• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Những kỳ vọng có tính đổi mới, đột phá cho đất nước từ Hội nghị Trung ương 7 khóa XII

Thời sự 15/05/2018 06:05

(Tổ Quốc) -Có thể khẳng định những nội dung mà Hội nghị Trung ương 7 khóa XII nhất trí thông qua có nhiều đổi mới quan trọng, có tính đột phá, phù hợp tình hình thực tế và đòi hỏi của công cuộc phát triển đất nước, đáp ứng được niềm mong mỏi, tin tưởng của nhân dân.

Sau 6 ngày làm việc, Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư Đảng khóa XII, họp phiên bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Hội nghị cũng thông qua nội dung cơ bản 3 Nghị quyết quan trọng về công tác cán bộ; chính sách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội.

Có thể khẳng định những nội dung mà Hội nghị Trung ương 7 khóa XII nhất trí thông qua có nhiều đổi mới quan trọng, có tính đột phá, phù hợp tình hình thực tế và đòi hỏi của công cuộc phát triển đất nước, đáp ứng được niềm mong mỏi, tin tưởng của nhân dân.

Xác định công tác cán bộ có ý nghĩa lâu dài, then chốt, quyết định định hướng, phát triển cũng như mọi quyết sách, điều hành trong các lĩnh vực, Hội nghị đã nhất trí ban hành Nghị quyết của Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và tầm nhìn trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Ảnh: baochinhphu.vn 

Đúng như nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Vấn đề cán bộ và công tác cán bộ - một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến con người, xây dựng con người, rất khó, phức tạp và hệ trọng. Phải coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc thường xuyên của Đảng. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững”.

Do đó, theo Tổng Bí thư phải chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, cơ chế và điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo vệ cán bộ; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm.

Nhìn lại công tác cán bộ vừa qua, với hàng loạt vụ việc sai phạm được đưa ra mạnh mẽ, kịp thời và những xử lý nghiêm minh, có sức ngăn chặn, răn đe, được sự ủng hộ của nhân dân…  đã cho thấy đây là công tác được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm, theo dõi sát sao. Vì vậy, Nghị quyết về công tác cán bộ tại Hội nghị lần này một lần nữa xác định quyết tâm trong công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, có bản lĩnh, đạo đức, hết lòng vì dân vì nước, không tư lợi, nhũng nhiễu, xây đi đôi với chống. Công tác cán bộ vững mạnh có thể là “cái gốc” cho sự phát triển, ổn định và củng cố, tạo niềm tin cho nhân dân.

Cùng với đó, Hội nghị cũng cho thấy sự quyết tâm xây dựng một bộ máy trong sạch, kỷ cương. Bất kỳ một cán bộ nào sai phạm, dù ở thời điểm nào, giữ cương vị cao đến đâu nhưng nếu vi phạm đều bị xử lý, không có bất cứ vùng cấm nào.

Một trong những Nghị quyết nữa được người dân trông đợi, đặt nhiều kỳ vọng đó là cải cách chính sách tiền lương tạo động lực nâng cao chất lượng, năng suất làm việc. Nếu như công tác cán bộ được coi là then chốt, “gốc rễ” thì cải cách chính sách tiền lương có thể coi là cơ sở, động lực cùng song hành, đi đôi cho sự đổi mới mang tính đột phá. Bởi nếu một mặt chúng ta đòi hỏi đội ngũ cán bộ, người lao động chất lượng, đủ tài và đức nhưng tiền lương không tương xứng thì liệu có thể giữ chân được cán bộ, người lao động hoặc khiến họ yên tâm công tác, dốc toàn sức lực, chất xám cho công việc chuyên môn?.

