• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làm lãnh đạo quản lý mà không biết xấu hổ thì người khác sao có thể yên tâm được?

Thời sự 14/05/2018 09:03

(Tổ Quốc) - Nhà báo Nhị Lê - phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đã chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc như vậy nhân dịp Hội nghị TƯ 7 vừa thông qua Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược vào ngày 12/5.

Mọi quyết nghị xuất phát từ yêu cầu thực tiễn sẽ trở về dẫn dắt thực tiễn

Nhà báo Nhị Lê: Cán bộ lãnh đạo cần phải luôn tự kiểm. Ảnh: Hà Giang

-Thưa ông, Hội nghị TƯ 7 đã kết thúc. Hội nghị đã bàn đến nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến công tác cán bộ - vốn được dư luận đặc biệt quan tâm. Qua theo dõi, ông nhận định như thế nào về việc bàn thảo trong công tác cán bộ lần này?

+ Đến nay đã tròn 20 năm kể từ Hội nghị TƯ 3 khoá VIII xây dựng chiến lược cán bộ lãnh đạo quản lý trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá. 20 năm qua thực hiện chiến lược này đã mang lại những kết quả quan trọng, là nhân tố, động lực để chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới thành công.

Đại hội XII của Đảng đánh giá, 20 năm qua chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, xây dựng đội ngũ cán bộ về cơ bản đáp ứng những yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Nhưng kỳ thực nhìn lại 20 năm thực hiện chiến lược từ bấy đến nay đã có muôn vàn những câu chuyện, những  sự việc hệ trọng xung quanh vấn đề này.

Từ tháng 1/2016, chúng ta chuyển qua một thời kỳ mới- thời kỳ đổi mới mới. Đó là thời kỳ tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ. Điều này cho thấy, không chỉ tính chất của công cuộc đổi mới đã tiến bước rất dài, mà quy mô và chiều sâu của công cuộc đổi mới cũng đòi hỏi những yêu cầu mới rất cao, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta hội nhập quốc tế một cách toàn diện trong tâm thế chủ động, đòi hỏi cấp bách hàng loạt vấn đề.... thì việc xây dựng một đội ngũ cán bộ đủ sức dẫn dắt công cuộc đổi mới đồng bộ, toàn diện đã trở nên cấp bách.

Nếu nhìn lại thời kỳ vừa qua và đứng trước yêu cầu nhiệm vụ mới chúng ta càng thấy cấp bách. Tất cả những mặt được, chưa được, những vấn đề cấp bách cần phải giải quyết về đội ngũ cán bộ nói riêng và về công tác cán bộ nói chung đã đặt ra trước Đảng ta, dân tộc chúng ta rằng cần phải tiếp tục đổi mới công tác cán bộ mà mục tiêu là nhằm hướng tới xây dựng một chiến lược cán bộ mà như Đại hội XII hoạch định, Hội nghị TƯ 7 bàn định là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ mới.

Nói vậy để thấy rằng, bối cảnh mới, nhiệm vụ mới đòi hỏi những sự cố gắng mới trên những phương diện mới mà Hội nghị TƯ 7 đã nỗ lực đáp ứng quyết sách chính trị của Đại hội XII.

Vì những nhẽ đó, Đảng quyết định Hội nghị TƯ 7 lần này bàn một trọng sự, đó là xây dựng chiến lược cán bộ và đội ngũ cán bộ các cấp mà trước hết là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm công cuộc đổi mới.

Ngay bản thân công tác cán bộ cũng đặt ra nhiều đại sự trong quá trình thực thi chiến lược cán bộ được hoạch định tại Hội nghị TƯ 3 khoá VIII và đồng thời cũng đối mặt với nhiệm vụ mới. Sản phẩm của nó là đội ngũ cán bộ các cấp trực tiếp là cán bộ cấp chiến lược. Vì thế nên càng cấp bách càng đòi hỏi chúng ta phải xây dựng một chiến lược cán bộ cán bộ theo tôi nghĩ tối thiểu trong tầm nhìn 2030. Lúc bấy giờ Đảng chúng ta tròn 100 năm tuổi, và thậm chí xa hơn nữa vào năm 2045 – lúc bấy giờ nước CHXHCN Việt Nam tròn 100 năm tuổi.

Cho nên chiến lược lần này là Hội nghị TƯ 7 đặt ra và giải quyết một cách trực tiếp và tạo tiền đề hết sức quan trọng để chúng ta tiến tới Đại hội XIII, XIV...nằm chung trong tầm quán xuyến của cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH được sửa đổi, bổ sung và phát triển và Đại hội vừa rồi.

-Vấn đề là làm thế nào để Nghị quyết đi vào cuộc sống, thưa ông?

