bộ VHTTDL đối với các cơ quan báo chí và Hội Nhà báo Việt Nam. Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ VHTTDL cần xác lập một cơ chế thông tin phù hợp, khoa học, theo phương châm minh bạch và kịp thời. "Sẽ không có đất sống cho tin giả trong văn hóa và các lĩnh vực khác, tránh chạy theo giải thích. Minh bạch là sức mạnh của thông tin, càng minh bạch càng dễ làm việc"- ông Hồ Quang Lợi nói.

Cũng theo ông Hồ Quang Lợi, cần cung cấp kịp thời các chủ trương, chính sách, những kế hoạch, chương trình của Bộ để báo chí đồng hành. Bộ chủ động cung cấp thông tin cho báo chí nhanh hơn những thành tựu, kết quả, nhân tố mới, điển hình theo phương châm lấy đẹp dẹp xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.

Ông Hồ Quang Lợi cho rằng, cần tổ chức các đợt tập huấn cho phóng viên chuyên ngành viết về văn hóa. Thường xuyên hội thảo, gặp gỡ báo chí, họp báo định kỳ trao đổi thông tin liên quan đến các hoạt động trong các lĩnh vực VHTTDL, nhất là các vấn đề nóng cần định hướng nhận thức.

Theo ông Phạm Mạnh Hùng: Phó TGĐ Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ VHTTDL cần chủ động tương tác với báo chí. Chủ động sẽ giảm thiểu rủi ro, cố gắng tổ chức những chương trình truyền thông trọng điểm theo ưu tiên của ngành.

Những giá trị văn hóa phải được lan tỏa mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông - Ảnh 3.

Ông Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương

Ông Phạm Mạnh Hùng cũng chỉ ra lực lượng truyền thông mà Bộ VHTTDL đang sở hữu nhưng chưa khai thác hiệu quả, đó là các văn nghệ sĩ nổi tiếng, các cầu thủ…. Đội ngũ này có lượng fan hùng hậu, lượng theo dõi trên mạng xã hội vô cùng lớn, bởi vậy, nếu thông tin về các chính sách của Bộ nhận được sự truyền thông của họ sẽ tác động rất lớn đến nhận thức của người dân.

Ông Lê Hải Bình, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Vụ trưởng Vụ Thông tin đối ngoại và Hợp tác quốc tế, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, việc Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, báo chí không chỉ là nâng cao hiệu quả truyền thông của một ngành, củng thể hiện tầm nhìn không theo tư duy nhiệm kỳ. Hội nghị góp phần xây dựng nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn, tư duy chiều sâu.

Ông Lê Hải Bình cũng cho rằng, thời gian qua ngành VHTTDL đã chuyển tải, quảng bá những hoạt động da dạng, phong phú trong VHTTDL. Báo chí luôn có thời lượng thông tin nhiều hơn về các hoạt động của ngành, những điều chỉnh phù hợp với giai đoạn chống dịch Covid-19. Từ đó, những lĩnh vực của ngành đã được lan tỏa mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hải Bình, nhiều thành công của Bộ vẫn còn "áo gấm đi đêm", rất nhiều đóng góp của ngành chưa được thông tin đến xã hội. Ví dụ, thành công của Đội tuyển Bóng đá Việt Nam nhưng còn thiếu thông tin về vai trò quản lý nhà nước, định hướng của Tổng cục TDTT.

Ông Lê Hải Bình cũng cho rằng, các lĩnh vực của ngành VHTTDL là chất liệu hấp dẫn cho báo chí. Để báo chí lan tỏa thông tin về lĩnh vực của Bộ, cần xác định mục tiêu dài, chiến lược, phục vụ cho nhiệm vụ chiến lược của đất nước.

Theo đó, cần lấy hệ thống báo chí truyền thông của Bộ là lực lượng cốt lõi để truyền thông. Ngoài ra, các cơ quan báo chí là lực lượng đồng hành. Bên cạnh đó, cần khai thác các KOLS có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội là các ca sĩ, nghệ sĩ, vận động viên hàng đầu.

