• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những giọng ca nữ xuất sắc nhất nền nhạc cổ điển Việt Nam

Giải trí 09/10/2022 13:01

(Tổ Quốc) - NSND Lê Dung, Hà Phạm Thăng Long, Đào Tố Loan, Phạm Khánh Ngọc, Nhật Huyền đều là những giọng ca nữ đáng nể và có dấu ấn trong nền nhạc cổ điển Việt Nam.

Nhạc cổ điển (classical) được biết đến là dòng nhạc hàn lâm được du nhập từ phương Tây vào Việt Nam với lịch sử tồn tại không quá dài (khoảng từ đầu thế kỷ XX).

Vì là nhạc "ngoại nhập", lại đậm tính bác học nên nhạc cổ điển không được nhiều ca sĩ Việt lựa chọn để theo đuổi, cũng không có thị trường rộng rãi. Thứ âm nhạc Tây phương này quá sang trọng, tinh xảo, với nhiều kỹ thuật lắt léo, cầu kỳ, ít tương hợp với thể lực, cơ địa người Việt.

Bởi vậy, để một ca sĩ Việt hát và theo được nhạc cổ điển đòi hỏi một sự khổ luyện, đam mê và nỗ lực đáng nể. Họ là những người có đủ tâm và tầm để thoát khỏi thị trường âm nhạc thông thường, tiến vào tòa lâu đài đầy ánh hào quang này.

Và suốt lịch sử hơn trăm năm qua, chỉ có một vài giọng ca sĩ được xem là xuất sắc, có đóng góp với nhạc cổ điển Việt Nam.   

NSND Lê Dung – cánh chim đầu đàn của nhạc cổ điển Việt Nam

Ca sĩ Mỹ Linh khi được hỏi về danh xưng Diva đã trả lời một cách chắc nịch: "Ở Việt Nam, nếu có Diva thì chỉ hai người xứng đáng. Đó là NSND Lê Dung và Thanh Lam".

Nếu Thanh Lam là giọng nữ trung có tầm ảnh hưởng lớn tới nhạc nhẹ thì NSND Lê Dung là giọng nữ cao đứng đầu nền nhạc cổ điển, thính phòng Việt Nam.

Những giọng ca nữ xuất sắc nhất nền nhạc cổ điển Việt Nam - Ảnh 1.

NSND Lê Dung

Được mệnh danh là "cánh chim đầu đàn của nền nhạc cổ điển, thính phòng Việt Nam". Sau hơn 20 năm qua đời, NSND Lê Dung đã thực sự trở thành một huyền thoại âm nhạc về giọng hát hiếm hoi của nhạc Việt. Sự nghiệp và tài năng của bà có ảnh hưởng sâu rộng đến khán giả Việt, luôn là tấm gương để mọi thế hệ đàn em noi theo.

Trước Lê Dung, nhạc cổ điển đã được du nhập vào Việt Nam nhờ người Pháp và những trí thức Tây học, nhưng chưa thực sự phát triển.

Lê Dung trong suốt thập niên 90 đã đi diễn ở khắp các sân khấu lớn nhỏ. Không chỉ trên sân khấu lớn, sang trọng như Nhà hát Lớn hay các dinh, tòa đại sứ, bà còn diễn ở nhiều sân khấu bình dân và lên sóng phát thanh, truyền hình, phủ khắp mọi ngõ ngách.

Đặc biệt, Lê Dung không chỉ hát nhạc cổ điển mà còn dùng lối hát cổ điển để hát những bài nhạc dân ca, cách mạng vốn đã quen thuộc với công chúng. Nhờ Lê Dung, lần đầu tiên khán giả Việt được nghe những bài nhạc Cách mạng qua một lối hát mới đầy học thuật (trình diễn trên head voice dựng tiếng) nhưng cũng dung dị, mộc mạc, không quá phô diễn.