Hội nghị nhất trí ban hành Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương nhằm sớm xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Việc trả lương xứng đáng với cống hiến của cán bộ, người lao động là một cách ngăn chặn tình trạng “chảy máu chất xám” đã và đang diễn ra nhiều năm nay. Có những cán bộ, người lao động thực sự có tài, đức nhưng vì áp lực “cơm áo gạo tiền”, họ đã bỏ môi trường làm việc nhà nước với đồng lương "ba cọc ba đồng”, không thể trang trải cuộc sống cá nhân và gia đình để sang làm cho các doanh nghiệp, liên doanh, thậm chí tại thị trường nước ngoài. Hoặc nếu trụ lại môi trường làm việc nhà nước thì “chân trong chân ngoài” nhằm kiếm thêm thu nhập, dễ tồn tại tâm lý “xà xẻo”, tham ô, tham nhũng, gợi ý hối lộ, đút lót… để có thêm thu nhập ngoài lương; hay tâm lý an nhàn, không muốn cống hiến làm thui chột, chây ì, không phát huy hết nội lực cũng như những tiền năng quý giá của bản thân… Tất cả biểu hiện này đã cho thấy hệ quả không nhỏ từ việc chi trả lương chưa tương xứng. Vì vậy, việc cải cách tiền lương là một bước tiến cần thiết, kịp thời, huy động những bộ óc tài giỏi để phát triển đất nước, tạo công bằng, động lực phát huy khả năng cống hiến ở mức cao nhất của mỗi người một cách chân chính, đàng hoàng.

Cùng với hai nghị quyết trên, Hội nghị còn thông qua nội dung cơ bản về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Đảng và Nhà nước vẫn tiếp tục xác định chính sách bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, coi đó vừa là mục tiêu vừa là động lực đối với sự phát triển bền vững của đất nước và thể hiện tính nhân văn và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Vì vậy, Hội nghị xác định việc đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách để Bảo hiểm xã hội thật sự trở thành một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Phát triển hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc "đóng - hưởng", "công bằng", "bình đẳng", "chia sẻ" và "bền vững".

Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Ảnh: nhandan.com.vn

 

Với ba Nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, cải cách tiền lương và cải cách bảo hiểm xã hội có thể coi là những Nghị quyết mang tính đột phá, có tính toàn diện, có sự liên kết, rằng buộc, hỗ trợ, bổ sung nhau như chiếc kiềng ba chân vững chắc để phát triển. Công tác cán bộ then chốt, nền tảng, tiền lương phù hợp là động lực để duy trì, phát triển và bảo hiểm xã hội linh hoạt đa dạng để tạo sự bền vững, yên tâm… Đây cũng là ba Nghị quyết cần thiết trong bối cảnh hiện nay, phù hợp với thực tế để làm nền tảng đưa đất nước phát triển.

Để thực hiện những Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII chắc chắn không phải ngày một ngày hai sẽ có ngay kết quả, mà đó phải là một quá trình của thời gian khoảng vài ba năm cùng với sự ủng hộ, vào cuộc của các cấp cũng như của nhân dân.  Bởi nếu thực hiện được Nghị quyết thì sẽ phải kéo theo những cải cách đồng bộ, quyết liệt như tinh giản biên chế, chống chạy chức, chạy quyền, loại bỏ tình trạng “con ông cháu cha”…

Nội dung của ba Nghị quyết thể hiện sự thẳng thắn, sáng suốt, linh hoạt, đổi mới, mong muốn xây dựng đất nước đi lên của những người giữ trọng trách đứng đầu đất nước. Với tinh thần dám nhìn thẳng vào sự thật về những yếu kém, chưa hiệu quả về công tác cán bộ, tiền lương và bảo hiểm xã hội để quyết tâm thay đổi và một sự cầu thị, đột phá, được nhân dân đánh giá cao. Và người dân tin rằng với những gì Đảng, Nhà nước đã và đang làm trong thời gian qua như công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, kỷ luật cán bộ vi phạm… đã đạt được những kết quả nhất định, thì với trách nhiệm, sự đoàn kết, quyết tâm, kiên trì, nhất trí cao của các cấp lãnh đạo những nội dung đã được xác định trong Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII sẽ trở thành hiện thực, đi vào cuộc sống. Bởi đây không chỉ là niềm tin, sự mong mỏi của nhân dân mà còn là yêu cầu cấp bách, cần thiết cho sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước.

Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