Những giá trị văn hóa phải được lan tỏa mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông - Ảnh 4.

Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Sẵn sàng truyền thông điệp của Bộ, Lãnh đạo Bộ đến báo chí

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cảm ơn những ý kiến góp ý cởi mở, thẳng thắn của các đại biểu tại Hội nghị. Bộ trưởng khẳng định, những ý kiến góp ý sẽ được Bộ nghiêm túc tiếp thu để đưa vào các nhóm giải pháp, nhiệm vụ của Bộ trong thời gian tới đây.

"Lần đầu tiên Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị về công tác truyền thông báo chí ở quy mô cấp bộ, có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo các cơ quan báo chí lớn và những phóng viên kỳ cựu đến dự, chia sẻ, góp tiếng nói để Bộ hoàn thiện hơn công tác truyền thông. Hội nghị đã đề cập một cách tổng thể về ý nghĩa to lớn của công tác truyền thông của báo chí cách mạng hiện nay, một trong những nội dung, nhiệm vụ chính trên mặt trận tư tưởng của Đảng, Nhà nước"- Bộ trưởng nhận định.

Bộ trưởng cho rằng, văn hóa là vấn đề rộng, tiếp cận, hiểu, vận dụng, xây dựng phải là cả một quá trình. Để phát triển văn hóa có nhiều giải pháp, trong đó, giải pháp truyền thông qua báo chí là giải pháp có tính căn cơ, lan tỏa sức mạnh nội sinh.

Chúng ta đã đi đến với những giải pháp có tính căn cơ, bài bản để Bộ VHTTDL chỉ đạo công tác truyền thông tốt hơn. Hơn lúc nào hết, chúng tôi nhận thức một cách đầy đủ để công tác truyền thông của chúng ta và các cơ quan báo chí của Bộ tiếp cận theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Bắt đầu từ những việc làm cụ thể, làm từ việc dễ đến việc khó, từ việc đơn giải đến phức tạp.

Bộ trưởng thừa nhận, trên thực tế, chúng tôi cũng nhận thấy, Bộ có vị thế, nhưng vì sao không lan tỏa được? Đó là lỗi của chính chúng ta. Mong muốn lãnh đạo các cơ quan báo chí của Bộ phải nhanh chóng định vị lại công tác truyền thông, vừa có lực lượng chủ công để thực hiện nhưng đồng thời phải có cơ chế phối hợp để đưa hoạt động của ngành đến đúng tầm. Không tự ti báo nhỏ, báo lớn, không tự ti số lượng ít hay nhiều phải dũng cảm, thừa nhận khuyết điểm để nỗ lực vươn lên.

Từ bài học xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông và đội ngũ báo chí, Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu gì cho lãnh đạo Bộ, cho các cơ quan báo chí của Bộ để có nhiều cây bút mà như cố nhà báo Hữu Thọ nhấn mạnh "tâm sáng, lòng trong, bút sắc". Phải đưa lực lượng nhà báo này đắm mình trong thực tiễn, rèn luyện trong thực tiễn, từ thực tiễn để cung cấp thông tin, dẫn nguồn cho các báo khác, lan tỏa những điều tốt đẹp.

Những giá trị văn hóa phải được lan tỏa mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Thanh Lâm- Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ TT&TT

Cùng với đó, có một lực lượng nòng cốt những nhà quản lý giỏi, những nghệ sĩ tài năng, những nhà văn có tên tuổi, những cầu thủ xuất sắc…có mối quan hệ, ảnh hưởng nhiều đến xã hội, chúng ta đã phát huy lực lượng nay như thế nào? Tại sao NS Xuân Bắc cộng tác với các Bộ khác, các đơn vị khác nhiệt tình như vậy mà Bộ mình thì bỏ không. Chúng ta đã có lời với nghệ sĩ, cùng họ làm công tác truyền thông chưa? – Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Vì vậy, cần hình thành nhóm, tận dụng được mạng xã hội để lan tỏa, truyền đi được vấn đề mà Bộ ta đang mong muốn.