Từ đó, Lê Dung đã phổ biến nhạc cổ điển đến khắp khán giả trong nước, ở mọi tầng lớp. Những ca khúc cách mạng bán cổ điển như Mẹ yêu con, Người Hà Nội, Bài ca hy vọng… qua giọng hát Lê Dung đã chiếm trọn trái tim nhân dân, khiến ai cũng xao xuyến, không thể quên.

Giọng hát Lê Dung bẩm sinh thuộc loại giọng light lirico soprano (nữ cao trữ tình sáng mảnh), có âm sắc đẹp, sáng lanh lảnh nhưng không chua chói, quãng giọng rộng. Nhờ khổ luyện, bà không chỉ có kỹ thuật cổ điển đáng nể mà còn thành công ở cả nhạc nhẹ.

Hà Phạm Thăng Long – "Cô Sao" thành công nhất

Trong các giọng nữ cao cổ điển tại Việt Nam, Hà Phạm Thăng Long có thể xem là trường hợp đặc biệt hơn cả. Nếu các giọng nữ khác đa phần là light lirico soprano hoặc coloratura soprano thì Hà Phạm Thăng Long lại là full lirico soprano. Loại giọng này ít thấy hơn rất nhiều ở Việt Nam.

Đặc trưng trong giọng hát Hà Phạm Thăng Long là tận dụng, phát huy được thế mạnh của full lirico soprano cổ điển, với âm lượng lớn, âm sắc dày, ấm áp. Hà Phạm Thăng Long không lên những note quá cao nhưng hát tới đâu uy lực tới đó.

Cô đạt tới độ rền lớn nhờ kỹ thuật cộng hưởng âm thanh, khi vào quãng cao trào thì phát huy nội lực đáng nể.

Hà Phạm Thăng Long cũng là người hát thành công nhất vai Cô Sao trong vở Opera cùng tên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Đây là một trong những vở Opera ít ỏi của Việt Nam. Ít ai quên được những cú head voice cuộn trào bão táp của cô khi hát không mic trong vở diễn này tại Nhà Hát Lớn.

Đào Tố Loan và Phạm Khánh Ngọc – hai nữ cao màu sắc xuất sắc 

Rất nhiều nữ ca sĩ cổ điển phát triển theo giọng nữ cao màu sắc trữ tình (lirico coloratura soprano) vì nó thích hợp nhất với cơ địa người Việt.

Tuy nhiên, xuất sắc nhất phải kể đến hai cái tên Đào Tố Loan và Phạm Khánh Ngọc.

Những giọng ca nữ xuất sắc nhất nền nhạc cổ điển Việt Nam - Ảnh 2.

Đào Tố Loan

Sở dĩ hai nữ ca sĩ này được đặt trong thế song hành cùng nhau vì họ có khá nhiều nét tương đồng, từ loại giọng, màu giọng tới kỹ thuật. Điều đặc biệt là Đào Tố Loan đứng đầu tại miền Bắc, còn Phạm Khánh Ngọc lại xuất sắc ở miền Nam.

Cả Đào Tố Loan và Phạm Khánh Ngọc đều có quãng giọng rộng, lên tới tận F6, thực hiện được hầu hết kỹ thuật tinh xảo của một giọng nữ cao màu sắc cổ điển như staccato, pinissimo, legato, trillo… Họ cũng đủ năng lực để hát trọn vẹn một vở Opera kéo dài vài tiếng, với làn hơi dài bất tận.

Không những vậy, cả hai nữ ca sĩ đều được giới chuyên môn nước ngoài đánh giá tốt. Họ thường xuyên được mời đi diễn quốc tế, hát chung với nhiều ca sĩ cổ điển phương Tây mà không hề kém cạnh.

Lan Anh – giảng viên thanh nhạc hàng đầu

Trong số các nữ ca sĩ cổ điển hiện nay, Lan Anh là cái tên nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất.

