(Tổ Quốc) - Trong nhịp đời sôi động đón tết cổ truyền, người dân không khỏi lo lắng cho những hiểm họa xảy ra bất cứ lúc nào. Hết lo thực phẩm bẩn, hàng giả, trộm cắp lại lo đến tai nạn giao thông, tai nạn do pháo và cả chuyện đánh nhau trong những ngày tết.
Hẳn bạn đọc còn nhớ, trong dịp Tết Mậu Tuất 2018, các phương tiện thông tin đại chúng từng đăng tải từ ngày 15-2 (30 Tết) đến ngày 17-2 (tức mùng 2 Tết), 1.300 cơ sở y tế trong cả nước đã tiếp nhận 1.949 trường hợp khám cấp cứu do các vụ ẩu đả. Trong số này có gần 1.100 trường hợp đánh nhau, phải nhập viện điều trị nội trú và 270 trường hợp phải chuyển viện tuyến trên. Đã có ít nhất 6 trường hợp tử vong vì đánh nhau.
Một vụ bắt pháo lậu của cơ quan chức năng ở Hải Dương
Văn hóa ứng xử vốn đã xuống cấp, trên bàn nhậu có bia rượu vào, lối hành xử thô bạo lại càng bùng phát mạnh. Có nhiều lý do dẫn đến đánh nhau nhưng trước hết là nguyên nhân uống quá nhiều bia rượu. Khi "ma men" đã ngấm rồi, người có tính hung đồ thường hay gây sự với bạn nhậu. Lại có người vốn bình thường rất hiền lành nhưng khi bị khích bác, kích động thì cũng "liều mình như chẳng có". Những mâu thuẫn chất chứa từ lâu, dịp tết mới mang ra phán xử rồi to tiếng. Bạn bè, hàng xóm đánh nhau, thậm chí cả anh em ruột thịt, bố con cũng đánh nhau. Một lối hành xử đáng buồn, đáng lên án. Hơn 1000 người phải điều trị và 6 người chết vì đánh nhau trong 3 ngày tết thì còn đâu là ý nghĩa của dịp sum vầy, hội ngộ?
Khắc phục được triệt để chuyện đánh nhau quả là việc khó đối với cơ quan chức năng. Bởi ngày tết, ăn nhậu là quyền riêng tư của mỗi người, mỗi gia đình. Họ ăn nhậu tại nhà, uống bao nhiêu là quyền của họ, không ai cấm được. Chỉ đến khi xảy ra hậu quả gây thương tích hoặc chết người thì cơ quan chức năng phải vào cuộc. Vì vậy, để tránh ẩu đả xảy ra thì chỉ có người trong cuộc mới làm được, mà điều cốt lõi là ý thức tự giác của họ.
Ép nhau uống nhiều, không uống được thì bị mỉa mai, coi thường. Đó là cách hành xử thiếu văn hóa trong ẩm thực. Trong ăn uống, từ xa xưa các cụ đã dạy, không chỉ là ăn cái gì, ăn như thế nào mà còn ăn với ai. Những kẻ hung hăng, nát rượu thì tất yếu sẽ mất dần bạn bè, người tử tế không thể ngồi cùng mâm với họ.
Cũng vì rượu mà tai nạn giao thông mới xảy ra nhiều như thế. Một thống kê Ủy ban ATGTQG, có đến 40% số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn gây ra. Mặc dù, Luật Giao thông đường bộ đã quy định mức xử phạt nghiêm khắc đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ bia, rượu quá mức phép, nhưng các vi phạm về trật tự ATGT, TNGT liên quan đến bia rượu vẫn gia tăng. Vì thế mà trong 4 ngày nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, cả nước xảy ra 136 vụ tai nạn giao thông, làm chết 111 người, bị thương 54 người. Trung bình mỗi ngày có gần 28 người chết, tăng cao so với mức 22 người của dịp nghỉ năm ngoái và ngày thường. Đó là con số cảnh báo sớm cho dịp tết Kỷ Hợi này.
Trộm cắp, cướp giật diễn ra thường xuyên và bọn đạo tặc ngày càng manh động. Chúng sẵn sàng chém giết để chiếm đoạt bằng được tài sản của người bị nạn. Vì vậy, người không thể lơ là cảnh giác, nhất là không nên hớ hênh tiền bạc, đồ trang sức để trở thành miếng mồi cho lũ bất lương.
Một hiểm họa nữa là pháo. Đã 24 năm kể từ cái Tết cuối cùng trước khi có lệnh cấm đốt pháo. Chỉ thị 406-TTg năm 1994 về cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo do Thủ tướng Chính phủ ban hành có hiệu lực từ 1-1-1995. Mỗi năm đã tránh cho hàng trăm người thương vong vì pháo. Hãy nhìn lại dịp Tết Nguyên đán Giáp Tuất (1994) đã có 728 vụ tai nạn do pháo gây ra, làm chết 71 người, làm bị thương 765 người và tiêu tốn khoảng 30 tỷ đồng. Thế nhưng, vẫn có người lén lút buôn bán, nhập lậu và sản xuất pháo nổ.
Bộ đội Biên phòng Hải quan Quảng Trị vừa bắt vụ vận chuyển 100 hộp pháo hoa trái phép từ Lào về Việt Nam, tổng trọng lượng 120kg. Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương bắt giữ 4 đối tượng vận chuyển trên 500kg pháo từ Lạng Sơn về Hải Dương tiêu thụ; bắt 2 đối tượng khác, thu giữ gần 300kg pháo các loại. Công an tỉnh Gia Lai bắt giữ 1 người đàn ông cùng 500kg pháo trên địa bàn TP. Pleiku. Công an quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) bắt xe khách đường dài tuyến Hà Nội - Đắk Lắk chở 6 thùng giấy cacton mỗi thùng chứa 30kg pháo hoa ghi chữ Trung Quốc…
Vì pháo lậu vẫn được những kẻ hám lợi tuồn về khắp ngả đường trong cả nước như thế nên tai nạn do pháo vẫn xảy ra. Dịp Tết Nguyên đán 2018, các bệnh viện trong cả nước đã tiếp nhận 190 người nhập viện do tai nạn pháo nổ, tăng gấp rưỡi so với Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017. Và mới đây nhất là vụ pháo nổ tại xóm 7, xã Nam Trường (Nam Đàn, Nghệ An) vào trưa 20-1, làm 5 người bị thương phải đưa đi cấp cứu tại các bệnh viện.
Người dân vẫn coi thường tính mạng và lãng quên Chỉ thị 406 của Chính phủ. Mặc dù trước Tết Nguyên đán năm nào, mỗi gia đình đều có bản cam kết không tàng trữ, sản xuất, buôn bán và đốt pháo nổ. Rõ ràng là một bộ phận người dân đã bộc lộ sự dối trá, đạo đức giả và cố tình vi phạm pháp luật!
Trước những nguy cơ gây tổn thất tính mạng con người, dịp tết này, các cơ quan chức năng lại phải gồng mình đối phó, ngăn chặn những hiểm họa để mang lại cho xã hội một cái tết yên vui, thanh bình đúng với ý nghĩa của nó.