Mỗi cán bộ của ngành phải biết sử dụng mạng xã hội một cách đúng quy định, phải hướng đến những điều mà chúng ta đang xây dựng, những giá trị Chân, Thiện, Mỹ.

Bộ trưởng cho rằng, để thực hiện được những điều này, lực lượng báo chí của Bộ là chủ công.

Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan của Bộ chủ động cung cấp thông tin. Coi việc thực hiện nhiệm vụ truyền thông cùng với báo chí là trách nhiệm của mỗi đơn vị. Không được chủ quan, thỏa mãn, phải chủ động, tích cực. Bên cạnh đó, phải sắp xếp phòng truyền thông theo hướng đổi mới cách tiếp cận, không cứng nhắc, không hành chính hóa. Đảm bảo thông tin kịp thời, khách quan, minh bạch.

Bộ trưởng giao Vụ KHTC nghiên cứu để tham mưu, bố trí nguồn lực cho các cơ quan truyền thông. Tuy nhiên, các tờ báo của Bộ phải chủ động khai thác, tạo ra nguồn lực, không trông chờ, ỷ lại.

Bộ trưởng cho rằng, các cơ quan báo chí của Bộ phải tuân thủ chỉ đạo từ Ban Tuyên giáo, Bộ TT&TT. Chủ động phối hợp với với các cơ quan báo chí lớn, có tầm ảnh hưởng, nhanh chóng sơ kết những chương trình đã phối hợp trước đây, tìm ra vấn đề cần sửa đổi, chọn việc theo hướng trọng điểm.

Trước mắt cần xem xét lại các chương trình phối hợp, phải chọn thế mạnh của đối tượng phối hợp, chọn việc phối hợp sao cho hiệu quả. Những giá trị văn hóa phải được lan tỏa trên các phương tiện truyền thông.

Những giá trị văn hóa phải được lan tỏa mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông - Ảnh 6.

Phối hợp chặt chẽ hơn với các báo trên tinh thần cầu thị, sẵn sàng hợp tác, sẵn sàng đưa thông điệp của Bộ và lãnh đạo Bộ tới các báo. Chủ động hơn nữa để kết nối, làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam, để lan tỏa những giá trị tốt đẹp.

Bộ trưởng cho rằng cần bồi dưỡng nghiệp vụ cho phóng viên lĩnh vực văn hóa, để viết đúng, có sức truyền cảm, đa dạng thể loại…Bộ VHTTDL sẽ cung cấp thông tin theo nhiều loại hình: họp báo, cung cấp thông tin, hội thảo…

Bộ trưởng cũng cho biết, bản thân Bộ trưởng chưa bao giờ từ chối một cuộc gọi nào từ các phóng viên, sẵn sàng trả lời các báo, sẵn sàng hợp tác, sẵn sàng đưa thông điệp của Bộ, của Lãnh đạo Bộ đến báo chí.

Bộ trưởng cũng chia sẻ những nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới cần sự đồng hành, góp ý, phản biện của các cơ quan báo chí như: Chiến lược văn hóa; Tổ chức Diễn đàn Văn hóa thường niên hàng năm; Đề xuất và kiến nghị hình thành các thiết chế, và sử dụng hiệu quả các thiết chế; vai trò của Bộ trong vấn đề phát triển thể thao cho mọi người. Từ đó thực hiện hiệu quả cuộc vận động toàn dân rèn luyện thể dục thể thao theo gương Bác Hồ, đề án nâng cao tầm vóc người Việt Nam; Phát triển du lịch trong 5 năm tới theo hướng khắc phục hậu quả dịch bệnh….

"Đó là những trăn trở, những định hướng của ngành. Có những vấn đề đã báo cáo Thủ tướng, có những vấn đề đang xây dựng, cần tiếng nói phản biện, góp ý của các cơ quan báo chí. Chúng tôi luôn lắng nghe, cầu thị và tin tưởng với tình yêu văn hóa, thể thao, du lịch của các cơ quan báo chí, ngành sẽ đạt được những kết quả nhất định, tích cực góp phần vào sự phát triển chung của đất nước"- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh./.

Hà An- Nam Nguyễn- Minh Khánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