Lan Anh ngay từ nhỏ đã sớm bộc lộc năng khiếu ca hát, thường xuyên hát hò và được thầy cô, bạn bè gọi là "chim sơn ca". Năm 1994, cô thi đỗ Nhạc viện Hà Nội và được đào tạo bởi những giảng viên hàng đầu Việt Nam là NSƯT Diệu Thúy, NSND Trung Kiên.

Suốt 8 năm ngồi trên ghế nhà trường, Lan Anh luôn được đánh giá là một sinh viên xuất sắc, có năng lực hơn người. NSND Trung Kiên nói về cô học trò của ông:

"Lan Anh là một trong số những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc Nhạc viện Hà Nội, hiện đang theo lớp cao học năm thứ nhất. Theo tôi, Lan Anh là một học sinh thông minh, có nhạc cảm về thanh nhạc. Em cũng là một trong những học sinh mà tôi rất yêu mến…".

Trong sự nghiệp của mình, Lan Anh tham gia tranh tài tại nhiều cuộc thi trong nước lẫn quốc tế và giành nhiều giải thưởng.

Những giọng ca nữ xuất sắc nhất nền nhạc cổ điển Việt Nam - Ảnh 3.

Lan Anh

Năm 2002, trong chương trình hoà nhạc nhân dịp 175 năm kỉ niệm ngày mất của Beethoven do ĐH Gacusen, Nhật Bản tổ chức, Lan Anh đã vượt qua rất nhiều vòng thi tuyển chuyên môn khắt khe để trở thành một trong 4 solist và là solist trẻ nhất thể hiện Bản giao hưởng số 9 của Beethoven.

Đây là minh chứng lớn cho tài năng của Lan Anh. Dù chỉ là một giọng nữ cao trữ tình sáng mảnh, nhưng Lan Anh dám hát cả aria dành cho nữ cao màu sắc. Cô sở hữu chất giọng đẹp top đầu nhạc cổ điển Việt Nam cùng kỹ thuật chin chu, cảm nhạc tốt, cách xử lý điêu luyện.

Không chỉ thành công ở âm nhạc, Lan Anh còn được đánh giá là một trong những giảng viên thanh nhạc hàng đầu, với chuyên môn cao.

Phạm Thu Hà – nghệ sĩ có phong độ vững vàng

Mảnh đất Hải Phòng đầu sóng ngọn gió thường sản sinh ra những giọng hát trầm dày, nội lực nhưng Phạm Thu Hà lại hoàn toàn khác biệt khi đi theo cổ điển, với giọng hát cao, sáng và mềm mại.

Phạm Thu Hà thuộc lứa nghệ sĩ được đào tạo bài bản tại Nhạc viện Hà Nội và tốt nghiệp hệ cao học. Về kỹ thuật, cô cũng khá chuẩn chỉ, dù không thuộc hàng xuất sắc hay phô diễn điêu luyện.

Phạm Thu Hà cũng khá thông minh khi biết khai thác thế mạnh của mình. Cô lựa chọn dòng crossover, mang âm hưởng cổ điển giao thoa với Pop, tiếp cận khán giả một cách dễ dàng hơn.

Dù không quá nổi trội nhưng Phạm Thu Hà lại có phong độ khá vững vàng, càng ngày càng hát điêu luyện hơn. Cô đại diện cho sự sang trọng của âm nhạc, đúng như lời NSƯT Thành Lộc nói:

"Phong độ thật vững như vàng nung vừa đúng tuổi! Ta cảm nhận như cô không hát mà chỉ là bay bổng cùng với giai điệu mà thôi, vì cô hát nhẹ tênh ngay với những nốt cao nhất! Giọng hát của người nữ ca sĩ này đã đưa đêm nhạc lên một đẳng cấp sang trọng hẳn".

Thùy Dung – ca sĩ trẻ đầy triển vọng

Trong số các giọng ca cổ điển tại Việt Nam, Thùy Dung là cái tên khá trẻ, nhưng lại có năng lực chuyên môn khiến ai cũng phải dè chừng.