+ Sẽ có nghị quyết, nhưng qua việc nghiên cứu Đề án dưới sự chủ trì của Ban tổ chức Trung ương trình ra Hội nghị Ban chấp hành lần này, theo tôi nghĩ, đây là Đề án tương đối toàn diện. Ở chừng mực nào đó rất cơ bản đã bắt mạch đúng những điều cần phải giải quyết, không chỉ nhìn về tổng thể đánh giá công tác cán bộ, đội ngũ cán bộ mà còn đặt ra những quan điểm rất căn bản, những phương châm phù hợp với một lộ trình gồm 8 giải pháp Đề án đề cập tới, mang tính khả thi cao.

Cá nhân tôi, qua theo dõi các buổi thảo luận của Trung ương, đặc biệt qua nắm bắt những ý kiến của toàn dân, và trực tiếp cá nhân tôi cũng như qua các phương tiện truyền thông thì thấy lòng dân, ý Đảng đã tương hợp. Chính vì vậy, tôi hy vọng quyết sách lần này sẽ mang tầm chiến lược, phù hợp với công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ, bắt nhịp với lộ trình thực hiện những trọng trách lớn, 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XI của Đảng đặt ra chí ít là trong tầm nhìn 2021. Đây cũng là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XII đặt ra, nhưng điều quan trọng hơn là đã thể hiện về mặt thực tiễn những yêu cầu của công cuộc đổi mới trong thời kỳ mới, bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Để Nghị quyết này đi vào thực tiễn, tôi cho rằng, mọi quyết nghị nếu xuất phát từ yêu cầu thực tiễn thì sẽ trở về dẫn dắt được thực tiễn. Những quyết sách chính trị xuất phát từ yêu cầu cuộc sống sẽ được cuộc sống chấp nhận. Nhưng làm thế nào để nó trở thành cuộc sống mới, thực tiễn mới mà có sự dẫn dắt từ quyết nghị của Trung ương thì lại là câu chuyện cần bàn.

Những vấn đề mới đặt ra vừa qua về công tác cán bộ, đội ngũ cán bộ của chúng ta về cơ bản chúng ta đã làm, những quan điểm chỉ đạo sắp tới cũng đã tương đối rõ ràng, những phương châm như tôi đã nói cũng tỏ ra phù hợp, 8 giải pháp mới mà đề án Đề xuất thì Trung ương sẽ lựa chọn, quyết nghị... Vậy thì làm thế nào để quyết nghị về chiến lược cán bộ trở thành hiện thực?

Theo tôi, trước hết chúng ta phải chuẩn bị một cách đầy đủ trên cơ sở những quyết nghị như vậy một lộ trình phù hợp, tuỳ thời ứng biến. Nguyên tắc thì rõ rồi, phương châm thì mạch lạc, giải pháp đặt ra rồi. Bây giờ là lộ trình. Từ giờ đến Đại hội XIII sẽ làm gì? Từng hội nghị sẽ làm gì? Từng địa phương căn cứ vào nghị quyết của Trung ương sẽ quyết sách ra sao? Từng ngành trên cơ sở thực tiễn công việc của mình thực thi thế nào?

Chúng ta dứt khoát phải thực hiện chiến lược cán bộ, phải xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, trước hết là cấp chiến lược. Chúng ta phải điểm tĩnh nhưng không được trì trệ, khẩn trương nhưng không nóng vội. Mỗi cấp uỷ, từ trưng ương đến cơ sở dưới sự chỉ đạo của Trung ương và các cấp uỷ trực tiếp phải chuẩn bị lộ trình để thực thi nghị quyết. Nếu nôn nóng sẽ dẫn tới vội vàng, mà vội vàng thì rất khó thành công.

Bên cạnh đó, bất cứ nghị quyết nào cũng gặp phải sự ngáng trở... nên vấn đề lộ trình hoá là hết sức quan trọng. Có thể nói, đây là sự tích hợp không chỉ về mặt quán triệt nghị quyết, không chỉ nghiên cứu nghị quyết mà đòi hỏi phải hành động thực sự. Mà để hành động thì lộ trình phải được vạch ra một cách cụ thể theo từng thời gian, từng loại công việc, từng loại đối tượng cán bộ để có đối sách phù hợp.

- Vì sao lại có việc quy trình thì đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai...? Vậy theo ông, tới đây, phương pháp nào để thời gian tới chúng ta lựa chọn đúng và trúng những cán bộ vừa có tâm vừa có tài?

+ Chúng ta phải có tiêu chí, tuyển theo công việc, theo chức danh dựa trên tiêu chí cần và đủ năng lực, phẩm chất. Theo tôi, có 7 hình thức tuyển: thi tuyển, bầu tuyển, ứng tuyển, tiến tuyển, bổ tuyển, điều tuyển và tranh tuyển.

Ngoài ra, còn có các phương châm tuyển, gồm: tiêu chuẩn hoá, khoa học hoá, dân chủ hoá, trách nhiệm hoá... chứ chúng ta không tuyển ào ạt, tuyển kiểu tháo khoán...

Cán bộ cấp chiến lược theo tôi họ phải có tối thiểu có 5 tư chất sau: Phải có tư duy, tầm nhìn chiến lược; có khả năng hoạch định chiến lược vĩ mô; là người hành động chiến lược; là một nhà văn hoá, chính trị gia chiến lược. Cuối cùng họ phải là biểu tượng quốc gia. Bên cạnh đó họ phải có các phẩm chất cụ thể như: trung thành, trong sáng, hành động, thân dân, vì quốc gia dân tộc.

Theo tôi, cái thước còn do tay người đo thước, vấn đề là ở con người. Vấn đề là những người có trọng trách trong lựa chọn, bố trí, sắp xếp và kỷ luật cán bộ. Họ bị chi phối vì lợi ích cá nhân, chi phối vì họ hàng... Do đó, vấn đề là do con người, do cơ chế kiểm soát.

Cán bộ lãnh đạo cần phải luôn tự kiểm

-Ông từng trả lời báo chí rằng, số cán bộ lãnh đạo bị xử lý do vi phạm vừa qua chỉ như phần nổi của tảng băng chìm. Vậy có nghĩa là vẫn còn nhiều trường hợp đang bị xử lý, nhiều trường hợp chưa bị phát hiện? Chúng ta có nên trông chờ vào lòng tự trọng của số cán bộ lãnh đạo này không, thưa ông?

+Công cuộc đổi mới của chúng ta không ai có thể cản được. Những gì chúng ta xử lý vừa qua tôi cho rằng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Dù đã có những quy định, quy chế đặt ra nhưng theo tôi, cán bộ lãnh đạo cần phải luôn tự kiểm. “Anh” là cán bộ lãnh đạo quản lý mà “anh” không đối diện với chính mình là không có liêm sỉ, cả gan chà đạp lên lợi ích của dân tộc, chà đạp lên lợi ích của người khác. Chính mình không biết xấu hổ thì làm sao người khác có thể yên tâm được.

Bên cạnh đó, chúng ta phải kiểm soát bằng các quyết nghị, bằng luật pháp của nhà nước. Thêm nữa là lấy việc mà kiểm. Trần Hưng Đạo từng nói “lấy việc mà thử...”. Một khâu giám sát quan trọng là lấy dân kiểm, tức là kiểm tra, giám sát toàn dân. Nhân dân biết hết, không ai thoát được dân. Ví như trường hợp nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, hay còn hàng loạt những trường hợp khác gây rúng động dư luận thời gian gần đây...

Chúng ta cần phải rà soát thể chế để từ đó tiếp tục hoàn thiện. Những quy định chưa đúng thì sửa, thiếu thì sửa... để từ đó hoàn thiện quy chế nhằm kiểm soát cán bộ.

Tôi tin nếu chúng ta quyết tâm, có phương pháp, có lực lượng và những điều kiện cần và đủ khác chúng ta sẽ làm được.

- Theo ông sự quyết liệt lần này có khiến các cán bộ tay đã nhúng chàm nhưng chưa bị phát hiện cảm thấy chột dạ không?

+ Có chứ, sự quyết liệt trong công tác cán bộ lần này khiến cho không chỉ người xấu thấy chột dạ mà cả người tốt cũng phải chỉnh đốn lại mình. Đội ngũ cán bộ phải nỗ lực hơn, giữ gìn hơn. Còn các cán bộ đã trót ít nhiều nhúng chàm thì phải nhanh chóng sửa lại mình đi. Nếu họ không sửa được thì họ sẽ bị trừng phạt.

Vì vậy, sự quyết liệt trong công tác cán bộ lần này tác động đến từng số phận con người, làm rung động đến từng bộ máy ở bất kỳ cấp nào....

Và tôi hoàn toàn tin tưởng vào Đề án cán bộ lần này, tin tưởng các luận cứ, luận chứng được biện luận, thảo luận và được quyết sách. Lần đầu tiên trong sinh hoạt một ban chấp hành mà để cho báo chí vào dự các phiên thảo luận tại tổ. Điều này cho thấy trình độ phát triển dân chủ trong xã hội mà Đảng là tiên phong, đột phá. Đời sống chính trị trong Đảng được thở hơi thở báo chí rất rõ.

-Xin cảm ơn ông!

Hà Giang

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