Thùy Dung đã tốt nghiệp Cao học Thanh nhạc opera. Đặc biệt, cô còn được nghệ sĩ người Nga - Lyubov Kazarnovskaya - một trong 5 nghệ sĩ opera hàng đầu thế giới dìu dắt và được sang Nga, Pháp, Italia… biểu diễn.

Thùy Dung đáng lẽ sẽ có một sự nghiệp nở rộ tại châu Âu, nhưng cô lại chọn trở về Việt Nam hoạt động vì muốn đóng góp nhiều hơn cho nền âm nhạc cổ điển nước nhà.

Không quá nặng nề về chuyện phải trình diễn nhạc cổ điển đúng chuẩn, Thùy Dung tự làm mới mình với những bản phối mới đầy hiện đại, trẻ trung. Cô được xem là làn gió mới cho nền cổ điển Việt Nam.

Nhật Huyền – đóa hoa nở muộn

So với những tên tuổi khác, Nhật Huyền có lẽ còn khá mới mẻ và chưa được nhắc đến nhiều, nhưng cũng là một trong những giọng nữ cổ điển đáng nể.

Nhật Huyền không còn trẻ, cũng không phải người mới bước vào nghề, nhưng cô ít được biết tới vì dành phần lớn thời gian cho công tác giảng dạy thanh nhạc tại trường Văn hóa Quân đội.

Tuy nhiên, chính những năm tháng giảng dạy lại tích lũy cho Nhật Huyền nhiều kiến thức, kỹ thuật, tạo tiền đề vững chắc để Nhật Huyền bước lên sân khấu.

Những giọng ca nữ xuất sắc nhất nền nhạc cổ điển Việt Nam - Ảnh 4.

Nhật Huyền

Nhật Huyền đặc biệt hơn những giọng nữ cổ điển khác ở chỗ, cô là một giọng nữ trung. Trong khi đó, đa số các giọng nữ cổ điển đều là nữ cao.

Đối với âm nhạc cổ điển nói chung và tại Việt Nam nói riêng, giọng nữ trung ít có đất diễn hơn nữ cao. Đó là lý do Nhật Huyền không thường xuyên xuất hiện trên các sân khấu nhạc cổ điển.

Thay vào đó, Nhật Huyền chọn cho mình một lối đi riêng. Năm 2018, Nhật Huyền từng cho ra mắt album Cô gái đại dương, một sản phẩm âm nhạc độc đáo.

Trong đó, Nhật Huyền dùng lối hát cổ điển để thể hiện những ca khúc mới với nhiều màu sắc âm nhạc khác nhau, kết hợp cả vũ đạo, hình ảnh, hòa âm phối khí. Đây là những thể nghiệm âm nhạc mang tính sáng tạo, mới lạ, thể hiện hiện sự tìm tòi của nữ ca sĩ, đồng thời cũng là một đóng góp không nhỏ vào nền nhạc cổ điển Việt Nam.

Về kỹ thuật, Nhật Huyền là một giọng hát khá hoàn thiện. Cô có quãng giọng khá rộng, có thể xuống tới E3 bằng giọng ngực mộ cách chắc chắn, belt quãng trung dày và lên tận C6 bằng head voice (ngang với một nữ cao).

Các kỹ thuật của Nhật Huyền khá đa dạng, chứ không chỉ bó gọn trong cổ điển. Ngoài dựng tiếng, hát giả thanh, Nhật Huyền cũng hát bằng giọng thật rất mùi, nhẹ nhàng, ấm áp. Nhờ đó, cô hát được cả nhạc nhẹ, Bolero.

Sau hai năm Covid, Nhật Huyền sắp tới đây sẽ trở lại với dự án âm nhạc mới, hứa hẹn sự lột xác ngoạn mục. Dù bước ra công chúng khá muộn, nhưng Nhật Huyền đã có được những thành tựu nhất định, đáng để ghi nhớ.

Long Phạm

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